Kinh nghiệm đầu tư công cho phát triển kinh tế huyện ở Việt Nam

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẦU TƯ CÔNG CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ HUYỆN SƠN ĐỘNG, TỈNH BẮC GIANG (Trang 39 - 43)

2.9.2.1 Tình hình chung

Theo TS. Nguyễn Hồng Thắng, Khoa Tài chính Nhà nước, Đại học Kinh tế TP.HCM, “đầu tư là giải pháp duy nhất thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Bởi nó tạo ra giá trị gia tăng trong tương lai”. Tuy nhiên, sức đẩy của đồng vốn đầu tư công cho tăng trưởng thực tế đến đâu thì còn cần phải xem xét.

Theo Bộ Tài chính, tính bình quân giai đoạn 1997-2007, tỉ lệ đầu tư phát triển trên tổng sản phẩm nội địa (GDP) là 7,54%. Lượng vốn đầu tư liên tục tăng trong những năm qua, năm 2000 vốn đầu tư thực hiện theo giá thực tế là 151,2 nghìn tỷ đồng (bằng 34,2% GDP); năm 2005 tăng lên 324 nghìn tỷ đồng (38,7% GDP). Tốc độ tăng về vốn đầu tư thực hiện cao hơn tốc độ tăng GDP, tăng 22,3% (giai đoạn1991 – 1995); 12,2% (1996 – 2000) và 13% (2001 – 2005). Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư lại thấp và ngày càng giảm, thể hiện qua chỉ số ICOR còn khá cao và liên tục

tăng, cụ thể từ 2,7 (năm 1991) tăng dần lên 3,6 (năm 1997); tăng cao đột ngột năm 1998 và 1999 tương ứng là 5,3 và 6,1; sau giai đoạn này, chỉ số ICOR có giảm nhưng vẫn ở mức cao so với trước giai đoạn khủng hoảng (4,9 năm 2003 và lên cao nhất là 6.93 vào năm 2005).

Năm 2007, do thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, tỷ lệ lạm phát ở nước ta tăng cao. Trong gói giải pháp chống lạm phát được Thủ tướng Chính phủ nêu ra đầu năm 2008 có nhấn mạnh đến giảm bội chi ngân sách, cắt giảm đầu tư công như một giải pháp chính chống lạm phát. Tuy nhiên, vấn đề an sinh xã hội và đầu tư phát triển kinh tế cho người nghèo, vùng khó khăn vẫn được quan tâm đúng mức. Mục tiêu của Chính phủ là “để người nghèo được hưởng thành quả tăng trưởng”. Theo đó, các chính sách đầu tư công cho các vùng khó khăn vẫn được tăng cường. Nghị quyết

30a/2008/NQ-CP ban hành ngày 27/12/2008 đã quy định chi tiết mức hỗ trợ cho 61 huyện nghèo, nhằm đẩy nhanh sự tăng trưởng kinh tế hướng tới phát triển bền vững cho các huyện này. Nhà nước sẽ hỗ trợ 200.000 đồng/ha/năm tiền khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, hỗ trợ lần đầu giống cây lâm nghiệp từ 2 - 5 trđồng/ha, hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay tại ngân hàng thương mại Nhà nước để trồng rừng sản xuất, để phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản.

Nhà nước hỗ trợ 10 trđồng/ha đất khai hoang, 5 trđồng/ha đất phục hóa, 10 trđồng/ha ruộng bậc thang. Hỗ trợ 1 lần toàn bộ tiền mua giống, phân bón cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; các hộ nghèo được vay vốn tối đa 5 trđồng/hộ với lãi suất 0% (1 lần) trong 2 năm để mua giống, 1 trđồng/hộ để làm chuồng trại chăn nuôi hoặc tạo diện tích nuôi trồng thủy sản...

Nhà nước cũng hỗ trợ mỗi huyện trong diện 61 huyện nghèo 100 trđồng/năm để xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhất là nông, lâm, thủy đặc sản của địa phương, thông tin thị trường cho nông dân, hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa, đào tạo định hướng để lao động ở các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, các chính sách đặc thù về giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí, chính sách cán bộ... cũng được quan tâm đầu tư.

2.9.2.2 Bài học từ đầu tư công cho phát triển kinh tế ở huyện Yên Mô_Ninh Bình

Yên Mô là một huyện nghèo của tỉnh Ninh Bình, nhằm thoát nghèo, tạo bước đột phá mới, năm 2008, Yên Mô đề ra mục tiêu giảm nghèo của toàn huyện là 11%,

riêng các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như: Yên Đồng, Yên Thành, Yên Thái phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 15% và đến năm 2010 con số này là dưới 12%.

Nông nghiệp vẫn là lĩnh vực được huyện tập trung phát triển, các xã nghèo được hỗ trợ kinh phí về con giống, cây trồng..., khuyến khích đầu tư mở rộng sản xuất các ngành nghề thế mạnh tại địa phương.

Bên cạnh đó, Yên Mô đang chú trọng phát triển công nghiệp bằng việc tạo hành lang pháp lý, cơ chế thông thoáng, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, nhằm thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đó, năm 2008, huyện đã tập trung cho xây dựng điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển CN-TTCN ở 3 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Ưu tiên đào tạo nghề mới, nâng cao tay nghề cho các lao động ở 3 xã trên. Từ năm 2007 đến nay, toàn huyện đã mở 53 lớp dạy nghề CN-TTCN cho 21.000 lượt người với tổng kinh phí đào tạo trên 1,2 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm ổn định cho 3.500 lao động và 9.000 lao động có việc làm thêm với mức thu nhập từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/người/tháng.

Huyện triển khai dự án làm đường giao thông nông thôn, đường đến trung tâm các xã nghèo với tổng kinh phí đầu tư là trên 78 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi đã được đề ra với tổng kinh phí xây dựng là 5 tỷ 931 triệu đồng... cùng nhiều tuyến đê, cầu cống đã và đang khẩn trương được nạo vét, sửa chữa, xây mới nhằm đảm bảo lưu thông dòng chảy, phục vụ tốt việc tưới tiêu…

Ngoài ra, các xã nghèo trên còn được hỗ trợ đầu tư xây dựng một số công trình như: Trường tiểu học, trường mầm non, trạm y tế, nhà văn hoá thôn, xóm... với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng.

Để người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, Yên Mô đã thực hiện công khai các chủ trương hỗ trợ và kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của hộ nghèo, các doanh nghiệp đầu tư vào các xã nghèo. Hiệu quả nhất phải kể đến nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện, đến hết tháng 10- 2008, số dư nợ cho vay của Ngân hàng này đã lên tới 218,5 tỷ đồng, trong đó số dư nợ của 3 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện là trên 21 tỷ đồng...

trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội theo đúng quy định. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã cấp 11.885 thẻ BHYT cho người nghèo và đã có 3.750 lượt người được khám, chữa bệnh miễn phí với tổng kinh phí là trên 300 triệu đồng.

Như vậy, kinh nghiệm đầu tư cho phát triển kinh tế của Yên Mô là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, giáo dục đào tạo nhân lực và y tế cộng đồng, tập trung cao nguồn vốn đầu tư vào các xã nghèo nhất của huyện. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp trên, Yên Mô đã giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 13,73% (năm 2007), giảm 11,44% so với năm 2005. Ước tính đến cuối năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện chỉ còn 11%, riêng 3 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trong huyện thì con số này chỉ còn từ 12,75% - 14,5%, đạt mục tiêu đã đề ra.

PHẦN III: ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẦU TƯ CÔNG CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ HUYỆN SƠN ĐỘNG, TỈNH BẮC GIANG (Trang 39 - 43)