2. Dấu ấn Pauxtôpxki trong sáng tác của một số nhà văn Việt Nam 1 Pauxtôpxki và Thạch Lam Sự tương đồng có tính ngẫ u nhiên
2.2. Pauxtôpxki và Nguyễn Thành Long – Cái thoáng chốc trong truyện ngắn
ngắn
Đọc Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, ta ngỡ như bắt gặp “chất Pauxtôpxki” ở nghệ thuật tạo dựng tình huống truyện, bầu không khí bao quanh nhân vật. Cuộc hội ngộ ngẫu nhiên giữa Masa, anh phi công trẻ, nhà danh ca già, ông lão đan giỏ bên bờ sông trongCây tường vinhư một dấu thăng tuyệt đẹp cho bản tình ca của đời người. Tình huống dẫn đến buổi gặp gỡ giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư nông nghiệp và anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa mang tính chất của “cái khác thường trong cái bình thường”, hiếm khi xảy ra lần thứ hai trong đời. Theo Nguyễn Thành Long, đó là “một chốc lát trong đó sự việc xảy ra dồn dập nhất, giàu ý nghĩa nhất” [33, tr. 61]. Sau cái lặng lẽ của Sa Pa là ngọn lửa rực cháy trong trái tim của những con người ngày đêm lặng thầm lao động, cống hiến vì Tổ quốc, vì cái đẹp của cuộc sống như anh thanh niên trạm khí tượng, ông kĩ sư lai giống su hào, anh kĩ sư nghiên cứu bản đồ sét…
Trong sáng tác của Pauxtôpxki, ta bắt gặp những con người khiêm tốn, lặng lẽ làm việc những việc không tên vì cái đẹp của cuộc đời mà ít ai biết tới như câu chuyện về thuyền trưởng đường sông Ôlênhin Vôngari, vợ chồng giám đốc thư viện trong một thành phố nhỏ ở miền Trung Á: “Ông làm việc trong yên lặng, không ai quấy rầy ai. Dù viện bảo tàng của ông không mang lại nhiều lợi ích đi chăng nữa thì chả lẽ bản thân sự tồn tại của một con người như thế không phải là tấm gương về lòng trung thành với công việc, tính khiêm tốn và tình yêu quê hương cho những người ở đây, nhất là cho thanh niên hay sao? [34, tr. 179]. Đó là những người làm
việc không phải để mong chờ được nhớ ơn, đền đáp. Họ làm việc đơn giản vì trái tim họ, lương tâm họ đòi hỏi phải như vậy.
Là những lữ hành tìm kiếm chất vàng ròng quý giá ẩn giấu trong tâm hồn con người, Pauxtôpxki và Nguyễn Thành Long có sự gặp gỡ về môtip nhân vật. Ở truyện Nguyễn Thành Long, ta thường bắt gặp kiểu nhân vật người du hành – người sáng tạo. Họ là những nhà văn, họa sĩ, nhà báo như trong Lặng lẽ Sapa, Buổi sáng Điện Biên, Sớm mai nào xế chiều nào… Nguyễn Thành Long từng đi lên các công trường, nông trường, ông gặp các nông trang viên, cán bộ khoa học suốt dọc dài đất nước. Người nghệ sĩ là những người phải đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, lặng lẽ chiêm nghiệm sự đời. Pauxtôpxki đã gặp gỡ tại vùng Mêsora ông lão lái phà, người đan lát, các nông trang viên có tài kể chuyện. Kiểu nhân vật sáng tạo đồng thời là người lữ hành trở đi trở lại trong truyện Pauxtôpxki như trong Cây tường vi, Tàu tốc hành Ximêrôphôn, Cầu vồng trắng, Bình minh mưa. Đó là người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật như nhà văn, họa sĩ, nhà báo, người sưu tầm truyện dân gian, nhân viên họa đồ, ca sĩ, các sinh viên kiến trúc đi khảo sát thực tế… Để phục vụ công việc sáng tạo, họ thường đi nhiều, say mê quan sát cuộc sống và con người xung quanh. Đó là những con người đào xới đến tận cùng lớp đất của đời sống để tìm cái đẹp, để cuộc sống nở hoa trên trang viết.
Theo Pauxtôpxki, “khi văn xuôi đã đạt tới mức toàn thiện toàn mĩ thì về bản chất thực sự nó đã là thơ” [34, tr. 225]. Lặng lẽ Sa pa mang cấu trúc của một bài thơ lung linh chất nhạc, chất họa. Thiên nhiên từ hiện thực cuộc sống bước vào trang sách của Nguyễn Thành Long với tất cả vẻ duyên dáng của nó: “Lúc bấy giờ nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiều làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ” [30, tr. 21]. Cảnh đẹp như tranh vẽ, gợi ra một không gian lóng lánh sắc màu, chan chứa tình người. Trong cái lặng lẽ của Sa Pa vẫn vang lên những thanh âm trong trẻo, ánh lên sắc màu tươi mát làm đẹp lòng người, ấm tình đời. Dòng chảy lặng lẽ mà sâu lắng ấy hòa thành âm hưởng trữ tình ngợi ca của truyện. Ánh sáng đẹp đẽ tỏa ra từ cách sống, tâm hồn nhân vật trong cái lặng thầm của Sa Pa lại đánh thức nơi trái tim độc giả những tình cảm lớn lao, cao đẹp.
Sau cuộc gặp gỡ, trò chuyện với người họa sĩ và anh thanh niên, cô kĩ sư trẻ trong Lặng lẽ Sa Pa nhận thấy cuộc đời trước mắt mở ra biết bao điều tốt đẹp. Cô tin tưởng vào con đường mình đang đi, tin vào sự lựa chọn của mình. Điều tốt đẹp nhất cho cả ba người sau cuộc gặp gỡ này là họ càng ý thức được trách nhiệm đối với tương lai của chính mình và đất nước. Trong Cây tường vi, sau khi trò chuyện với anh phi công trẻ, lắng nghe những lời khuyên thú vị của nhà danh ca già, Masa không còn cảm thấy e ngại con đường phía trước, cô bước đến tương lai với tinh thần hân hoan tìm kiếm “chất thơ chứa đựng trong từng ngày của cuộc sống”.
Dẫu trên khắp nẻo đường đời, vẫn biết rằng khó có dịp gặp lại nhưng các nhân vật trongCây tường vi, Lặng lẽ Sa Pa đã thắp lên trong nhau niềm tin yêu vào phẩm chất tốt đẹp, khả năng kì diệu của con người. Cuộc sống dưới một góc nhìn mới, chan hòa ánh nắng thênh thang mở ra trước mắt họ. Mỗi lời nói, mỗi hành động, cả những suy nghĩ thầm kín xuất phát từ tư chất đẹp đẽ của tâm hồn nhân vật để lại âm vang ngọt ngào trong lòng người đọc. Nguyễn Thành Long quan niệm: “Truyện ngắn phải mang dấu ấn của tác giả, biểu hiện dưới sự tồn tại của tác giả. Dấu ấn ấy trước hết là tấm lòng đằm thắm của anh, sau đó là bút pháp, giọng nói, nhịp điệu câu chuyện của anh, những “cái áo”, “làn da” của tấm lòng tác giả” [33, tr. 53]. Chỉ có qua tâm hồn ta, ta mới có thể hiểu tâm hồn người khác. Từ cuộc đời đến trang viết, Pauxtôpxki, Nguyễn Thành Long luôn giữ ý thức để trái tim mình gần trái tim người đọc. Và điều cốt lõi nhất các nhà văn muốn gửi gắm ở tác phẩm văn học là thông điệp về hơi ấm tình người - giá trị vĩnh hằng của cái đẹp.