- Thực trạng về chủ thể:
3.3.5. Giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử của tòa án
Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được tổ chức theo một hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Trong thực tiễn hoạt động xét xử của tòa án, thông qua việc xét xử công khai, xét xử lưu động và công tác hòa giải của tòa án đã góp phần tuyên truyền GDPL. Tại Điều 1 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân: "Bằng hoạt động của mình, tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với tổ quốc, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh và phòng ngừa tội phạm, các vi phạm pháp luật khác" [34, tr. 1].
Hoạt động xét xử của tòa án và công tác tuyên truyền GDPL có mối quan hệ khăng khít với nhau, mặc dù đây là hai lĩnh vực hoạt động khác nhau nhưng đều có một mục đích là hướng đến việc hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật và đi đến thủ tiêu chúng ra khỏi đời sống xã hội. Đồng thời giáo dục công dân có ý thức tuân thủ pháp luật Nhà nước.
Công tác xét xử của tòa án các cấp ở tỉnh Đăk Lăk trong thời gian qua chủ yếu là xét xử tại trụ sở, ngoài ra có một số vụ án điểm (trọng án) cần phải xử lưu động để phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương. Xét xử lưu động nơi bị cáo phạm tội và nguyên tắc xét xử công khai chính là thực hiện mục đích không chỉ trừng trị kẻ phạm tội mà còn giáo dục phòng ngừa đối với xã hội.
Khi xét xử các bị cáo trong vụ án hình sự hoặc xét xử các vụ án lao động, kinh tế, hôn nhân gia đình... mà đương sự là người dân tộc thì tòa án nhân dân phải đảm bảo quyền được dùng tiếng nói và chữ viết của bị cáo vì thế phải cử phiên dịch. Các nội dung của pháp luật được giải thích, làm sáng tỏ cho nên thông qua đó cũng giúp cho các đương sự hiểu biết thêm pháp luật.
+ Một số đặc điểm về GDPL thông qua xét xử của tòa án:
Trước hết chúng ta khẳng định rằng, chức năng của tòa án là hoạt động xét xử, mọi hoạt động của tòa án đều hướng tới việc thực hiện chức năng xét xử theo pháp luật.
Kết quả của quá trình xét xử là ra các văn bản cá biệt dưới dạng bản án, quyết định vì vậy đòi hỏi các công dân tổ chức có liên quan phải thực hiện trách nhiệm pháp lý cụ thể theo đúng quy định của pháp luật.
- Thứ nhất: GDPL qua một phiên tòa xét xử là giúp cho những người tham gia tố tụng và những người dự phiên tòa hiểu sâu sắc hơn, rõ ràng hơn, đúng đắn hơn, những quy định của pháp luật, những người tham gia tố tụng như bị can, bị cáo hoặc bị đơn có thể tự ý thức được mức độ vi phạm của mình và trách nhiệm pháp lý phải thực hiện, phải chấp hành. Việc nhận thức pháp luật đúng đắn đó sẽ giúp hình thành ở họ những niềm tin và thái độ tôn trọng pháp luật từ đó có thể điều chỉnh hành vi xử sự của mình.
- Thứ hai: Trong một phiên tòa không chỉ đơn thuần một chủ thể GDPL với một đối tượng được GDPL mà có nhiều chủ thể và nhiều đối tượng khác nhau. Chủ thể GDPL bao gồm thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên giữ quyền công tố và thư ký phiên tòa, ngoài ra còn có những người tham gia tố tụng khác luật sư người giám định, người phiên dịch, người làm chứng... tất cả các chủ thể này đều có quyền và nghĩa vụ pháp lý trong quá trình tố tụng và mục đích của họ là cùng nhau xác định sự thật khách quan của vụ án làm cơ sở cho Hội đồng xét xử ra một bản án, một quyết định đúng người, đúng tội, đúng pháp luật...
Mỗi một chủ thể giáo dục nêu trên tham gia vào quá trình GDPL tùy vào vị trí, vai trò của mình theo luật định khi thực hiện nhiệm vụ tố tụng.
Trong phiên tòa, địa vị pháp lý của Hội đồng xét xử khác với đại diện Viện kiểm sát, và luật sư có vai trò vị trí khác nhau nhưng đều góp phần làm sáng tỏ nội dung vụ án.
+ Về đối tượng GDPL trong một phiên tòa:
- Thứ nhất: Những người tham gia phiên tòa với tư cách là bị can, bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án v.v...
Những người này là những người tham gia tố tụng với địa vị pháp lý của họ trong trong phiên tòa là khác nhau, tâm lý nguyện vọng, lợi ích có thể đối lập nhau.
Đối tượng này cần phải tuyên truyền, giải thích rõ những quy định của pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp mà trong một chừng mực nào đó vì chưa hiểu pháp luật, vì bức xúc mà họ thiếu tỉnh táo nên chưa đồng tình với quá trình xử lý. Chẳng hạn, gia đình bị hại thường có ác cảm với luật sư bào chữa cho bị cáo. Nếu được giải thích rõ đây là quy định của pháp luật góp phần làm sáng tỏ nội dung vụ án thì gia đình bị hại lại không tỏ thái độ nóng nảy hoặc rất thông cảm.
- Thứ hai: Những người đến tham dự phiên tòa tự do, họ không phải là đối tượng thuộc vào những người tham gia tố tụng theo luật định. Có thể vì sự hiếu kỳ, có thể vì một sự quan tâm của cá nhân về vụ án v.v... nên họ vào xem tòa án xét xử, những người này không có quyền và nghĩa vụ tố tụng mà chỉ phải thực hiện nội quy phiên tòa, giữ trật tự phiên tòa mà thôi. Sự có mặt của các đối tượng này cũng là nhằm đạt mục đích xét xử công khai, thông qua đó nhằm tuyên truyền pháp luật, phòng ngừa chung đối với xã hội. Tuy nhiên, họ có thể tỏ thái độ đồng tình hay phản đối về cách thức giải quyết vụ việc của tòa án đã xử. Chủ thể phải nắm vững pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, xét xử thực sự khách quan, xử lý vụ việc đúng pháp luật thì có tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung đối với xã hội. Điều đó sẽ tạo ra một tình cảm pháp lý trong quần chúng nhân dân, từ đó mọi người tin vào pháp luật, bảo vệ pháp luật. Khi xử vụ án mà bị can, bị cáo là người dân tộc thì phải có người phiên dịch. Phiên dịch có nghĩa vụ dịch ra tiếng đồng bào dân tộc chính xác dễ hiểu là những việc làm cần thiết bảo đảm cho GDPL thông qua xét xử của tòa án có hiệu quả cao.
Để cho công tác GDPL thông qua hoạt động xét xử của tòa án có hiệu quả. Chúng tôi kiến nghị một số vấn đề sau:
- Một là: Cần đào tạo một đội ngũ cán bộ tòa án, các thẩm phán là người dân tộc tại chỗ có đủ năng lực, phẩm chất đảm bảo đáp ứng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Hai là: Cần tăng cường công tác xét xử lưu động, đưa xuống tận buôn làng để xét xử các vụ án xảy ra tại địa phương nhằm thông qua công tác xét xử vừa xử lý người vi phạm và góp phần vào việc phòng ngừa, giáo dục chung đối với xã hội.
- Ba là: Phải phối kết hợp tốt giữa cơ quan xét xử với cơ quan thông tấn báo chí, truyền thanh, truyền hình (có thể truyền hình trực tiếp) xét xử những vụ án điểm để
nhân dân cùng theo dõi, phương tiện này vừa nhanh, nhạy thu hút đông đảo người theo dõi và qua đó để tuyên truyền, GDPL.
- Bốn là: Phòng xử án phải đảm bảo văn minh lịch sự, nghiêm trang, đủ ánh sáng, âm thanh và ghế ngồi cho nhân dân cùng tham dự, tạo điều kiện cho đối tượng có thể theo dõi, ghi chép được những quy định cần thiết của pháp luật.
Kết luận
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước ta với chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn luôn coi trọng công tác giáo dục pháp luật cho nhân dân, đây là một nhiệm vụ chính trị cực kỳ quan trọng nhằm không ngừng nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân.