Giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giáo dục pháp luật cho nhân dân các dân tộc ít người ở tỉnh Đăk Lăk - Thực trạng và giải pháp doc (Trang 69 - 72)

- Thực trạng về chủ thể:

3.3.1.Giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng

- Thông tin đại chúng có thể được hiểu là: Những phương tiện truyền tải thông tin tác động đến đối tượng trong xã hội một cách rộng rãi ở các tầng lớp, các nhóm xã hội khác nhau, những phương tiện ấy bao gồm: Sách báo, tạp chí, đài phát thanh, đài truyền hình v.v...

Hoạt động của báo chí có lợi thế lớn trong việc cập nhật thông tin, nhanh nhạy đến với quảng đại quần chúng nhân dân. Báo chí thu hút được sự quan tâm theo dõi của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Hoạt động báo chí tuyên truyền có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục, động viên, cổ vũ, tập hợp lực lượng quần chúng. Trong thời kỳ đổi mới, nhất là lúc mà Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng một xã hội mọi công dân có ý thức sống và làm việc theo pháp luật thì vai trò của hoạt động báo chí càng được đề cao. GDPL nói chung và ở miền núi nói riêng thông qua hoạt động văn hóa, thông tin, báo chí là biểu hiện cụ thể của đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao dân trí pháp lý cho đồng bào ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số.

Đối với lĩnh vực thông tin, báo chí; Nghị quyết 22 ngày 7/11/1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế xã hội miền núi, coi việc phát triển của phương tiện thông tin đại chúng là một vấn đề lớn:

Tăng cường các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả các phương tiện hiện đại như máy thu thanh, castte, máy thu hình, băng ghi hình để cải tiến và nâng cao các chương trình phát thanh, truyền hình ở địa phương, phổ biến các văn hóa phẩm và tài liệu có nội dung thiết thực, phù hợp với yêu cầu và truyền thống của đồng bào các dân tộc. Chú trọng sử dụng ngôn ngữ dân tộc (và chữ viết nếu có) trong công tác thông tin tuyên truyền [1, tr.54].

Trong quá trình tổ chức thực hiện theo đúng chức năng của công tác thông tin, báo chí, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định:

Công tác văn hóa, thông tin có nhiều đóng góp tích cực trong việc toàn dân tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ quan và phương tiện thông tin đại chúng đã tích cực tuyên truyền đường lối đổi mới của Đảng, động viên và cổ vũ các nhân tố tích cực, đấu tranh chống các mặt tiêu cực và các tệ nạn xã hội [19, tr.247].

Phải đưa nội dung phổ biến, GDPL vào hoạt động báo chí tuyên truyền là việc làm cần thiết và cấp bách. Bởi vì, sau khi Nhà nước đã có hệ thống pháp luật thì việc làm bức thiết được đặt ra là: phải làm gì để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, có tác dụng thiết thực, chấm dứt tình trạng mất trật tự, kỷ cương phép nước tạo nên nếp sống làm việc theo pháp luật trong đời sống xã hội, và trong mọi hoạt động của cơ quan nhà nước. Phải đẩy mạnh việc tuyên truyền GDPL nhằm xóa nạn "mù luật" trong dân chúng. Trong xã hội ta và đặc biệt là quá trình đổi mới đất nước nhân dân rất cần nắm pháp luật để sản xuất - kinh doanh hoạt động theo pháp luật, dùng pháp luật làm công cụ giám sát các hoạt động của các cơ quan nhà nước và các công dân để chống mọi hành vi vi phạm pháp luật.

Địa bàn miền núi và vùng dân cư các dân tộc thiểu số rất rộng lớn chiếm 3/4 diện tích cả nước. Đưa pháp luật đến với nhân dân các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và tất cả các hoạt động chính trị xã hội. Trong đó báo chí tuyên truyền, có nhiều thế mạnh nhất. Bằng đặc trưng các hoạt động thông tin báo chí tuyên truyền với nhận thức, giáo dục, định hướng của nó, báo chí có khả năng tham gia phổ biến, GDPL. Hơn nữa đời sống tinh thần và tâm lý nhận thức của đồng bào thiểu số rất dễ đến với hoạt động của báo chí, tuyên truyền. Nếu tổ chức tốt thì báo chí, tuyên truyền hoàn toàn có khả năng tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số [31, tr. 57].

Đưa nội dung GDPL thông qua phương tiện thông tin đại chúng vào nhân dân các dân tộc ít người tại tỉnh Đăk Lăk trong giai đoạn hiện nay là một nhiệm vụ chính trị quan trọng.

- Xác định nội dung của GDPL:

Sự cần thiết phải thông tin những văn bản pháp luật mới ban hành, thông tin phản ảnh hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, phản ánh những nhiệm vụ việc mới xảy ra đã được phát hiện và xử lý. Thông tin về những văn bản của Nhà nước liên quan đến đời sống hàng ngày tại địa phương, nhằm phát triển kinh tế - xã hội trong vùng dân tộc.

- Về hình thức và phương pháp:

Cơ cấu chương trình GDPL vào chương trình phát sóng của đài truyền thanh và đài truyền hình, đặc biệt cần lồng chương trình tiếng dân tộc tại chỗ là Ê đê và M’ Nông. Hình thức này dễ gây ấn tượng thu hút đông đảo người nghe và họ có thể tranh thủ được thời gian. Chẳng hạn, ban ngày người dân đi làm nương rẫy về mệt mỏi, đêm họ có thể mở đài phát thanh (Rađio) để đầu giường cũng có thể nghe và hiểu được một vấn đề nào đó về pháp luật. Chương trình Nhà nước và pháp luật nên tăng thời lượng phát sóng và các đài truyền thanh của tỉnh, huyện, xã đều phải có chuyên mục tìm hiểu pháp luật.

Vấn đề cần chú ý khi phát thanh chương trình Nhà nước và pháp luật cho nhân dân các dân tộc bằng tiếng Ê đê hoặc M’Nông thì cần được rõ ràng, rành mạch, đơn nghĩa dễ hiểu và vấn đề đưa ra cụ thể, tránh trừu tượng.

Đối với các tờ báo, tạp chí cần có chuyên mục tìm hiểu pháp luật, nhất là trả lời những thắc mắc của quần chúng xung quanh các vấn đề về chế độ, chính sách.

Các loại tài liệu khi tuyên truyền cần in ấn bằng song ngữ tức là vừa in chữ Việt và chữ Êđê hoặc M’Nông... để tạo điều kiện cho những người không biết chữ phổ thông cũng có thể đọc được bằng chữ của dân tộc mình.

- Các cơ quan quản lý các phương tiện thông tin báo chí truyền hình phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Báo chí. Bởi vì những thông tin pháp luật khi phát ra từ cơ quan báo chí có ảnh hưởng rất lớn đến công tác chính trị - tư tưởng.

- Cần thiết phải đào tạo bồi dưỡng một đội ngũ phóng viên, phát thanh viên có kiến thức pháp luật, có bản lĩnh chính trị vững vàng, và đặc biệt là biết tiếng dân tộc (đọc viết thành thạo) để thâm nhập vào đời sống cộng đồng các dân tộc, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

- Phải có sự phối hợp chặt chẽ và tiến hành đồng bộ giữa các cơ quan thông tấn báo chí với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác GDPL cho nhân dân các dân tộc ít người.

- Trên cơ sở yêu cầu của công tác GDPL ở Đăk Lăk, chúng tôi kiến nghị các cấp ủy Đảng và chính quyền phải đầu tư thêm ngân sách cho việc xây dựng cả ba loại hình báo chí hiện đại, phát huy tốt thế mạnh trong việc tuyên truyền và GDPL. Đài truyền hình, truyền thanh phải phủ sóng đến được các vùng sâu, vùng xa, tăng thời lượng phát sóng bằng tiếng dân tộc và nội dung pháp luật phong phú. Tạo mọi điều kiện cho nhân dân các dân tộc có radio để được nghe thông tin và tìm hiểu pháp luật (hiện nay có nhiều vùng đồng bào dân tộc đã được cấp radio nhưng chưa phủ sóng được là một bất cập).

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giáo dục pháp luật cho nhân dân các dân tộc ít người ở tỉnh Đăk Lăk - Thực trạng và giải pháp doc (Trang 69 - 72)