chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập
Điều ước quốc tế là một trong những hình thức pháp lý chủ yếu chứa đựng các quy phạm pháp luật quốc tế. Trải qua các giai đoạn phát triển của quan hệ quốc tế, các điều ước quốc tế đã được ký kết ngày càng nhiều nhằm điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống quốc tế, trong đó có lĩnh vực hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự. Điều ước quốc tế không chỉ là những hình thức chứa đựng các quy phạm pháp luật quốc tế mà còn là phương tiện, công cụ chủ yếu để thực hiện chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia.
Tuy nhiên, điều ước quốc tế tự nó không phải là nguồn của pháp luật trong nước. Các quy phạm điều ước là các quy phạm pháp luật quốc tế, chứ không phải quy phạm quốc gia. Vì vậy, sau khi điều ước quốc tế phát sinh hiệu lực, việc thực hiện điều ước quốc tế trong phạm vi lãnh thổ của mỗi quốc gia do chính quốc gia đó tự quyết định. Việc Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự phải phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, thể hiện sự nhất quán trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, cũng như tập quán quốc tế. Nguyên tắc này đòi hỏi hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự, một mặt bảo đảm uy tín của Việt Nam
trên trường quốc tế trong việc thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế và trở thành đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, mặt khác phải bảo đảm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự của nước ta với các quốc gia, khu vực này, không được làm phương hại đến quan hệ quốc tế đã được thiết lập giữa Việt Nam với các quốc gia, khu vực khác.