- Thực trạng về chủ thể:
3.3.3.1. GDPL trong sinh hoạt văn hóa dân gian của người M’Nông
Đồng bào M’Nông là một trong những dân tộc "bản địa" ở Đăk Lăk có 56.227 người. Địa bàn cư trú chủ yếu ở các huyện phía nam như: Huyện Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Nông, Đắk R’Lấp và một ít thuộc huyện Buôn Đôn, huyện Krông Bông.
Đến với đồng bào M’Nông, chúng ta không chỉ bị lôi cuốn vào các lễ hội nông nghiệp, lễ hội Kồng chiêng, phong tục uống rượu cần múa hát mà chúng ta còn bị lôi cuốn vào sinh hoạt Ơt n'rông (sử thi) của cộng đồng. Đây là bức tranh sinh động về lịch sử hình thành tộc người, lịch sử đấu tranh chinh phục thiên nhiên, chống kẻ thù xâm lược, là ước mơ lý tưởng cao đẹp của người Tây Nguyên cổ đại.
Theo các nghệ nhân M’Nông: Ơt có nghĩa là hát kể; n’rông có nghĩa câu chuyện xa xưa.
Ơt n’rông thường được kể vào những đêm rỗi rãi (thường là sau mùa thu hoạch rẫy) vào dịp lễ hội hàng năm, hoặc được hát trong lúc nghỉ ngơi trên rẫy. Người kể chuyện là những già làng có trí nhớ, có chất giọng tốt và có nhiều Ơt n'rông có nhiều câu chuyện xưa. Kể Ơt n'rông là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào M’nông mà vẫn duy trì từ xưa đến nay.
- Hình thức sinh hoạt văn hóa của Ơt n’rông:
Sau khi gặt hái xong già làng ở một buôn sẽ mời các già làng ở các buôn lân cận đến buôn mình tổ chức sinh hoạt văn hóa kể Ơt n’rông tại ngôi nhà dài trệt của ông bà để lại. Tối đến, dân làng tụ tập rất đông, ngồi vây quanh bên bếp lửa dưới mái nhà dài ấm cúng. Bên cạnh bếp lửa là các già làng tham gia kể Ơt n’rông và những ché rượu cần được đặt xung quanh. Khi mọi người đã đến đông đủ già làng chủ trì sẽ cầm lấy cần rượu và khấn. Sau khi khấn giàng, già làng hút một hơi dài rượu cần rồi trao cần cho những già làng khác và mọi người rồi bắt đầu kể Ơt n’rông. Lời già làng trầm bổng, ngân nga nghe như tiếng suối chảy, tiếng chim hót, tiếng nước rơi trên rừng đại ngàn. Mọi người ngồi im lặng tất cả chìm lắng trong đêm. Cứ thế già làng vừa ngồi, và có thể nằm bên bếp lửa, tay đặt lên trán kể Ơt n’rông suốt đêm và người nghe cũng ngồi nghe mê mải. Chính không gian yên tĩnh ấy là điều kiện tốt cho diễn xướng sử thi, đây cũng là điều kiện tốt nhất để người nghe lĩnh hội trọn vẹn nội dung của sử thi, những đợt sinh hoạt Ơt n’rông như thế có khi kéo dài đến 7 ngày đêm liên tục. Thế mà dân làng vẫn đến đông đủ (hôm đầu bao nhiêu người thì hôm sau vẫn đủ bấy nhiêu).
Những đợt sinh hoạt văn hóa như kể chuyện Ơt n’rông là những thời cơ có thể kết hợp phổ biến GDPL tốt nhất cho nhân dân các dân tộc. Bởi lẻ ở đó có già làng làm công tác tổ chức thì thu hút được nhiều người dân tham gia; ai vắng mặt những ngày sau không đến thì thấy thiếu sót với cộng đồng.
+ Lễ hội Tâm nghết (mừng được mùa) của đồng bào M'nông:
Khi được mùa, đồng bào M'nông chuẩn bị cho ngày lễ khá chu đáo, gần đến ngày lễ dân làng vui nhộn hẳn lên, già làng sai con cháu sửa sang lại đường sá trong
thôn buôn, sửa lại bến nước, đường trước sân nhà, đường lên nương rẫy. Người già thì lo chọn con trâu to béo để cúng giàng. Các bà các chị khẩn trương chuẩn bị ủ rượu cho vào ché túc, ché tang, và giã gạo nếp trắng để chuẩn bị đồ xôi. Các chàng trai lên rừng chặt cây về dựng nêu và làm cọc buộc ché rượu cần. Các cô gái chuẩn bị áo, váy mới, vòng tai, vòng cổ và đồ trang sức, già làng sai đội chiêng đi các buôn khác mời khách về dự lễ hội, người đi phải mang theo gà rượu để làm lễ mời. Lễ mời như là một phong tục trân trọng chân thành thôi thúc người được mời đến dự. Người được mời phải có trách nhiệm thông báo cho các thành viên trong buôn làng cùng đi đồng thời chuẩn bị vật chất tinh thần để đáp lễ bao gồm: ché rượu, heo, gà, gạo nếp, đội chiêng thể hiện lòng mến mộ và sự đồng tình với buôn làng tổ chức lễ hội.
Đến ngày lễ, cây nêu được dựng lên rực rỡ trước sân làng, một con trâu đực to béo được buộc sẵn dưới gốc cây nêu. Những ché rượu được mang ra cột sẵn thành một dãy. Bếp lửa đã được chuẩn bị sẵn bên cạnh cây nêu. Già trẻ, gái trai trong buôn và khách gần xa đã tụ hội đầy đủ. Các giàn chiêng đánh những bài mừng khách, chúc mừng và cầu sức khỏe vang lên trầm bổng làm náo động cả núi rừng.
Khi tiếng cồng chiêng vừa dứt, già làng bước ra cầm con gà cắt tiết hòa vào rượu rồi lần lượt bôi lên cây nêu, dây buộc trâu, và ché rượu với ý nghĩa mời giàng (thần) về chứng kiến ngày lễ trong buôn làng. Tiếp đó thầy cúng bước ra khấn:
Ơ giàng núi, giàng sông, giàng đông, giàng tây. Hôm nay buôn làng tôi làm lễ được mùa, xin dâng các giàng một con trâu đực, bảy ché rượu đầy cầu mong các giàng cho dân làng mùa rẫy mới, mưa gió thuận hòa, mùa màng phát đạt, trẻ già đều mạnh giỏi. Xin các giàng vui lòng nhận trâu, nhận rượu, ơ giàng [41, tr. 27].
Khấn xong thầy cúng lấy rượu, vẩy xung quanh cột nêu ché rượu, già làng bước đến cột nêu mở dây buộc trâu cho trâu đực được tự do. Thầy cúng đến gần con trâu và khấn tiếp: "Ơ trâu, lâu nay trâu ở với người như anh như em, nay vì cuộc sống của buôn làng, xin trâu vui lòng làm vật dâng hiến cho các giàng, ơ trâu" [41, tr. 27].
Xong lời khấn thầy cúng lấy rượu vẫy lên mình trâu. Một chàng trai khỏe mạnh (được già làng chọn trước) cầm giao bước ra múa theo nhịp chiêng trống xung quanh
con trâu. Nhanh như ngọn gió chàng chạy đến vung giao chém vào hai khuỷu chân sau của con trâu và phía trước một thanh niên khác đâm vào ngực thế là con trâu kêu rống lên đau đớn và ngã lăn ra đất, chàng trai rút giao ra khỏi ngực con trâu tiết trâu phun ra và già làng lấy nồi đồng to hứng tiết trâu hòa vào rượu mời khách quí và già trẻ, gái trai cùng uống. Bếp lửa được nhóm lên, mọi người cắt thịt trâu nướng vào ngọn lửa các nồi xôi được mang ra. Tất cả cùng ăn thịt trâu nướng với xôi, uống rượu cần chúc mừng sức khỏe, cùng múa hát vui nhộn. Cuộc vui kéo dài suốt ba ngày đêm. Cồng chiêng, lời ca tiếng hát của các cô gái, chàng trai cứ thế vang lên khắp núi rừng Đăk Lăk suốt ngày đêm.
Lễ Tâm nghết của người M'Nông là một trong những nghi thức của lễ ăn mừng được mùa. bên cạnh những nét tâm linh huyền ảo, nó còn toát ra một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Sự nhân ái giữa con người và con người. Sự giao cảm của con người với thiên nhiên và ước mơ lý tưởng cao đẹp của người M'Nông.
Trên đây là hai hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian điển hình của người M'Nông cùng với rất nhiều hình thức lễ hội khác mang tính chất truyền thống. Qua những lễ hội này chúng ta nghiên cứu và vận dụng có hiệu quả công tác GDPL, nên chăng thông qua lễ hội, các già làng có uy tín, có hiểu biết pháp luật vận dụng tuyên truyền pháp luật chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tích cực.