NỘI DUNG HIỆN THỰC VÀ CẢM HỨNG TƯ TƯỞNG TRONG CÁC PHÓNG SỰ VỀ NÔNG THÔN
2.2.3. Ca ngợi vẻ đẹp làng quê với những phong tục truyền thống
Bên cạnh cảm hứng chủ đạo là phê phán hiện thực, phóng sự viết về nông thôn Việt Nam 1930 - 1945 còn được viết lên bởi cảm hứng ngợi ca. Tiêu biểu nhất là tập phóng sự Đồng quê của Phi Vân.
Với cảm hứng ngợi ca, Phi Vân say sưa chọn những gam màu tươi sáng để vẽ nên bức tranh sông nước Nam Bộ tươi đẹp và tràn trề nhựa sống. Thiên nhiên cảnh vật hiện lên qua lăng kính của nhà phóng sự là một bức tranh êm đềm, trù phú: sông nước mênh mông, kênh rạch chằng chịt, nhiều động vật quí hiếm… Phải có tấm lòng thiết tha gắn bó với quê hương, có lòng tin yêu cuộc sống Phi Vân mới cảm nhận được những nét đẹp đáng quí như vậy.
Không chỉ ngợi ca cảnh đẹp của thiên nhiên đất trời, Phi Vân còn ngợi ca cuộc sống tinh thần phóng phú của người nông dân Nam Bộ. Những phong tục tập quán đậm bản sắc dân tộc đã thể hiện đời sống tinh thần giàu có của người dân nơi đây như những lễ cưới hỏi với những lễ nghi phức tạp, cầu kì; những đêm hội hát; những đêm trăng chèo đò trên sông văng vẳng những câu hò dìu dặt…
Một điều lý thú là con người Nam Bộ hiện lên trong phóng sự Đồng quê với vẻđẹp chân chất, phác thực, hồn hậu như bao người nông dân trong cả nước, song người đọc không cảm thấy cảm giác nặng nề, mệt mỏi của họ, dầu rằng cuộc sống vẫn còn quá nhiều đau thương. Họ vẫn lạc quan, tin yêu cuộc sống. Nếu những người nông dân trong Việc làng cứ cung kính, ngây thơ trước hủ tục thì nông dân Nam Bộ trong Đồng quê rạch ròi, dứt khoát, khi cần họ có thể vùng lên anh dũng đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống những bất công còn tồn tại. Tuân theo tục lệ là biểu hiện của thái độ thành kính với tổ tiên, và quí trọng hiện tại nhưng trong Trao thân con khỉ mốc, thấy những tục lệ cưới hỏi quá cầu kì, rườm rà chỉ để bắt bí nhau của nhà gái mà không có sự cảm thông, ngay tức khắc nhà trai có sự phản kháng. Hoặc trong Cành tre cũ cặp giò xưa, nhận ra mình bị lừa dối, bóc lột, thằng Tư Rỗ vùng lên trói ông Bá, đè lên ván, xách dao hăm doạ rồi dẫn vợ bỏ trốn…
Bức tranh cảnh vật, bức tranh phong tục đậm sắc màu văn hoá đều được Phi Vân tô điểm mang hồn cốt của người dân Nam Bộ. Tất cả đều được ngợi ca say sưa với một tấm lòng yêu thương cuộc sống.
Khi hầu hết những phóng sự giai đoạn này hoặc là thi vị hoá cuộc sống. hoặc là nhìn hiện thực với những gam màu đen tối thì Phi Vân vẫn phát hiện ở hiện thực những giá trị cuộc sống với tinh thần lạc quan và niềm tin vững chãi. Phải chăng hiện thực đen tối quá làm Phi Vân bỗng có nhu cầu tha thiết tìm đến những vẻđẹp trong trẻo tinh khôi để cân bằng cuộc sống, để có điểm tựa, có niềm tin mà yêu hơn, trân trọng hơn những giá trị cuộc sống mà đất trời ban tặng? hay sông nước quê hương đẹp quá, đáng yêu quá đối với một tâm hồn tha thiết với quê hương làm Phi Vân không sao cưỡng lại ?
Được sống, được đắm mình trong thế giới cảnh vật êm đềm, tươi xanh của vùng đất Nam Bộ. Phi Vân đã biết chắt lọc từng chữ để vẽ nên một bức tranh cảnh vật giàu sức ám ảnh, biết thanh lọc để chưng cất nên những giá trị quí hiếm trong hiện thực còn quá nhiều đau thương.
Cùng với Sơn Nam, Hồ Biểu Chánh, và sau đó là cả một thế hệ như Mai Văn Tạo, Trần Kim Trắc, Nguyễn Quang Sáng, Trang Thế Hy….những trang văn của Phi Vân đã góp một vẻđộc đáo riêng vào dòng chảy văn học Nam Bộ, và cùng với các dòng chảy khác hoà vào dòng trường giang văn học làm cho nó ngày càng bề thế, phong phú đa dạng hơn.