2.9.1.1 Tình hình đầu tư công cho phát triển kinh tế ở Hàn Quốc
Khi xét cơ cấu đầu tư các nguồn lực đầu vào cho tăng trưởng, Hàn Quốc được xem là nước có cơ cấu đầu tư cho các yếu tố tăng trưởng kinh tế bao gồm vốn vật chất, vốn con người và khoa học công nghệ khá cân bằng và hiệu quả. Trong đầu tư vào tài sản vốn vật chất, có chọn lọc, tập trung đầu tư vào một số ngành với thời hạn nhất định nhằm phát triển phục vụ xuất khẩu. Về đầu tư cho vốn con người, Hàn Quốc được xem là khá thành công, tăng cường đầu tư cho giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ cao. Hàn Quốc cũng là nước có mức đầu tư cao cho hoạt động nghiên cứu và triển khai, đưa yếu tố khoa học công nghệ trở thành yếu tố đóng góp rất lớn vào tăng trưởng. Trong thời kỳ 1987 - 1997, Hàn Quốc đầu tư 2,8% GDP cho họat động R&D, ngang bằng với Mỹ và cao hơn Pháp. Giai đoạn 1991 - 1995 ICOR bình quân của Hàn Quốc là 5,27, nhưng đến năm 1999 thì chỉ còn 2,5.
Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng đề ra một số chính sách khác nhằm nâng cao phúc lợi cho người lao động như: Chính sách giải quyết việc làm và phúc lợi cho người lao động; Chính phủ khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng nhanh việc làm thông qua chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành công nghiệp quy mô vừa và nhỏ phát triển.... Trong cuộc tái cơ cấu lại doanh nghiệp thời kỳ sau khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997 - 1998, Chính phủ đã dành ra một khoản ngân sách gần chục tỉ won cho việc đào tạo lại, trợ cấp xã hội, tạo thêm chỗ làm mới cho người lao động.
2.9.1.2 Tình hình đầu tư công cho phát triển kinh tế ở Malaixia
Theo Báo cáo phát triển con người năm 2005 thì năm 2003 chỉ số HDI của Malaixia là 0,796, xếp thứ 61 trong 177 nước có số liệu so sánh. Đó là thành quả từ sự quan tâm của Chính phủ Malaixia tới các vấn đề an sinh xã hội và phúc lợi cho người dân.
Những chính sách đầu tư thích đáng cho giáo dục đã thu được những kết quả tích cực. Tỷ lệ dân số biết chữ năm 1970 ở Malaixia mới đạt 58%, thì đến năm 2002, tỷ lệ này đã tăng lên 94%. Đặc biệt, năm 1997, tỷ lệ học sinh tiểu học của Malaixia
đạt 100% nhóm tuổi, những trẻ em thiệt thòi ở vùng sâu, vùng xa và thiểu năng tàn tật cũng đã có cơ hội tới trường. Một điều đáng lưu ý là tính xã hội hóa cao trong giáo dục của Mailaixia đã giảm bớt gánh nặng chi phí cho Nhà nước mà vẫn đạt được tiến bộ trong giáo dục.
Tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch và các dịch vụ vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn ở Malaixia ngày càng tăng, đã tăng từ 71% thời kỳ 1982 - 1985 lên 89% thời kỳ 1990 - 1996, trong đó năm 1996 có 100% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch và 86% cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch.
Bên cạnh đó, Chính phủ và xã hội dân sự Malaixia đã đầu tư và quan tâm mạnh mẽ tới việc tăng cơ hội tiếp cận cho người dân tới các dịch vụ công. Chi tiêu công cộng cho phát triển xã hội đã tăng từ 17% trong thời kỳ 1971 - 1975 lên 25% trong thời kỳ 1990 - 1995.
Đặc biệt, trong chính sách phát triển mới của Chính phủ Malaixia, chiến lược xóa đói giảm nghèo sẽ được tiếp tục thực hiện, chú trọng cải thiện phân phối thu nhập giúp người nghèo được hưởng lợi ích từ tăng trưởng. Kết quả là, từ một đất nước có trên 50% dân số sống dưới mức nghèo khổ vào đầu thập kỷ 70, đến năm 2002, số người nghèo đói ở Malaixia chỉ còn dưới 1%.
2.9.1.3 Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, trong thời gian tới, nhà nước cần điều chỉnh cơ cấu đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đầu tư công, đầu tư từ ngân sách. Giải quyết những vấn đề liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản như chống thất thoát vốn đầu tư, đấu thầu, chất lượng công trình xây dựng, chống đầu tư dàn trải... đã được đề cập ở trên cũng như nâng cao chất lượng trong quá trình lựa chọn và quyết định dự án đầu tư bởi nguyên nhân của việc đầu tư kém hiệu quả, trước hết xuất phát từ việc lựa chọn và quyết định dự án đầu tư. Đây còn là vấn đề liên quan đến chống tham nhũng và quản lý đầu tư hiệu quả. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, cần và có thể duy trì hệ số ICOR hợp lý từ 3,5 - 4, muốn vậy cần phải lưu ý từ việc lựa chọn, quyết định dự án đầu tư.
Ngoài ra, điều chỉnh cơ cấu đầu tư phải gắn với cải cách doanh nghiệp nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm thiểu sự bất hợp lý trong phân bổ nguồn lực. Đặt mục tiêu tăng hiệu quả đầu tư thay vì quá tập trung vào tăng vốn
đầu tư.
Tăng cường đầu tư cho các vùng, địa phương có điều kiện kinh tế xuất phát điểm thấp, cho vùng khó khăn, cho người nghèo nhằm giúp người nghèo “được hưởng thành quả của sự phát triển”, đồng thời để vực nền kinh tế các địa phương này lên, tạo tiền đề để địa phương có thể vững vàng tự mình bước tiếp trên con đường phát triển.
Muốn có bước phát triển mới, duy trì tốc độ tăng trưởng dài hạn và nâng cao chất lượng tăng trưởng, phải đầu tư ở mức cao hơn cho phát triển khoa học - công nghệ, hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D), kích thích đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp và tăng hợp tác hai chiều giữa các tổ chức nghiên cứu triển khai và doanh nghiệp.
Đầu tư cao hơn cho giáo dục - đào tạo_ đặc biệt là giáo dục đào tạo nghề.
Điều này có tác dụng nâng cao chất lượng lao động, phát triển nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động. Đầu tư cho giáo dục - đào tạo còn nhằm tăng cường năng lực quản lý của doanh nghiệp, của các cơ quan quản lý nhà nước, từ đó nâng mức đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế nhờ vào yếu tố năng lực quản lý, yếu tố tri thức… trong năng suất nhân tố tổng hợp. Đầu tư cho giáo dục cần chú trọng đến cơ cấu phân bổ, hiệu quả, chất lượng đầu tư.