Cây xanh tuổi trẻ

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Konxtantin Pauxtopxki (Trang 30 - 35)

THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN KÔNXTANXTIN PAUXTÔPXK

2.2. Cây xanh tuổi trẻ

Cây xanh tuổi trẻ trong thế giới nhân vật của Pauxtôpxki là anh lính thủy Nikôlai, anh phi công trẻ tóc đã bạc trắng, chàng sĩ quan quân đội Kuzmin hay mơ mộng, chiến sĩ hồng quân trẻ Vania dũng cảm, cô sinh viên Masa vừa tốt nghiệp đại học về lâm trường nhận công tác, ca sĩ Xônxenva với giọng hát truyền cảm mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người… Cây xanh tuổi trẻ là những người đại diện cho thế hệ thanh niên căng tràn sức sống, cống hiến sức mình vào công cuộc chiến đấu,

xây dựng và bảo vệ đất nước Xô viết. Với tâm hồn trong sáng, cao thượng, họ vững bước trên con đường mình đã chọn với niềm tin son sắt vào những điều tốt đẹp phía trước.

Cây xanh tuổi trẻ trong sáng tác của Pauxtôpxki là những người hiểu rõ giá trị chân chính của cuộc sống chỉ có thể được tạo dựng từđôi bàn tay của chính mình. Họ yêu công việc, dốc toàn tâm toàn ý vào nhiệm vụ được giao. Đến lâm trường nhận công tác xong là bắt tay ngay vào việc, Masa cẩn thận xới tỉa lớp đất giữa những hàng sồi non lên để trồng keo vào đấy. Cô chăm sóc những mầm cây non nớt này với niềm trìu mến. “Masa đen cháy đi. Những bím tóc của cô bạc trắng ánh mặt trời. Bây giờ cô đã giống như một cô gái thực thụ của đồng cỏ” [34, tr. 260]. Cây xanh tuổi trẻ trong truyện Pauxtôpxki là những người dũng cảm trong chiến đấu, không hề run sợ trước mũi súng quân thù: “Giữa đám áo choàng xám nổi bật lên bộ quần áo phi công màu xanh (…). Vania của bà, đang đi sau một tên sĩ quan Đức vạm vỡ. Anh đi bình thản, nhìn thẳng về phía trước, nhưng trên mặt anh không còn vẻ rụt rè quen thuộc đối với bà (…). Nhìn thấy bà, anh tái mặt nhưng không để lộ một lời nào, một cử chỉ nào chứng tỏ anh quen cái bà lão bé nhỏ đang run rẩy kia” [34, tr. 273].

Thế hệ cây xanh trong truyện Pauxtôpxki không chỉ là những người lính dũng cảm, những người lao động bình dị, họ còn là người con rất mực hiếu thảo trong gia đình, thủy chung với quê hương. Trong Tuyết, ta cảm nhận được biết bao yêu thương, lo lắng qua những lời tha thiết Nikôlai gửi cha: “Vết thương của con không nặng lắm. Nó đang lên da non. Xin cha đừng lo lắng và chớ hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Con van cha đấy” [34, tr. 277]. Khi Alan qua đời, Samen thấy trên sợi dây chuyền chàng đeo có một chiếc mề đay nhỏ cất giữ kỉ vật. Bên trong là chân dung một thiếu phụ tuyệt đẹp và dòng chữ chính tay Alan viết trên đó “Mẹ tôi”.

Chân dung những cây xanh tuổi trẻ trong sáng tác Pautôpxki còn được miêu tả với thế giới nội tâm phong phú. Họ là những người biết tìm kiếm, trân trọng chất thơ từ những điều bình dị của cuộc sống: “Masa bỗng trở nên tư lự, lòng thầm nghĩ rằng mọi vật quanh cô quả thật rất bình thường, nhưng cũng rất kì lạ. Ở Lêningrát, ở trường đại học, điều đó không biểu lộ rõ rệt như trong chuyến đi này, có lẽ đây là cái

chất thơ bấy lâu vẫn bị che lấp đi, nay mới mở ra trước mắt, cái chất thơ chứa đựng trong từng ngày của cuộc sống” [34, tr. 257].

Những lời dặn dò của Onga khi dẫn Kuzmin qua khu vườn dẫn ra bờ sông cho ta thấy một tâm hồn rất đỗi dịu dàng: “Anh đưa tay đây. Chỗ này có nhiều bậc thang mục” [34, tr. 324]. Mỗi khi có một cành cây ướt rủ xuống có thể vướng vào mặt chàng thì nàng lại nhắc khẽ, còn Kuzmin im lặng vâng theo. Trong Bc đin, hình ảnh cô giáo trẻ vừa về làng Zabôriê lặng lẽ cúi xuống hôn lên bàn tay vàng vọt của cụ bà Katêrina trong quan tài thể hiện lòng trắc ẩn sâu xa của một tâm hồn hiền hậu. Một lần trò chuyện với hai con gái, Các Mác từng nói rằng đức tính ông quý nhất ở người phụ nữ là sự dịu hiền. Vẻ đẹp hiền dịu của hình tượng người phụ nữ trong truyện ngắn Pauxtôpxki tỏa sáng qua từng hành động, lời nói, suy nghĩ.

Pauxtôpxki ít chú ý miêu tả ngoại hình nhân vật mà chủ yếu đi sâu vào cảm giác, cảm xúc của nhân vật. Chính vì vậy, nhân vật của ông thường là nhân vật tâm trạng. Trong truyện Tuyết, nhân vật Tachiana và Nikôlai hiện lên không phải ở ngoại hình mà qua tâm trạng, qua việc làm ngời sáng lên vẻ thánh thiện, giản dị mà đầy lãng mạn của con người. Trước hết, tâm hồn, tính cách của Nikôlai được thể hiện qua bức thư gửi cho cha: “Con luôn nhớ đến cha, đến ngôi nhà của cha con ta, đến tỉnh lị của chúng ta. Tất cả những cái đó xa xăm quá, tưởng như ở mãi chân trời. Con nhắm mắt lại và thấy con mở cửa hàng rào, bước vào vườn. Mùa đông, tuyết xuống những con đường nhỏ dẫn đến phong đình bên dốc đã được sửa sang sạch sẽ và băng bụi phủ những khóm tử đinh hương, lò sưởi trong phòng kêu tí tách, khói bạch dương thoang thoảng. Cây dương cầm cuối cùng đã được lên dây lại và cha đã cắm những cây nến vàng hình xoắn ốc con mua từ Lêningrat vào những chân đèn… Cha đừng ngạc nhiên, nhưng con nói với cha một cách thật đứng đắn rằng con nhớ đến tất cả những cái đó trong những phút ác liệt nhất của trận đánh” [34, tr. 277]. Phải là một con người giàu cảm xúc, một người trân trọng từng kỉ niệm bé nhỏ, một người yêu quê hương da diết mới có những ước muốn giản dị nhường ấy. Vì khoảng kí ức êm đềm ấy, anh đã chiến đấu dũng cảm để bảo vệ “cái góc nhỏ bé thân yêu trong lòng anh”. Đối với Nikôlai, hạnh phúc là được sống lại với những kỉ niệm thân thương. Đó là nét đẹp trong tâm hồn con người mà Pauxtôpxki muốn nâng niu trân trọng. Còn

nhân vật Tachiana qua việc làm bình thường nhưng cũng thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn cô khi dọn dẹp nhà cửa để đón Nikôlai trở về. Đọc bức thư của Nikôlai gửi về cho bố, Tachiana hiểu rằng trong lòng người lính này, gia đình giữ một vị trí rất quan trọng. Nàng sai Varia lấy xẻng ra dọn con đường dẫn tới phong đình trên bờ dốc, tự tay chữa quả chuông con treo trên cửa, ra phố và dắt theo một ông lão lên dây đàn về nhà, thắp những cây nến dưới chân đèn. Những việc làm của Tachiana khiến hồi ức Nikôlai được trở về, anh có cảm giác như thể “đang ở trong một giấc mộng nhẹ nhàng nhưng rất vững chắc” [34, tr. 282]. Lấy quá trình vận động cảm xúc bên trong thế giới tâm trạng nhân vật làm tuyến chủ đạo dẫn dắt mạch truyện, truyện Pauxtôpxki lôi cuốn, hấp dẫn người đọc bởi những suy nghĩ sâu sắc, lắng đọng đang diễn ra trong tâm tư nhân vật. Ta cảm nhận được tiếng thở dài xa xót trong tâm tư Nikôlai khi anh đẩy cánh cổng rào trở về mảnh vườn xưa, niềm vui bí mật Tachiana đang cố che giấu sau đôi mắt long lanh… Giác quan tinh tường, tâm hồn nhạy cảm như sợi dây đàn sẵn sàng rung lên đáp lại mọi nét đẹp của cuộc đời, tình người đã mang lại cho truyện ngắn Pauxtôpxki vẻ đẹp tươi tắn, thanh thoát lạ kì.

Trong Cây tường vi, nhân vật Masa được khắc họa là con người giàu cảm xúc. Masa lo lắng, trăn trở khi đến hạ lưu sông Vônga để bắt đầu công việc trồng rừng cho nông trường vùng Casưmi: “Trong bụi cây, một âm thanh vang lên ríu rít rồi ngừng bặt. Một lát sau vang lên rồi lại tắt ngay. Hình như một người nào đó muốn thử thách cái yên tĩnh và độ nhạy cảm của đêm khuya… tiếng chim của họa mi hót rộn lên… cô cảm thấy buồn nhưng không hẳn là buồn mà nói chính xác hơn đó là cảm giác chưa có tên gọi đích xác: Cái cảm giác trước một tương lai chưa biết rõ” [34, tr. 249].

Cây xanh tuổi trẻ trong sáng tác của Pauxtôpxki còn là những người rất mực lãng mạn, chung thủy và cao thượng trong tình yêu. Mỗi truyện ngắn của Pauxtôpxki đều là bài ca của phép màu tình yêu: Tuyết, Cây tường vi, Gió bin, Cu vng trng, Sui cá hương Có lẽ cũng vì vậy đến với mỗi truyện ngắn của ông, ta có cảm giác như bước vào một giấc mơ giữa đời thực. Trong Cây tường vi, cánh đồng hoa tường vi cao vút, đẫm sương trong thời khắc đón bình minh, lời trách cứ lũ họa mi của anh phi công trẻ, ông lão đan giỏ ngồi canh bình minh bên túp lều ven bờ sông, lời dặn dò

của nhà danh ca già lúc chia tay trên bến tàu… đọng lại những lưu luyến khó phai trong tâm hồn Masa. Cô gái trẻ xuống tàu để đến lâm trường nhận công tác, còn chàng trai tiếp tục cuộc hành trình của mình. Cây tường vi là bài ca về mối tình vừa chớm nở với những rung động nhẹ nhàng và tinh tế nhất của thuở ban đầu.

Nhân vật trong truyện ngắn Pauxtôpxki thể hiện quan niệm của nhà văn về con người - những con người có niềm tin mạnh mẽ vào bản chất đẹp đẽ trong tâm hồn mọi người. Êlêna Pêtrốpna quyết định đến sân ga Bêlôruxi giữa lúc Matxcơva đang trong giờ giới nghiêm để gặp một người xa lạ vừa nói chuyện qua điện thoại với chị cách đó ít phút, chỉ vì người ấy còn nhớ giọng nói của chị trên sân ga giá buốt năm nào:

Anh có hiểu gì không? - Nàng lại hỏi.

- Không, - chàng trả lời, - và có gì phải hiểu?” [34, tr. 328].

Bình minh mưa lại được bao phủ bằng vẻ đẹp mờ ảo như làn mưa bụi lúc rạng đông, bàng bạc khắp các chi tiết, vấn vương trên cả khoảng trống của ngôn từ. Vì chuyển giúp một bức thư của một đồng đội, Kuzmin xuống tàu tại một tỉnh lị xa lạ. Những điều bình dị, quen thuộc trong một gia đình nề nếp khiến lòng người lính vừa ở mặt trận về không khỏi bồi hồi: Người vú già ra mở cổng, âm thanh từ chiếc ấm Xamôva, tách trà nóng, tiếng thì thầm sau bếp, một tập thơđể ngỏ trên bàn, mùi nước hoa thoang thoảng. Cuộc trò chuyện chốc lát giữa đêm khuya, ngôi nhà nhỏ trên núi, mưa rơi trên khóm tử đinh hương ngoài cửa sổ, lời nói ngập ngừng, câu chuyện dở dang, tiếng còi tàu như than thở vì kiếp sống lang thang của nó trong những ngày mưa ảm đạm… tất cả như đưa con người vào một giấc mộng giữa đời thực. Kuzmin biết rằng cả cuộc đời này có thể chàng không bao giờ gặp lại Ônga nữa. Nàng trở thành một hoài niệm không thể nào quên trong trái tim chàng mất rồi. Trong khoảng lặng của hội thoại vẫn chứa chan bao tình ý không thể diễn đạt bằng lời: “Kuzmin đưa mắt nhìn nàng. Qua nếp khăn choàng, đôi mắt Ônga lo lắng nghiêm nghị nhìn chàng. Có lẽ nào giờ đây, trong phút này thôi, tất cả sẽ đi vào dĩ vãng và trở thành một trong những kỉ niệm xót xa nhất trong cả đời nàng và cả đời chàng” [34, tr. 322]. Kuzmin lên tàu rồi vẫn chưa hết ngỡ ngàng, có lẽ Ônga cũng vậy. Chia tay trong làn mưa bụi lúc rạng đông mà chưa kịp nói một lời cảm ơn cuộc đời để chàng và nàng

được gặp nhau. Dường như có điều gì bâng khuâng trong ánh mắt, trong hơi ấm bàn tay. Giữa nỗi buồn nhẹ nhàng, mơn man của cảnh vật và lòng người, biết bao ân tình khó phai đọng lại mãi với thời gian.

Trên đường đời, có những điều xảy ra chỉ như gió thoảng, mưa bay mà lòng người lưu giữ mãi như một hoài niệm không bao giờ phai nhạt. Nhân vật truyện ngắn Pauxtôpxki là những con người sống giản dị và chân thành. Họ luôn mong muốn mang đến hạnh phúc cho bất kì ai bước vào cuộc đời mình, dù chỉ là trong giây phút. Để rồi những khoảnh khắc ngọt ngào ấy sẽ đọng lại mãi với thời gian. Và giữa cái khung nền tuyệt diệu của không gian thiên nhiên - bình minh phảng phất mưa, hoàng hôn nắng nhuộm hồng khung cửa, cầu vồng tuyết giữa mùa đông - thế giới của những con người bình dị trong truyện ngắn Pauxtôpxki nhưđược bao phủ trong sắc màu của những câu chuyện cổ tích hiện đại.

Những rung động mong manh, tinh tế trong Cây tường vi, Cu vng trng, Gió bin, Tuyết mang lại cho gương mặt tình yêu trong truyện ngắn Pauxtôpxki vẻ đẹp tinh khôi như những giọt sương ban mai trên khóm hồng đầu mùa hạ. Bất chấp không gian, thời gian, dẫu dông tố hay bình yên, chiến tranh hay hòa bình, chúng vẫn mang trong mình sứ mệnh của yêu thương. Tình yêu, khát vọng, niềm tin - ấy là chân lí của cuộc sống, chân lí của nghệ thuật.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Konxtantin Pauxtopxki (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)