Trong bài “Phác thảo về mối quan hệ giữa văn học Xô Viết và văn học Việt Nam thế kỷ XX” trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 6 năm 2009, Phong Lê nhận định: “Pauxtôpxki thuộc số các nhà văn Xô viết đến với văn học Việt Nam trong chiến tranh, và để lại dư âm khá sâu sắc nơi kí ức người đọc” [29, tr. 22]. Năm 1957, sau khi truyện ngắn Chuyến xe đêm được giới thiệu đến nước ta, Pauxtôpxki đã chinh phục độc giả một cách nhanh chóng. Đến nay, bạn đọc Việt Nam biết đến tác phẩm của Pauxtôpxki chủ yếu qua bản dịch của Kim Ân (Vũ Thư Hiên) và Mộng Quỳnh. Đây là hai dịch giả đã chuyển tải thành công nhất chất văn xuôi mượt mà, truyền cảm của Pauxtôpxki từ nguyên tác sang tiếng Việt. Dịch giả Vũ Thư Hiên đến với Pauxtôpxki muộn hơn các tác giả miền Nam một chút. Năm 1965, tại Matxcơva, giữa đêm đông bão tuyết, lần đầu tiên ông có dịp tiếp xúc với tác phẩm của Pauxtôpxki. Cuộc gặp gỡ ấy trở thành kỉ niệm không thể nào quên đối với dịch giả: “Đọc Pauxtôpxki tôi bỗng hiểu tôi hơn, hiểu mọi người hơn. Và, đây mới là cái chính: Tôi chợt hiểu rằng mỗi con người, dù người đó là ai, là nhà bác học, nhà thơ, là ông thợ mộc bình dị…, tất cả, đều là một thế giới phong phú. Thế giới ấy không lồ lộ dưới ánh mặt trời, và ta không thể thấy được nó, càng không thể nhìn rõ nó bằng cặp mắt lười biếng. Mỗi dòng chữ của Pauxtôpxki nói với chúng ta một cái gì rất mới về cái thế giới không dễ thấy ấy”4. Đêm hôm ấy, Vũ Thư Hiên mê mải với những trang viết của Pauxtôpxki đến mức bình minh trắng đục phương Bắc tràn ngập khắp phòng tự lúc nào ông cũng không hay. Tác phẩm của Pauxtôpxki mở ra một chân trời mới trong nhận thức: “Trong khoảnh khắc ấy tôi chợt hiểu ra rằng tôi đã bỏ qua rất nhiều, nhiều lắm, cái đẹp trên con đường tôi đã đi qua, tính cả về không gian lẫn thời
gian. (…). Như một người bạn gần gụi với ta, như một người thân của ta, Pauxtôpxki bước vào tâm hồn ta rồi ở lại đó, ông thủ thỉ với ta những chuyện tâm tình. Nghe xong những câu chuyện ấy, ta cảm thấy tâm hồn ta lớn thêm, rộng thêm, nhẹ hơn”.5
Ở Việt Nam, những tác phẩm của ông được bao thế hệ bạn đọc cất giữ làm hành trang bên mình như một chỗ dựa tinh thần, nâng đỡ tâm hồn qua những giai đoạn thử thách, khó khăn của cuộc sống. Kim Ân và Mộng Quỳnh đem trái tim và tâm hồn để cảm nhận tác phẩm trên nguyên tác, vận dụng tất cả vốn hiểu biết tiếng Nga và nghệ thuật sử dụng tiếng mẹ đẻ để chuyển ngữ những sáng tác của Pauxtôpxki sang tiếng Việt. Bạn đọc có thể cảm nhận được chất trữ tình mượt mà trong văn phong Pauxtôpxki qua bản dịch.
Vũ Thư Hiên tâm sự về niềm vui cũng như những khó khăn trong việc chuyển ngữ Bông hồng vàng: “Mỗi lần đọc đi đọc lại một đoạn văn khó, một hình ảnh đẹp cần phải tìm cách để truyền đạt cho tốt nhất, tôi lại phát hiện trong lòng mình một niềm vui, niềm vui này đã giúp tôi vượt qua những khó khăn. Bởi vì trong khi dịch
Bông hồng vàng, tôi hiểu thêm được rất nhiều cái lao động nặng nhọc nhưng cao quý và vì thế tuyệt đẹp của nghề văn (nếu có thể coi nó là một nghề). Tôi sẽ rất sung sướng nếu qua bản dịch này những ý nghĩ tốt lành của tác giả tới được với bạn đọc. Bởi vì, sau hết, tôi rất yêu Pauxtôpxki”6.
Dịch Câu chuyện phương Bắc, Mộng Quỳnh đã bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tài năng của Pauxtôpxki và coi tác phẩm là “bài ca tâm huyết đầy chất thơ và đằm thắm thiết tha ca ngợi Tổ quốc”. Phan Hồng Giang khi dịch cuốn Một mình với mùa thu đã dành nhiều trang giới thiệu những nét độc đáo của Pauxtôpxki về mặt thể loại, ngôn ngữ, cách sáng tạo hình ảnh, nghệ thuật miêu tả thiên nhiên… để cuối cùng đi đến nhận xét: “Pauxtôpxki dường như sinh ra trên mảnh đất Việt Nam hiền hòa với những rặng tre xanh, cánh đồng mỏi cánh cò bay và con người Việt Nam rất mực
5 Nguồn: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvnvntnqn3n31n343tq83a3q3m3237nvn
dũng cảm, không hề khoan nhượng với kẻ thù và cũng rất dịu dàng, biết yêu những vẻ đẹp bình dị, nhẹ nhàng, tinh tế” [35, tr. 318]
Những vần thơ được viết từ những hồi ức lãng mạn của một thời sôi nổi trong bài Nghĩ lại về Pauxtôpxki của Bằng Việt khiến bao bạn trẻ Việt Nam xúc động sâu sắc. Đó là những mảnh kí ức như những “chiếc gương thần màu xanh lấp lánh” ta cất giữ trong tim suốt cuộc đời:
“Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa Có thể ngày mai ta cũng đi qua
Một cánh cửa não nùng trong truyện Tuyết
Có tiếng chuông rung và con mèo Ackhip Ánh nến mơ hồ như hạnh phúc từng mong”
Lòng tốt kì diệu của con người, phép màu của tình yêu, những cuộc gặp gỡ thoáng chốc trở thành “những vết khắc trong tim” trong sáng tác của Pauxtôpxki rất gần gũi với ước mơ, suy tư suốt một thời trai trẻ của biết bao bạn đọc Việt Nam cũng như bạn đọc thế giới. Đó là sự gặp gỡ của những tâm hồn trân trọng cái đẹp, của những thoáng mong manh vụt sáng đầy tiếc nhớ trong cuộc đời:
“Và hạnh phúc vỡ ra như một nốt đàn căng Nốt cao quá trong đời xao động quá
Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả Lại ngọt ngào, kì lạ, lớn lao hơn Anh đã đi qua bão lốc từng cơn
Cây rung lá trong chiều thanh thản nhất Anh qua cả bầu không gian ngây ngất Một nốt thầm trong nắng mới lao xao Em đã đến rồi đi như một giấc chiêm bao Bây giờ anh biết nói gì hơn
Có thể… ngày mai thôi… có thể
Trong Lời nói đầu của Tuyển tập 100 truyện ngắn Nga hay, Vũ Đình Bình viết: “Khoảng nửa thế kỉ nay, nhiều thế hệ độc giả Việt Nam được đọc hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm trong kho tàng truyện ngắn phong phú và đồ sộ của Nga qua các bản dịch và nguyên bản. Bạn đọc đã say mê với truyện ngắn không chỉ của các lớp nhà văn trước như Gorki, Bunin, L. Tolstoi… mà cả những nhà văn sau này như Sukshin, Lidin, Kazakov… Ở đây không thể không nhắc tới Paustovski, một nhà văn được bạn đọc nước ta hết sức hâm mộ và những người học tiếng Nga, học văn học Nga, từng có dịp sống ở Nga và yêu mến nước Nga ai cũng đều biết” [37, tr. 5]
Trong tập Những kỉ niệm không dễ gì phai lạt do Thúy Toàn tuyển chọn và biên soạn, chúng ta có thể tìm thấy những vần thơ chứa chan cảm xúc thể hiện tình cảm yêu mến của độc giả Việt Nam dành tặng Pauxtôpxki. Qua bài thơ “Gặp lại những trang sách của Pauxtôpxki” của tác giả Trần Nhật Thu, chúng ta nhận thấy rằng những trang sách của nhà văn Nga này đã trở thành người bạn thân yêu của biết bao thế hệ bạn đọc Việt Nam trong suốt chặng đường thơ ấu, trên bước đường ra mặt trận, trong suốt những đêm trường nhớ nhung da diết hình bóng quê nhà cùng người yêu phương xa:
“Bên lối vườn bâng khuâng Trang sách Pau đã đọc Trong hầm hào chiến tranh Là nỗi nhớ da diết
Cuối con đường có em Những năm ấy không quên Bom rền hai mái núi
Con đường trôi ở giữa Bọn anh chốt mé rừng Trang sách Pau đã đọc Suốt một mùa nhớ nhung
Trong bài thơ “Bông hồng vàng”, tác giả Hải Kỳ ca ngợi bông hồng vàng Samét dành cho Xuyzan chính là bông hồng của đức hi sinh và tình yêu thương được chắt chiu, đong đầy qua bao năm tháng:
“Lẫn vào trong muôn tạp chất Miệt mài sàng lọc ngày đêm Đúc bông hồng vàng đẹp nhất Như điều ước nguyện thiêng liêng”
[46, tr. 259]
Tác giả Phạm Khải trong bài Hoài niệm Pauxtôpxki bày tỏ ước mong tha thiết được trở lại khoảng trời bình yên gắn liền với những kỉ niệm bên trang sách Pauxtôpxki:
“Ôi, tôi thấy lụi dần bao ước muốn! Thời gian trôi, qua từng khắc, từng giờ Ôi đâu còn những đêm dông bão cuốn Ngọn đèn khuya, trang sách, lật từng giờ Tôi cảm thấy mình đã xa, xa lắm
Nhưng vẫn mong sẽ có lúc trở về Ông là biển, rì rầm muôn say đắm Là tiếng lòng lắng lại lúc canh khuya”
[46, tr. 215]
Pauxtôpxki cùng những trang sách của ông còn gắn liền với kỉ niệm của một thời và cũng là kỉ niệm của một đời. Trên báo Sài Gòn giải phóng, số ra ngày 7 tháng 11 năm 1999, chuyên mục Chuyện đời thường, tác giả Khánh Đăng đã kể lại câu chuyện cảm động về tập sách chép tay tác phẩm Bông hồng vàng của Pauxtôpxki.
Đây là kỉ vật vô giá mà cô giáo Vinh đã cất giữ suốt 34 năm ròng. Một lần các bạn học sinh đến nhà chơi, cô giáo lấy ra cho các học trò yêu của mình truyền nhau đọc một tập sách chép tay tác phẩm Bông hồng vàng của Pauxtôpxki. “Cuốn sổ tay dày 306 trang kín đặc những hàng chữ mực xanh nhỏ li ti, nắn nót. Toàn bộ Bông hồng vàng, gồm 16 truyện, đã được chép lại trong cuốn sổ tay này. Dưới mỗi truyện đều ghi ngày chép xong. Truyện Bụi quý, chép xong ngày 27 – 3- 1965. Truyện cuối cùng
Chuyến xe đêm, chép xong ngày 22 – 5- 1965”. Như vậy, người chép truyện mất gần hai tháng mới hoàn thành tập sách này. Suốt thời kì kháng chiến giữ nước hào hùng và gian khổ, sách văn học ở nước ta khan hiếm, những người yêu văn học ngày ấy đã không ngại chép tay những cuốn sách mà họ yêu thích. Qua mẩu chuyện này, có thể thấy bạn đọc Việt Nam rất mực trân trọng, nâng niu từng trang viết của Pauxtôpxki – những trang sách đã đi vào hồn người và mãi mãi lắng đọng thành một vùng cảm xúc rực sáng như dải cầu vồng rực rỡ sau cơn mưa.
Những trang văn lấp lánh niềm tin yêu và hi vọng của Pauxtôpxki là người bạn đường của biết bao thanh niên hăm hở bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước sau ngày hòa bình thống nhất. Trên báo Sài Gòn Chủ Nhật ra ngày 12 tháng 11 năm 2006, chuyên mục Vấn đề hôm nay, trong bài viết “Sách văn học Nga – Dấu lặng sau thời vàng son” của tác giả Dung Thùy có đoạn viết: “Còn gì hạnh phúc hơn là được lên đường vào lúc ban mai của một ngày và ban mai của cuộc đời. Rồi bạn sẽ gặp những đoạn đường quanh co, gập ghềnh, núi cao, vực thẳm, nhưng đừng đánh mất sự hăm hở và trong trẻo lúc ban mai” (Bình minh mưa – Pauxtôpxki). Khi đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh tiến lên xây dựng, làm lành những vết thương còn rỉ máu, hơn lúc nào hết, Pauxtôpxki đã mang tinh thần “hạnh phúc lên đường” đến với tuổi trẻ”.
Không chỉ những dịch giả, nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ Việt Nam mà đông đảo mọi tầng lớp bạn đọc nước ta đều yêu Pauxtôpxki. Đặc biệt tình yêu các bạn học sinh, sinh viên dành cho Pauxtôpxki gắn liền với những ước mơ nguyên sơ của tuổi trẻ. Nhiều bạn trẻ từng ước mong cũng được ai đó tặng món quà như nhạc sĩ Griđơđã tặng Đanhi. Bao bạn đã băn khoăn đi tìm câu trả lời về hạnh phúc như trong truyện
Tuyết. Hạnh phúc ấy rất giản đơn ngỡ như chỉ đưa tay ra là có thể chạm đến nhưng cũng thật xa vời.
Trong lời tựa tập Bình Minh Mưa (2000), nhà xuất bản Văn hóa- Thông tin, tác giả Dung Nguyên viết: “Khó lòng có thể kể hết bao nhiêu lớp trẻ đã lớn lên đã “ảnh hưởng” bởi truyện ngắn Pauxtôpxki. Trong những năm 1994 - 2000, nghĩa là suốt thời kì tôi học trung học và đại học, những truyện ngắn của Pauxtôpxki đã mê hoặc rất nhiều học trò như tôi. “Tuyệt đẹp” là từ mà nhiều bạn trẻ thốt khi đọc xong
cuốn Bình minh mưa. Không ít sinh viên khoa Văn của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã cất giữ cuốn Bình minh mưa của Pauxtôpxki như một báu vật nhỏ bé. Còn với tôi, mỗi truyện ngắn của nhà văn Nga này như một giọt sương buổi sớm, nhẹ nhàng, tươi tắn và thật thần tình, nó thấm vào tâm hồn trọn vẹn với vẻ tươi mát và tinh tế kì lạ”. 7
Tình cảm của độc giả Việt Nam dành cho Pauxtôpxki còn thể hiện qua vần thơ chất chứa ưu tư của một tâm hồn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời rộng mở với biết bao âu lo trước những điều chưa biết tới:
“Cuộc sống sẽ là gì sau trang sách của em Nghe bàng hoàng ngày sóng xô biển động Nghe rừng thu xao xác lá muôn chiều
Bao nỗi đau đi qua mới cháy thành hạnh phúc Trăm niềm thương lắng lại một niềm yêu
Cho em khóc cùng Đanhi niềm vui mười tám tuổi Lẵng quả thông thơm ước mộng êm đềm
Cho em mở những lá thư phập phồng hi vọng Để trao đi một tấm lòng và nhận lại một trái tim”
Từ thế giới tuyệt diệu trong những trang sách của Pauxtôpxki, bước vào cuộc đời với tấm lòng và trái tim rộng mở, Những ngôi sao mười tám của Phạm Ngọc Lan đã nói hộ tâm sự của bao bạn trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời. Bài thơ đã đạt giải III cuộc thi sáng tác thơ văn Tài năng trẻ do Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh và báo
Mực Tím tổ chức năm 1999.
Có những nhà văn, nhà thơ một khi đã đến thì mãi mãi ở lại, lâu bền trong tâm hồn độc giả. Đó là trường hợp của Pauxtôpxki với bạn đọc Việt Nam. Nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư nhận định: “Những huyền thoại lãng mạn – Tuyết, Bình minh
mưa, Lẵng quả thông… có sức mạnh kì lạ làm cháy lên trong lòng người đọc ngọn lửa tâm hồn thường xuyên bị vùi lấp dưới tro bụi của cuộc sống thường nhật. Phải chăng vì thế mà những ai yêu Paustovski thì đều yêu ông với một niềm biết ơn đặc biệt?” [14, tr. 70]. Lặng lẽ và đằm thắm, thiết tha, những trang viết, những dòng suy tư trong văn Pauxtôpxki luôn làm mát dịu lòng ta như mạch suối nguồn trong trẻo, dịu dàng. Chính vì vậy“không ít tấm lòng Việt Nam đã hướng về ông như nơi trú ngụ bình yên của lòng người” [35, tr. 321].
2. Dấu ấn Pauxtôpxki trong sáng tác của một số nhà văn Việt Nam 2. 1. Pauxtôpxki và Thạch Lam - Sự tương đồng có tính ngẫu nhiên