Phương thức trần thuật chủ quan là phương thức trần thuật được tiến hành từ ngôi thứ nhất xưng “tôi”. Người trần thuật là một trong các nhân vật và sự trần thuật được tiến hành từđiểm nhìn của nhân vật này. Từđiểm nhìn của một nhân vật, người trần thuật “có khả năng nhìn thấy được tất cả mọi sự và có khả năng đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật” [20, tr.202].
Đặc điểm nổi bật của phương thức trần thuật chủ quan là người trần thuật “xuất hiện như một con người thực hiện hữu trong thế giới mà các nhân vật đang hoạt động” [20, tr.202]. Với vai trò vừa là một nhân vật, vừa là người kể chuyện, người trần thuật sẽ kể lại những gì mà người ấy đã chứng kiến, trải qua và trở thành “người bình luận từ
bên trong” [40, tr.165]. Theo quan điểm của Huỳnh Như Phương, đây là phương thức trần thuật “ có tính chất nội quan”. “Hành động của nhân vật được miêu tả dựa trên trạng thái nội tâm của nhân vật đó, từđiểm nhìn của chính
anh ta hay điểm nhìn của một người quan sát có năng lực phân tích tâm lí” [20, tr.202]. Chính từ những đặc điểm trên mà “sự trần thuật mang tính cá thể hóa rất cao, nó diễn đạt rất sâu sắc những tâm trạng, tình cảm và sự nếm
trải của con người” [20, tr.202].
Khảo sát 28 truyện ngắn của Kim Lân, chúng tôi thấy có 8 truyện tổ chức trần thuật theo phương thức trần thuật chủ quan. Tuy chiếm số lượng ít hơn số lượng truyện trần thuật theo phương thức trần thuật khách quan nhưng
đây là một hiện tượng khá đặc biệt ở truyện ngắn Kim Lân. Trong 8 truyện tổ chức trần thuật theo phương thức trần thuật chủ quan, có 2 truyện tổ chức trần thuật theo kiểu người trần thuật xưng tôi đóng vai trò người dẫn truyện (Cầu
đánh vật, Vợ chồng anh đội trưởng) và 6 truyện tổ chức trần thuật theo kiểu người trần thuật xưng tôi vừa là người dẫn truyện vừa là một nhân vật (Đứa con người cô đầu, Người kép già,Thư phát động, Ông Cả Luốn gốc me, Con chó xấu xí, Người chú dượng).