Xuất phát từ vai trò của cán bộ cấp xã và chính quyền cấp xã

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã ở tỉnh Phú Thọ hiện nay (Trang 34 - 37)

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi công tác cán bộ là một trong những vấn đề có ý nghĩa cực kỳ quan trọng và là nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Đảng ta luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng, đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt ở cấp xã.

Bước vào thời kỳ đổi mới, đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng còn bộc lộ những yếu kém, khuyết điểm. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Đảng ta đã nghiêm túc tự phê bình, rút ra những sai lầm, khuyết điểm và đồng thời khẳng định quyết tâm sửa chữa sai lầm; đưa ra các quan điểm, phương hướng, chủ trương đổi mới toàn diện trong đó có vấn đề cán bộ và công tác cán bộ. Đảng ta coi cán bộ và công tác cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm giảm sút hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước và khẳng định: "... đổi mới

cán bộ lãnh đạo các cấp là mắt xích quan trọng nhất mà Đảng ta phải nắm chắc để thúc đẩy những cuộc cải cách có ý nghĩa cách mạng" [12, tr. 132].

Thực tiễn đã chứng minh quan điểm đổi mới công tác cán bộ và đổi mới đội ngũ cán bộ do Đại hội Đảng lần thứ VI của Đảng ta đề ra là hoàn toàn đúng đắn. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng khẳng định: "Tiếp tục đổi mới cán bộ và công tác cán bộ, xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ vững mạnh và đồng bộ... đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới" [13, tr. 98].

Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã đưa ra vấn đề về đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã có đủ phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước là thực sự bức xúc, bởi vì:

Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với mục tiêu chiến lược là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Ngày nay với sự tác động của kinh tế thị trường và quá trình hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế, trình độ dân trí ngày càng được nâng lên theo nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội. Phải nhận thức sâu sắc rằng: Muốn dân giàu, nước mạnh phải bắt đầu từ cấp xã. Vì xã, phường, thị trấn là nơi cung cấp nguồn nhân tài, nguyên vật liệu chủ yếu của quá trình CNH, HĐH đất nước. Mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh cũng phải bắt nguồn từ cơ sở. Và động lực để thực hiện được mục tiêu trên trước hết là từ đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã.

Trong bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy thì toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được" [39, tr. 54].

V.I. Lênin đã khẳng định: "Học cách làm việc, đó là nhiệm vụ mà chính quyền Xô-viết phải đặt ra trước nhân dân với tất cả tầm vóc của nó" [31, tr. 231]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc" [39, tr. 269], "cán bộ là cái vốn của đoàn thể. Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn"; "có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Đó là một chân lý nhất định" [39, tr. 240]. Như vậy, muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền cấp xã, phải xây dựng, đào tạo được một đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã có phẩm chất đạo đức, có trình độ năng lực, được trang bị lý luận chính trị, có kiến thức về quản lý kinh tế, khoa học - kỹ thuật, am hiểu về quản lý nhà nước, có năng lực tổ chức, hoạt động thực tiễn và nhất là phải có một trình độ hiểu biết về pháp luật nhất định. Đội ngũ cán bộ là người thực thi pháp luật, là người đem chính sách, pháp luật của Nhà nước thi hành trong nhân dân.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã xuất phát từ vị trí, vai trò của cấp xã. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Cấp xã là cấp gần gũi nhân dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi việc đều xong xuôi" [39, tr. 371-372]. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng: Tình hình chính trị - xã hội Việt Nam ổn định hay không thể hiện vào sự ổn định của cấp cơ sở. Nhà nước Việt Nam mạnh hay yếu phụ thuộc vào sự đồng thuận về ý Đảng - lòng dân.

Nước Việt Nam đang đứng trước nhu cầu bức xúc của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, hội nhập khu vực và toàn cầu hóa. Để chủ động hội nhập, nhanh chóng thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, rút ngắn khoảng cách tụt hậu, cần có một đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, am hiểu pháp luật, năng động sáng tạo trong hoạt động quản lý.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã ở tỉnh Phú Thọ hiện nay (Trang 34 - 37)