Những quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành về hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Chế định hợp tác quốc tế trong luật tố tụng hình sự Việt Nam doc (Trang 48 - 54)

4. Nguyên tắc có đi có lạ

2.1.2.Những quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành về hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự

quốc tế trong tố tụng hình sự

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự đã đề cập những vấn đề sau:

Thứ nhất, về việc thực hiện tương trợ tư pháp.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã đề cập thực hiện tương trợ tư pháp và từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp. Quy định này xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Một quốc gia không thể tự mình trực tiếp tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự như thu thập, xác minh chứng cứ, bắt giữ người phạm tội... trên lãnh thổ của quốc gia khác. Biện pháp có thể được lựa chọn là quốc gia đó đề nghị quốc gia khác giúp đỡ và sự giúp đỡ đó được gọi là tương trợ tư pháp (mutual legal assistance). Như vậy, tương trợ tư pháp trong tố tụng hình sự có thể được hiểu là sự giúp đỡ, hợp tác của các cơ quan tiến hành tố tụng một quốc gia này với các cơ quan tương ứng của quốc gia khác nhằm thực hiện yêu cầu liên quan đến việc giải quyết vụ án hình sự. Yêu cầu tương trợ tư pháp có thể đề cập việc nhờ đối tác làm rõ một số tình tiết của vụ án, thu thập, kiểm tra tài liệu, chứng cứ, lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, truy tìm bị can, bị cáo, tiến hành khám xét, chuyển giao vật chứng, giám định, truy cứu trách nhiệm hình sự, dẫn độ... Trên cơ sở yêu cầu tương trợ tư pháp của quốc gia yêu cầu, các cơ quan tiến hành tố tụng của quốc gia được yêu cầu, thực hiện tương trợ tư pháp. Nói cách khác, nội dung thực hiện tương trợ tư pháp phụ thuộc vào nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp. Tuy nhiên, khi thực hiện tương trợ tư pháp, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước ta phải tuân thủ những quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành. Điều 341 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: "Khi thực hiện tương trợ tư pháp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam áp dụng những quy định của điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và quy định của Bộ luật này".

Quy định trên có nghĩa, khi thực hiện tương trợ tư pháp, việc đầu tiên phải làm rõ giữa nước ta và quốc gia đối tác đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp chưa, nếu đã ký kết, thì phải áp dụng những quy định của Hiệp định đó. Ngoài ra, phải áp dụng những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 trong quá trình thực hiện tương trợ tư pháp. Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 với các quy định tương ứng của điều ước quốc tế có liên quan, thì tương trợ tư pháp được thực hiện theo các quy định của điều ước quốc tế.

Thứ hai, về việc từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp.

Hiện nay, trong các mối quan hệ pháp lý quốc tế, bất cứ quốc gia nào cũng dành cho mình quyền chủ động trong việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp để bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Vì vậy, theo thông lệ, quốc gia nào cũng dành cho mình quyền được từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp trong những điều kiện nhất định. Theo quy định tại Điều 342 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp trong hoạt động tố tụng hình sự, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Yêu cầu tương trợ tư pháp không phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp gây phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia hoặc lợi ích quan trọng khác của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tuy nhiên, hoạt động tương trợ tư pháp cũng là một hoạt động đối ngoại, phải tuân thủ nguyên tắc nhạy cảm "có đi, có lại" của hoạt động ngoại giao. Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải nắm vững các quy định có liên quan trong điều ước quốc tế và pháp luật của nước ta để có thể áp dụng đúng đắn quy định này, vừa bảo đảm chủ quyền, lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích chính đáng của công dân, vừa không ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác lâu dài.

Thứ ba, dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.

Luật Quốc tịch Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, thông qua tại kỳ họp thứ 3, ngày 20-05-1998, đã đưa ra định nghĩa pháp lý của khái niệm dẫn độ: "Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật đang có mặt trên lãnh thổ của nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt đối với người đó". Dẫn độ người phạm tội là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm, đụng chạm trực tiếp đến chủ quyền và chính sách đối ngoại của một quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh một thế giới còn tồn tại nhiều chế độ chính trị - xã hội với ý thức hệ khác nhau. Điều 343 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định:

Căn cứ vào các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể:

1. Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước ngoài dẫn độ một người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để chấp hành hình phạt.

2. Thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật, đang ở trên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho quốc gia yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để chấp hành hình phạt [9].

Thứ tư, từ chối dẫn độ.

Để bảo đảm chủ quyền quốc gia, trong các hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký với các quốc gia khác đều có quy định về từ chối dẫn độ. Từ chối dẫn độ đã được quy định cụ thể tại Điều 344:

1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ chối dẫn độ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a. Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b. Theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì người bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt do đã hết thời hiệu hoặc vì những lý do hợp pháp khác;

c) Người bị yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị Tòa án nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ theo quy định của Bộ luật này;

d) Người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam vì lý do có khả năng bị truy bức ở quốc gia yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị.

2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể từ chối dẫn độ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Theo pháp luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ thực hiện không phải là tội phạm;

b) Người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi được nêu trong yêu cầu dẫn độ.

Như vậy, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, việc từ chối dẫn độ được thực hiện ở hai cấp độ.

Cấp độ thứ nhất: là các trường hợp buộc phải từ chối dẫn độ được quy định tại khoản 1 Điều 344 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Pháp luật của nhiều nước trên thế giới cũng có quy định tương tự nhằm bảo đảm chủ quyền quốc gia, bảo vệ sự an toàn pháp lý cho công dân và thực hiện thống nhất các nguyên tắc cơ bản của luật hình sự là nguyên tắc về thời hiệu, nguyên tắc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hai lần về một hành vi phạm tội và nguyên tắc bình đẳng trước luật hình sự, không phân giới tính, dân tộc, tôn giáo, chính kiến, nghề nghiệp, địa vị xã hội và tình trạng tài sản. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Cấp độ thứ hai: là các trường hợp tùy nghi có thể từ chối hoặc thực hiện việc dẫn độ được quy định tại khoản 2 Điều 344. Đây là quy định có tính chất "mềm dẻo", tạo điều kiện để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước ta thực hiện nguyên tắc có đi có lại nhằm vừa bảo đảm lợi ích của quốc gia, vừa phục vụ tốt quan hệ đối ngoại.

Trong trường hợp từ chối dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tương ứng của quốc gia có yêu cầu dẫn độ biết và nêu rõ lý do từ chối dẫn độ.

Thứ năm, về việc chuyển giao hồ sơ, chứng cứ của vụ án. Điều 345 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định:

1. Đối với vụ án có người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nếu việc tiến hành tố tụng không thể thực hiện được vì người đó đã ra nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền tố tụng đang thụ lý vụ án có thể chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao để làm thủ tục chuyển giao cho cơ quan tương ứng của nước ngoài.

2. Khi chuyển giao hồ sơ vụ án cho cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể chuyển giao cả vật chứng của vụ án [9].

Việc Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về việc chuyển giao hồ sơ và vật chứng của vụ án ra nước ngoài đánh dấu bước tiến bộ về hợp tác quốc tế trong hoạt

động tố tụng hình sự của nước ta. Trước đây, chúng ta chỉ thực hiện việc chuyển giao hồ sơ vụ án và vật chứng ra nước ngoài trong khuôn khổ Hiệp định tương trợ tư pháp. Với quy định này, chúng ta có thể chuyển giao hồ sợ vụ án cho cả những quốc gia chưa ký Hiệp định tương trợ tư pháp với nước ta.

Điều kiện để cơ quan có thẩm quyền tố tụng đang thụ lý vụ án có thể chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Cơ quan đầu mối) là: vụ án có bị can, bị cáo là người nước ngoài và việc tiến hành tố tụng không thể thực hiện được vì bị can, bị cáo đó đã trốn khỏi Việt Nam. Điểm mấu chốt cần chú ý ở đây là: thứ nhất, việc bị can, bị cáo là người nước ngoài trốn khỏi Việt Nam đã làm cho việc giải quyết vụ án bị ách tắc, không thể thực hiện được, thì cơ quan có thẩm quyền tố tụng đang thụ lý vụ án mới có thể chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm các thủ tục cần thiết để chuyển giao hồ sơ vụ án; thứ hai, việc chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải kèm theo toàn bộ chứng cứ, tài liệu, vật chứng của vụ án mà cơ quan có thẩm quyền tố tụng đã thu thập được.

Trình tự, thủ tục để chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án được thực hiện theo quy định của Hiệp định tương trợ tư pháp mà nước ta và quốc gia được yêu cầu đã ký kết hoặc theo yêu cầu của quốc gia sẽ thụ lý vụ án trong trường hợp giữa nước ta và quốc gia này chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp.

Thứ sáu, về việc giao nhận, chuyển giao tài liệu, đồ vật, tiền liên quan đến vụ án.

Điều 346 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định:

1. Việc giao nhận tài liệu liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định của Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và theo quy định của Bộ luật này.

2. Việc chuyển giao đồ vật, tiền liên quan đến vụ án ra nước ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam [9].

Từ quy định trên cho thấy, đối với các quốc gia mà nước ta đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp, việc giao nhận, chuyển giao tài liệu, đồ vật, tiền liên quan đến vụ án được thực hiện theo quy định của Hiệp định. Đối với các quốc gia mà nước ta chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp, việc giao nhận, chuyển giao tài liệu, đồ vật, tiền liên quan đến vụ án được thực hiện trên cơ sở các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế.

Việc giao nhận, chuyển giao tài liệu, đồ vật, tiền liên quan đến vụ án còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý đồ vật, tài sản, tiền. Do vậy, khi thực hiện việc chuyển giao, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, ngoài việc áp dụng những quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, còn phải áp dụng đúng các quy định chuyên ngành về quản lý các đối tượng được chuyển giao để có thỏa thuận phù hợp với cơ quan có thẩm quyền tương ứng của quốc gia đối tác về chế độ bảo vệ và xử lý vật chứng khi vụ án kết thúc.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Chế định hợp tác quốc tế trong luật tố tụng hình sự Việt Nam doc (Trang 48 - 54)