Nhận xét chung về chất lượng tích hợp trong SGK Ngữ văn

Một phần của tài liệu Tìm hiểu chất lượng tích hợp trong sách giáo khoa ngữ văn 6 trung học cơ sở (Trang 28 - 30)

Chương 2: TÍCH HỢP TRONG SÁCH GIÁO KHOA NGỮ VĂN 6 2.1 Ch ất lượng tích hợp trong SGK Ngữ văn

2.1.1.Nhận xét chung về chất lượng tích hợp trong SGK Ngữ văn

Quan điểm tích hợp trong SGK Ngữ văn 6 trước tiên được thể hiện ở cấu trúc bài học, bài học nào cũng gồm có phần Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn được học trong một tuần. Bài học nào cũng mở đầu bằng một văn bản, sau khi khai thác văn bản, là giờ học Tiếng Việt và Làm văn. Ranh giới giữa Văn học, Tiếng Việt, và Tập làm văn trong một tuần không phải là ranh giới giữa các bài học mà chỉ là giữa các phần trong một bài học.

Về hệ thống văn bản: Trọng tâm của chương trình Ngữ văn 6 là các văn bản tự sự và miêu tả (tương ứng với hai kiểu tự sự và miêu tả được học ở phân môn Tập làm văn) với các thể loại như: truyện dân gian (truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn), truyện trung đại, truyện hiện đại, truyện thơ hiện đại, kí hiện đại ngay các tác phẩm thơ cũng chọn những bài thơ có nhiều yếu tố miêu tả và tự sự. Sang học kì II SGK Ngữ văn 6 có thêm văn bản nhật dụng. Trọng tâm văn bản nhật dụng trong SGK Ngữ văn 6 là đề tài môi trường, di tích lịch sử, và danh lam thắng cảnh.

Về Tiếng Việt: Cũng là các kiến thức cơ bản về cấu tạo từ, từ loại, nghĩa của từ, các biện pháp tu từ, câu và các kiểu câu v.v…các kiến thức này hình thành thông qua việc khai thác từ văn bản chung, văn bản đọc – hiểu. Kiến thức trình bày gọn gàng, nhẹ nhàng và dễ hiểu, tăng cường luyện tập và thực hành.

Về Tập làm văn: Đi sâu vào sáu kiểu văn bản chính, nhằm hình thành và luyện tập sáu phương thức tạo lập văn bản: tự sự (kể chuyện đời thường và tưởng tượng sáng tạo), miêu tả (cảnh thiên nhiên, con vật và người), biểu cảm, lập luận, thuyết minh, điều hành.

Theo quan điểm tích hợp, vì hệ thống văn bản sẽ được dùng chung cho cả ba phân môn nên số lượng tác phẩm đưa vào SGK Ngữ văn ít hơn SGK chỉnh lí trước đây, nhưng HS được học và khai thác sâu hơn. Tổng số văn bản SGK Văn học 6 trước đây là 64 (trong đó 41 tác phẩm được học giảng văn còn 23 tác phẩm đọc thêm), chưa kể các bài khái quát, ôn tập, đối với SGK Ngữ văn mới tổng số văn bản đưa vào là 34.

Các văn bản SGK Ngữ văn 6 được tăng cường thêm chú thích, đó là cơ sở để HS hiểu sâu về nội dung của văn bản. Phần chú thích trong SGK tích hợp là mục không thể thiếu và nó đã có ở hầu hết các bài. Đặc biệt các chú thích thể hiện được mối quan hệ giữa nội dung chú thích với nội dung được dạy ở phần Tiếng Việt (nhất là dạy về từ) trong phạm vi mà bản thân việc tích hợp vừa cho phép, vừa đòi hỏi.

SGK Ngữ văn 6 luôn chú ý và đặt mục Kết quả cần đạt ở đầu mỗi bài học. Phần này bao gồm kết quả cần đạt của cả ba phân môn, để dựa vào đó GV có định hướng trong từng phân môn nội dung nào sẽ được tích hợp. Mục này còn có thêm tác dụng định hướng về mục đích yêu cầu của tiết học, bài học cho HS và cả phụ huynh. Mục Ghi nhớ cho mỗi phần được khái quát bằng những từ, câu văn ngắn gọn, dễ hiểu để một lần nữa khắc sâu trọng tâm bài học.

Quan điểm tích hợp còn được thể hiện qua hệ thống các câu hỏi sử dụng kiến thức của Tiếng Việt, Tập làm văn để nâng cao chất lượng hiểu văn trong tác phẩm. Sử dụng kiến thức về biện pháp tu từ, các loại văn tự sự, miêu tả, biểu cảm…HS được học trong phân môn Tiếng Việt và Làm văn được huy động để hiểu nội dung tác phẩm văn học. Ví dụ: Các câu hỏi về kể tóm tắt đoạn trích hay nhận xét về trình tự và cách miêu tả, hay hỏi về ngôi kể, lời kể thể hiện qua các văn bản Thánh Gióng, Thạch Sanh (Ngữ văn 6 tập 1) hay Bài học đường đời đầu tiên, Sông nước Cà Mau, Bức tranh của em gái tôi (Ngữ văn 6 tập 2)…những câu hỏi về biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa, hay về từ láy…trong các văn bản Đêm nay Bác không ngủ, Buổi học cuối cùng, Vượt thác…Ngược lại, các đoạn văn, câu thơ trong các văn bản văn học được dùng làm ngữ liệu cho việc phân tích và thực hành trong giờ Tiếng Việt và Làm văn ví dụ như: C ác đoạn văn trong văn bản Bài học đường đời đầu tiên được sử dụng để cung cấp kiến thức về phó từ, về tìm hiểu chung về văn miêu tả, hoặc văn bản Sông nước Cà Mau được sử dụng để cung cấp kiến thức cho bài so sánh, và làm ngữ liệu cho giờ học Làm văn về quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả.

Trong bài 21 SGK Ngữ văn 6, tập 2, phần văn bản bài Vượt thác, Tiếng Việt là So sánh, Tập làm văn bài Phương pháp tả cảnh, các câu hỏi để khai thác văn bản này tạo tiền đề để HS có thể học tốt tiết Làm văn về phương pháp tả cảnh như: Dựa vào trình tự trên em hãy tìm bố cục của bài văn? Hãy tìm những hình ảnh chi tiết miêu tả ngoại hình, hành động của nhân vật dượng Hương Thư trong cuộc vượt thác? Những cách so sánh nào đã được sử dụng?

Hoặc trong giờ Tiếng Việt, bài So sánh đã sử dụng văn bản Vượt thác cho HS luyện tập như: Hãy tìm những câu văn có sử dụng phép so sánh trong văn bản Vượt thác. Em thích hình ảnh so sánh nào? Vì sao? Hoặc là dựa vào bài Vượt thác, hãy viết đoạn văn từ ba đến năm câu tả dượng Hương Thư đưa thuyền vượt qua thác dữ, trong đoạn văn phải sử dụng cả hai kiểu so sánh đã được giới thiệu?

Phần Tập làm văn, SGK sử dụng một đoạn trong văn bản Vượt thácđể giúp HS tìm ra kĩ năng tả cảnh bằng câu hỏi: Tại sao có thể nói, qua hình

ảnh nhân vật, ta có thể hình dung được những nét tiêu biểu của cảnh sắc ở khúc sông có nhiều thác dữ?

Câu hỏi có phân ra mức độ đối với HS trung bình khá và giỏi. Bên cạnh đó, ngoài các văn bản được học tại lớp, có một số văn bản HS tự học ở nhà thì được SGK chú thích rất kỹ.

Văn bản nhật dụng được đưa vào SGK Ngữ văn 6, vì nội dung văn bản nhật dụng gần gũi với cuộc sống, có tính chất thiết thực trong dạy và học. HS có điều kiện hiểu rõ, cập nhật kịp thời những vấn đề xã hội, thời sự, khoa học, môi trường, văn hóa…của nước nhà và thế giới. Qua đó, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chống các tệ nạn xã hội, tự giác bảo vệ môi trường…Các văn bản nhật dụng này tuy yếu tố văn chương của nó xếp vào loại hai, nhưng hoàn toàn có thể làm ngữ liệu để khai thác khi học Tiếng Việt, hay Làm văn như văn bản

Động Phong Nha đã được SGK sử dụng để làm ngữ liệu cho tiết ôn tập về dấu câu trong cùng cụm bài. Văn bản Bức thư của thư lĩnh da đỏ có thể làm ngữ liệu, cho giờ học Làm văn về miêu tả và biểu cảm vì nội dung mang đậm giá trị văn chương.

Phần lớn trong giờ học văn bản văn học các câu hỏi tìm hiểu bài có sự tích hợp với hai phân môn Tiếng Việt và Làm văn. Sau đây là một số cụm bài mà theo chúng tôi có sự tích hợp chặt chẽ giữa ba phân môn với nhau như: Bài 1 : Con Rồng, cháu Tiên; bài 2: Thánh Gióng; bài 3: Sơn Tinh, Thủy Tinh, bài 9: Ông lão đánh cá và con cá vàng, bài 17: ôn tập, bài 18: Bài học đường đời đầu tiên bài 19, Sông nước Cà Mau, bài 20: Bức tranh của em gái tôi, bài 21: Vượt thác, bài 23: Đêm nay Bác không ngủ, bài 24: Lượm, bài 31: Động Phong Nha.

Quan điểm tích hợp đã mang lại cho SGK Ngữ văn 6 bộ mặt mới từ hình thức đến nội dung. Làm cho bộ môn V ăn học ngày nào trở nên gọn gàng thiết thực và phù hợp với nhu cầu cải cách giáo dục hiện nay. Đó cũng là động lực thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, đồng thời gây sự chú ý, quan tâm của người dạy lẫn người học.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu chất lượng tích hợp trong sách giáo khoa ngữ văn 6 trung học cơ sở (Trang 28 - 30)