II. THỰC TRẠNG KIỂM TOÁN CÁC KHOẢN NỢ PHẢI TRẢ
3. Lập kế hoạch kiểm toán tổng quát
3.6. Xác lập mức trọng yếu tổng thể và phân bổ trọng yếu cho khoản
nợ phải trả
Sau khi thực hiện các thủ tục phân tích sơ bộ về tình hình tài chính của khách hàng, CPA VIET NAM tiến hành xác lập mức trọng yếu tổng thể đối với toàn bộ báo cáo tài chính, sau đó phân bổ mức ước lượng ban đầu này cho từng khoản mục trên báo cáo tài chính.
Xác lập mức trọng yếu tổng thể được thực hiện trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán, đây là một trong những quyết định quan trọng nhất mà kiểm toán viên phải làm, đòi hỏi những phán xét đáng kể về mặt chuyên môn và có thể thay đổi trong quá trình kiểm toán khi các tình huống thay đổi.
Nhìn chung, việc xác lập mức trọng yếu ở toàn bộ báo cáo tài chính hay cho từng khoản mục đều thuộc về sự xét đoán nghề nghiệp của kiểm toán viên. Các cơ sở xác lập mức trọng yếu tổng thể báo cáo tài chính, tỷ lệ sử dụng để tính ra mức trọng yếu và phương pháp phân bổ mức trọng yếu tổng thể cho các khoản mục có thể thay đổi cho phù hợp đối với từng đối tượng khách hàng. Ví dụ như khoản mục tiền có thể coi là trọng yếu đối với một công ty thương mại nhưng lại không trọng yếu đối với một công ty xây dựng. Hay sự chênh lệch số tiền là 100 triệu đồng có thể coi là trọng yếu đối với một công ty nhỏ, trong khi đó nó lại không trọng yếu đối với một công ty lớn với số vốn hàng trăm tỷ đồng.
Như vậy, việc xác lập mức trọng yếu đòi hỏi phải được vận dụng linh hoạt khi kiểm toán ở các khách hàng có quy mô và đặc điểm hoạt động
kinh doanh khác nhau. Đứng trước đặc điểm đó, CPA VIET NAM đã đưa ra chính sách xác lập mức trọng yếu khi kiểm toán báo cáo tài chính để làm căn cứ xác lập mức trọng yếu cho từng cuộc kiểm toán trên cơ sở các xét đoán nghề nghiệp của kiểm toán viên.
Chính sách xác lập mức trọng yếu khi kiểm toán báo cáo tài chính được Công ty thiết lập như sau:
- Cơ sở để thiết lập mức trọng yếu tổng thể có thể là doanh thu (1% - 2%), lợi nhuận trước thuế (5% - 10%), tài sản lưu động (5% - 10%), tổng cộng tài sản (3% - 6%)…
- Sai lệch tổng hợp của báo cáo tài chính nếu vượt quá 10% giá trị cơ sở thiết lập mức trọng yếu tổng thể thì được xem là trọng yếu. Nếu sai lệch này dưới 5% giá trị cơ sở thiết lập mức trọng yếu tổng thể và bản chất của sai phạm không gây ảnh hưởng đến quyết định của người sử dụng báo cáo tài chính thì được xem là không trọng yếu. Nếu sai lệch này nằm trong khoảng từ 5% đến 10% giá trị cơ sở thiết lập mức trọng yếu tổng thể thì lúc này đòi hỏi phải vận dụng sự xét đoán nghề nghiệp để xác lập tính trọng yếu.
- Tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng báo cáo tài chính, bản chất của các thông tin được trình bày trong báo cáo…mà xem xét một cách cẩn thận các yếu tố định tính trong suốt quá trình kiểm toán.
- Mức trọng yếu được phân bổ cho các khoản mục theo tỷ lệ phần trăm so với mức trọng yếu tổng thể. Công việc này đòi hỏi khá lớn sự phán xét của kiểm toán viên dựa trên đặc điểm hoạt động kinh doanh của khách hàng.
- Tổng hợp các sai sót trên tất cả các tài khoản phải thấp hơn hoặc bằng mức ước lượng ban đầu về tính trọng yếu.
CPA VIET NAM thực hiện xác lập mức trọng yếu tổng thể cho toàn bộ báo cáo tài chính và mức trọng yếu phân bổ cho các khoản mục tại hai khách hàng X và Y như sau:
Kiểm toán viên xác lập mức trọng yếu tổng thể cho toàn bộ báo cáo tài chính của khách hàng X theo bảng sau:
Bảng 10: Bảng xác lập mức trọng yếu tổng thể
Cơ sở tính toán
Mức trọng yếu tổng thể của BCTC Mức tối thiểu Mức tối đa Tỷ lệ Số tiền Tỷ lệ Số tiền Doanh thu 1% 22.572.150 2% 45.144.300 Lợi nhuận trước thuế 5% 26.575.450 10% 53.150.900 Tài sản lưu động 5% 154.247.200 10% 308.494.400 Tổng cộng tài sản 3% 116.235.300 6% 232.470.600
Kiểm toán viên chọn mức trọng yếu tổng thể cho toàn bộ báo cáo tài chính đối với khách hàng X là 45.144.300 đồng. Sau đó, kiểm toán viên tiến hành phân bổ mức trọng yếu tổng thể này cho các khoản mục trên bảng cân đối kế toán. Mức trọng yếu tổng thể được phân bổ cho khoản mục nợ phải trả nhà cung cấp theo tỷ lệ 25% và cho các khoản vay với tỷ lệ là 20%.
* Khách hàng Y:
Công việc xác lập mức trọng yếu được tiến hành tương tự như đối với khách hàng X, tuy nhiên do khách hàng Y có quy mô nhỏ hơn nên tỷ lệ phân bổ mức trọng yếu tổng thể cho các khoản mục cũng thay đổi cho phù hợp với tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng.