Tinh tế trong tuyển chọn thực tạ

Một phần của tài liệu Đề tài nông thôn trong phóng sự văn học Việt Nam 1930- 1945 (Trang 59 - 62)

NGHỆ THUẬT CỦA CÁC PHÓNG SỰ VỀ NÔNG THÔN

3.1.1. Tinh tế trong tuyển chọn thực tạ

Hiện thực cuộc sống vốn muôn hình muôn vẻ đòi hỏi người nghệ sỹ phải có sự sàng lọc, tinh tuyển những vấn đề có ý nghĩa điển hình. Nói như văn hào Pháp Flaubert: “Nghệ thuật không phải là thực tại…cần phải tuyển chọn những nhân tố mà thực tại đưa ra”. Đó là điều hết sức cần thiết để người nghệ sỹ có thể làm chủ được vấn đề trong quá trình phản ánh. Bởi vì, nếu “thiếu sự cân nhắc thận trọng, sự phân lọc, khu biệt, người nghệ sỹ không thể làm chủđược vấn đề mà anh ta định trình trình bày”. (Hêgel)

Riêng đối với phóng sự, yêu cầu về việc tuyển chọn vấn đề để phản ánh có phần khó khăn hơn, làm sao vừa đảm bảo tính thời sự vừa có tính xác thực. Nhà phóng sự không thể “quan sát nhiều người cùng loại để sáng tác một điển hình” theo kiểu của L.Tônstôi mà họ phải nhanh chóng đãi cát tìm vàng trong một thời gian rất ngắn. Phải “biết phát hiện những nét chủ yếu nét điển hình trong vô số hiện

tượng” (B. Pôlêvôi). Trong lúc đó, những sự việc con người vừa mang tính tiêu biểu vừa chứa đựng yếu tố thẩm mỹ vốn nằm lẫn lộn trong vô vàn những cái bình thường của cuộc sống. Vì thế việc tuyển chọn đối với thể phóng sự là hết sức khó khăn.

Để có được những tác phẩm phóng sự xuất sắc viết vềđề tài nông thôn, các nhà phóng sự tài ba đã tỏ ra vô cùng tinh tế trong quá trình tuyển chọn thực tại, nắm bắt được “cái thần” hiện thực một cách nhanh chóng, chuẩn xác đảm bảo tính khách quan, không được phép hư cấu. Với nhãn quan sắc sảo và cảm quan hiện thực tinh tế, các ống kính phóng sự biết tinh tuyển và “chộp lấy” những vấn đề nóng bỏng mà xã hội đang quan tâm. Biết sàng lọc những khía cạnh quan trọng, những hiện tượng tiêu biểu của vấn đề cần đề cập trong vô số những mảng hiện thực ngồn ngộn những vấn đề còn bề bộn, phức tạp.

Chẳng hạn, xung quanh chuyện tham nhũng ở một huyện, tác giả có thể viết nên một “bộ sưu tập về tệ tham nhũng”, nhưng Vũ Trọng Phụng tỏ ra tinh tế khi đặc tả trong tình huống nó buộc phải “xuất đầu lộ diện”. Đó là dịp huyện nha những ngày giáp Tết. Toàn bộ bản chất của sự việc sẽ lộ rõ chân tướng trong các khoảnh khắc quan trọng này. Tác giả rất xuất sắc khi lựa chọn tình huống “rất đẹp” này để tung một cú đá rất hiểm vào bộ mặt của bọn quan lại, thực dân. Lật ra chân dung và bộ mặt nham nhở của của giới quan quyền với những thủđoạn bẩn thỉu.

Ngô Tất Tố lại đặc biệt xuất sắc khi tuyển chọn từ thực tại bộn bề của cuộc sống nông thôn những ổ hủ tục cổ hủ, lạc hậu. Từđó lật tẩy chính sách thâm độc của đế quốc Pháp và giai cấp phong kiến đã áp bức bóc lột, duy trì hủ tục để kìm hãm nhân dân trong cuộc sống đen tối. Việc làng không chỉ phản ánh nạn sưu cao thuế nặng, phù thu lạm bổ, tham nhũng cường quyền mà còn đặc biệt chú ý đến đời sống văn hoá tư tưởng, văn hoá tâm linh của người nông dân. Có thể nói, sau luỹ tre xanh là một thế giới riêng biệt, trong đó người nông dân phải oằn lưng chịu những gánh “việc làng”. Điều oái ăm là gánh “việc làng” ấy “vẫn được coi như vị thần thiêng, không ai đả động đến nó” [53, tr.13]. Đúng là “phép vua thua lệ làng”! Ngô Tất Tố biết sàng lọc trong vô số cái phức tạp của cuộc sống thôn quê để dũng cảm nói lên cái mà “không ai đảđộng đến nó”, cái “được coi như vị thần thiêng” để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những người còn mu muội, cứ ngây thơ cung kính trước “việc làng”. Tác giả đã chạm đến chiều sâu của đời sống văn hoá tâm linh của người nông dân để lay tỉnh. Điều đó thể hiện sự tinh tế của Ngô Tất Tố trong tuyển chọn thực tại.

Những tưởng rằng bức tranh làng quê đã được khai thác triệt để qua những kiện tướng của chủ nghĩa hiện thực như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Trọng Lang!…Những tưởng chẳng có gì mới để nói thêm về nông thôn Việt Nam trước Cách mạng! Thế nhưng, thiên phóng sự Túp lều nát của Nguyễn Trần Ai với 13 chương ngắn gọn xuất hiện vẫn đem lại đôi điều mới mẻ cho người đọc. Chính nhà phóng sự ấy đã đóng vai người quan sát, ghi chép và tuyển chọn từ thực tại để kể lại những câu chuyện có thật. Vậy là không chỉ nông dân Bắc bộ, số phận của những người nông dân trên những dải

đất hẹp của miền Trung khô khát nắng hạn gió Lào, triền miên lũ lụt đã đi vào trang văn để trở thành minh chứng cho những thảm cảnh và tội ác của chếđộ phong kiến – thuộc địa. Nguyễn Trần Ai vẽ nên một bức tranh xám ngoét về nạn sưu cao thuế nặng, cường hào ác bá, tham nhũng cường quyền, phù thu lạm bổ… Mỗi tội ác đều được tuyển chọn trong một bối cảnh đặc biệt, tự nó hiện lên sức tố cáo mà không có lí do nào bào chữa. Nạn sưu cao thuế nặng, quan lại hào cường, nạn phù thu lạm bổ… sẽ lộ rõ chân tướng trong mùa thu thuế. Đó cũng là Mùa gặt của hương lý. Khi tiếng trống thúc như cháy nhà suốt đêm ngày, cũng là lúc diễn ra những cảnh lùng sục, bắt sưu nặn thuế, rồi doạ nạt, cùm kẹp, rồi van khóc, nài xin. Tuyển chọn đúng thời điểm đó, tác giả mới có thể vẽ nên toàn bộ “thần thái” của sự việc mà không cần tô vẽ hay hư cấu. Người thật, việc thật cứ thế hiện ra vừa tiêu biểu, vừa đảm bảo tính thẩm mỹđúng như yêu cầu của thể phóng sự.

Bên cạnh sự kiện, phóng sự viết về nông thôn còn lấy tư liệu về con người để phản ánh hiện thực. Đối với tư liệu về con người, hầu hết các nhà phóng sự chủ yếu tuyển chọn hết sức tinh tế, họ không phải là đám đông mà là những con người bằng xương bằng thịt, được lấy làm nhân chứng đại diện cho một tầng lớp người cụ thể. Họ được thuyển chọn từ những hình ảnh tập thể của nhiều giới người. Sen Đũi đại diện cho giới cơm thầy cơm cô trong phóng sự cùng tên; cụ Thượng, cụ Bố, ông Đồn đại diện cho giới quan nha, nho Kh. tiêu biểu cho giới đoàn thể các thầy nho trong Một huyện ăn Tết; Cụ Thượng Lão Việt, anh xe, bà Cựu…trong Việc làngđại diện cho tầng lớp cùng đinh, dưới đáy xã hội... Từ tập thể những tầng lớp người trong xã hội, nhà phóng sự tiếp tục tuyển chọn và đưa ra những nhân vật có tính điển hình cho từng giới. Trong Cơm thầy cơm cô, Vũ Trọng Phụng nói: “Tôi có thểđưa ra cho các ngài đủ các mẫu hàng về giới cơm thầy cơm cô”[62, tr.165]. Cách tuyển chọn này tinh tế vì mỗi tệ nạn chỉ liên quan tới một nhóm người, giới người nào đó mà thôi.

Sự tinh tế trong tuyển chọn thực tại còn thấy trong phóng sự của Phi Vân. Sẽ không có bức tranh hoàn chỉnh về nông thôn Việt Nam nếu không khẳng định những đóng góp tích cực của Phi Vân.

Đồng quê là tác phẩm đột xuất nhất của ông. Với ngòi bút không chỉ lấy việc vạch trần hiện thực làm chính đề, Phi Vân đã đem đến cho độc giả cảm giác thật nhẹ nhàng. Chỗ mạnh của ngòi bút Phi Vân là đi sâu khai thác các khía cạnh phong tục tập quán trong sinh hoạt của người nông dân miền Nam. Với cách tuyển chọn tinh tế này, tác phẩm đã vẽ nên những nét đặc sắc và độc đáo của nông thôn và con người Nam Bộ. Bút pháp hóm hỉnh, rất ít lời của Phi Vân đã làm cho thiên truyện thêm màu sắc hài hước, và bớt đi cái cảm giác nặng nhọc của một ngòi bút chỉ lấy việc vạch trần hiện thực làm chính đề, đó cũng là đặc sắc nghệ thuật của toàn tập phóng sự.

Nghệ thuật lựa chọn những vấn đề, những tình huống tiêu biểu của hiện thực với những con người tiêu biểu đã được thể hiện rất sinh động trong từng thiên phóng sự. Trong cái vô vàn phức tạp của cuộc sống đương thời, mỗi sự kiện được nhà phóng sự lựa chọn cùng tài năng sáng tạo, khai thác của họđã góp phần quan trọng làm nên giá trị của các thiên phóng sự. Những sự kiện, biến cố xã hội,

con người được các nhà phóng sự tuyển chọn đều là những vấn đề mới mẻ, mang tính thời sự nóng hổi, phổ biến. Nó đều chứa đựng kịch tính hay nói cách khác là chứa đựng những uẩn khúc, những mâu thuẫn nội tại gay gắt có ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là bước đầu của quá trình khám phá hiện thực. Vấn đề tiếp sau đó là cả một nghệ thuật tiếp cận khám phá bản chất của hiện tượng vốn rất phức tạp của cuộc sống.

Một phần của tài liệu Đề tài nông thôn trong phóng sự văn học Việt Nam 1930- 1945 (Trang 59 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)