Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004 đã khẳng định nguyên tắc chỉ có Chấp hành viên, Cơ quan thi hành án dân sự là người có thẩm quyền thi hành án dân sự. Điều 12 của Pháp lệnh nêu rõ: Chấp hành viên là người được giao trách nhiệm thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo qui định của pháp luật. Trong quá trình thi hành án, Chấp hành viên chỉ tuân theo pháp luật và được pháp luật bảo vệ. Khi thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình Chấp hành viên phải tuân theo pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án được giao. Điều đó cho thấy, hoạt động của Chấp hành viên vừa mang tính quyền lực nhà nước, vừa thể hiện tính chuyên trách trong việc thực hiện pháp luật. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên được qui định cụ thể tại Điều 14 Pháp lệnh như sau:
- Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
- Triệu tập đương sự, người có liên quan đến trụ sở Cơ quan thi hành án hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thi hành án để thực hiện việc thi hành án; giải thích thuyết phục các đương sự tự nguyện thi hành án;
- ấn định thời hạn để người phải thi hành tự nguyện thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 6 của Pháp lệnh 2004;
- Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp xử lý tang vật, tài sản và những việc khác có liên quan đến việc thi hành án;
- Quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án theo qui định của Pháp lệnh thi hành án dân sự để bảo đảm việc thi hành án;
- Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật trong khi thi hành án; quyết định xử phạt hành chính theo thẩm quyền hoặc đề nghị Cơ quan thi hành án cùng cấp kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm;
- Thực hiện nhiệm vụ khác do Thủ trưởng Cơ quan thi hành án giao.
Bên cạnh việc quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên, Pháp lệnh cũng qui định trách nhiệm của Chấp hành viên khi không thi hành đúng bản án, quyết định của Tòa án, trì hoãn việc thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án trái pháp luật, vi phạm quy chế Chấp hành viên thì sẽ bị xử lý kỷ luật, hoặc truy cứu trách nhiệm nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường (khoản 4 Điều 67 Pháp lệnh 2004).
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên, Chấp hành viên trưởng cấp tỉnh do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên.
Như vậy, Pháp lệnh thi hành án dân sự được ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 14/01/2004 đã sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản so với Pháp lệnh 1993 cả về nội dung, bố cục và cách diễn đạt, nhằm khắc phục những điểm hạn chế của Pháp lệnh 1993, để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với tiến trình cải cách tư pháp và cải cách hành chính hiện nay.
Về mặt tổ chức, Cơ quan thi hành án hiện không có nhiều thay đổi, hệ thống các Cơ quan thi hành án hai cấp như hiện nay vẫn được giữ nguyên, ngoại trừ việc thay đổi về tên gọi.
Tại đoạn 2 khoản 1 Điều 12 Pháp lệnh 2004 qui định: "Chấp hành viên được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm". Đây là điểm mới so với Pháp lệnh 1993 nhằm nâng cao trách nhiệm của Chấp hành viên trong hoạt động thi hành án. Theo đó, tại Điều 13 Pháp lệnh mới qui định về tiêu chuẩn của Chấp hành viên cũng được nâng cao hơn nhiều so với Pháp lệnh 1993. Cụ thể đó là việc nâng cao tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, về năm công tác và về đào tạo kỹ năng nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa cán bộ, công chức nói chung và Chấp hành viên nói riêng và điều này được coi như là một giải pháp thúc đẩy hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới.
Về thủ tục bổ nhiệm Chấp hành viên, tại khoản 5 Điều 13 Pháp lệnh 2004 có qui định mới: để được bổ nhiệm Chấp hành viên thì người đó phải được Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên đề nghị. Theo đó, Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên sẽ do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch ủy ban cấp tỉnh và tương đương làm Chủ tịch. Đây là điểm mới nhằm đảm bảo qui trình tuyển chọn Chấp hành viên được chặt chẽ.
Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004 đã xây dựng mới Điều 15, 16 về Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự. Điều 15 có 5 khoản, trong đó khoản 1, 2, 3 qui định về tiêu chuẩn và khoản 4, 5 qui định về thẩm quyền và thủ tục bổ nhiệm Thủ trưởng cơ quan thi hành án. Qua đó cho thấy bên cạnh việc nhấn mạnh tiêu chuẩn vê chuyên môn, nghiệp vụ, Pháp lệnh 2004 cũng đòi hỏi rất nhiều ở người được bổ nhiệm làm Thủ trưởng cơ quan thi hành án kỹ năng, khả năng, quản lý điều hành công việc của cơ quan.
Điều 10 gồm 9 khoản qui định 9 nhiệm vụ, quyền hạn chính yếu của Thủ trưởng cơ quan thi hành án. Qua những quy định này chúng ta nhận thấy, có một số nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, theo Pháp lệnh 1993, là thuộc thẩm quyền của Chấp hành viên. Ví dụ: nhiệm vụ kiến nghị cơ quan Tòa án có thẩm quyền đính chính sai sót hoặc giải thích những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành án và nhiệm vụ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với người vi phạm. Qui định như vậy phù hợp hơn vì theo nguyên tắc, Thủ trưởng cơ quan mới là người đại diện cho đơn vị mình trong việc liên hệ công tác với các cơ quan khác.
Ngoài ra, tại khoản 9 điều này cũng xác định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thi hành án trong việc báo cáo về kết quả và tình hình công tác thi hành án dân sự trước ủy ban nhân dân cùng cấp và trước cơ quan thi hành án cấp trên.