Luật thi hành án dân sự đã được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ tư thông
qua ngày 14/11/2008. Theo đó, một số quy định trước đây của Pháp lệnh thi hành án dân sự đã được sửa đổi, bổ sung, thế nhưng một số văn bản pháp luật hướng dẫn áp dụng Pháp lệnh này vẫn không được sửa đổi cho phù hợp với Luật mới. Ví dụ như Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán TANDTC số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007, hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ năm "Thi hành bản án và quyết định của Toà án" của Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt; Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT ngày 17/6/2005 của TANDTC, VKSNDTC, BTP, BCA, BTC hướng dẫn việc miễn, giảm thi hành án đối với khoản tiền phạt, án phí. Một số viện dẫn trong các văn bản hướng dẫn này vẫn dựa trên quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự mà theo Luật thi hành án dân sự thì đã có thay đổi.
Ví dụ như hướng dẫn về việc người phải thi hành án phải làm đơn xin miễn, giảm thi hành án tiền phạt, án phí. (tiểu mục 1.1 điểm 1 mục II Thông tư liên tịch
số 02/2005/TTLT ngày 17/6/2005 của Liên ngành Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Tài chính). Hướng dẫn này không còn phù hợp với quy định tại Điều 62 Luật thi hành án dân sự "Hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước".
Ngay trong thuật ngữ "khoản tiền phạt, án phí" với "nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước" cũng đã có sự khác nhau. Theo chúng tôi khái niệm "khoản thu nộp ngân sách nhà nước" rộng hơn so với khái niệm "tiền phạt, án phí" bởi khoản thu nộp ngân sách nhà nước không chỉ có tiền phạt, án phí mà còn có thể có cả các khoản tiền khác mà người bị kết án phải có nghĩa vụ nộp vào ngân sách nhà nước. Ví dụ như tiền thu lợi bất chính, các khoản tiền, tài sản mà Toà án tuyên tịch thu xung công quỹ nhà nước… Vấn đề này cũng cần được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể bằng Thông tư liên tịch, hay nói cách khác, cần có sửa đổi, bổ sung hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT ngày 17/6/2005 hoặc ban hành một Thông tư liên tịch mới để hướng dẫn áp dụng một số điều của Luật thi hành án dân sự.
2. Về công tác quản lý nhà nước và tổ chức thi hành án dân sự
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc tổ chức thi hành án dân sự
được giao cho nhiều cơ quan thi hành. Như vậy một bản án, quyết định hình sự có thể có nhiều cơ quan thi hành, mỗi cơ quan được giao trách nhiệm thi hành mọto phần trong quyết định của bản án. Điều này đã làm cho công tác thi hành án hình sự bị cắt khúc, gián đoạn, công tác quản lý nhà nước không chặt chẽ. Ví dụ Toà án thì ra các quyết định, cơ quan công an thi hành phần hình phạt tù, tử hình; Uỷ ban nhân dân, cơ quan, tổ chức thực hiện việc quản lý, giám sát, giáo dục đối với người bị kết án không phải là phạt tù giam; cơ quan tư pháp thi hành phần dân sự…
Ngay trong một cơ quan thì việc thi hành án hình sự cũng được giao cho nhiều bộ phận khác nhau. Ví dụ Bộ Công an giao cho lực lượng cảnh sách Bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp thi hành hình phạt tử hình, V26 (trại giam) thi hành hình phạt tù; Cục quản lý xuất nhập cảng thi hành hình phạt trục xuất…
Việc giao cho quá nhiều cơ quan thi hành một bản án, quyết định hình sự, rõ ràng đây là một bất cập của pháp luật và cần phải nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Theo chúng tôi, cần ban hành Luật thi hành án hình sự, trong đó xác định rõ cơ quan chủ trì, các cơ quan có trách nhiệm phối hợp trong việc tổ chức thi hành án hình sự.
3. Về nhận thức
Theo chúng tôi thi hành án hình sự là một giai đoạn của tố tụng hình sự (tố tụng hình sự được hiểu theo nghĩa rộng, tức là bao gồm tất cả các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự). Xét xử vụ án hình sự là một giai đoạn tố tụng tại Toà án, thi hành án hình sự là giai đoạn tiếp theo của quá trình xét xử. Tất nhiên, không phải mọi trường hợp xét xử, ra bản án, quyết định đều có giai đoạn thi hành án vì có một số trường hợp Toà án không phải ra quyết định thi hành án như trường hợp tuyên không có tội, miễn hình phạt, miễn trách nhiệm hình sự, phạt tiền (là hình phạt chính)… xét xử và Thi hành án hình sự chỉ là hai mặt thống nhất khi mà bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, phải ra quyết định thi hành.
Thi hành án hình sự được quy định tại phần thứ năm, chương XXV của Bộ luật tố tụng hình sự. Các điều luật trong chương này quy định rất rõ về trình tự, thủ tục thi hành án…., đó cũng chính là tố tụng trong thi hành án hình sự. Mọi vi phạm tố tụng này đều bị kháng nghị bởi Viện kiểm sát hoặc giải quyết theo quy định tại chương XXXV Bộ luật tố tụng hình sự "Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự".
Về vấn đề này cũng có những quan điểm khác như không coi thi hành án hình sự là một giai đoạn tố tụng mà thi hành án hình sự chỉ là một quá trình thực thi các phán quyết của Toà án và đó không phải là một quá trình tố tụng hình sự; cũng có quan điểm cho rằng thi hành án hình sự mang nặng màu sắc của hành chính tư pháp vì hầu hết quá trình thi hành án này chủ yếu do các cơ quan hành chính (cơ quan Công an, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức…) thực hiện.
Sự chưa thống nhất trong nhận thức về thi hành án hình sự cũng là một trở ngại đáng kể trong việc xây dựng, củng cố, bố trí tổ chức, xác định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong công tác thi hành án và cao hơn là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về thi hành án hình sự.
4. Về thi hành án tử hình
Cần nghiên cứu và quy định phương pháp thi hành án tử hình thay cho phương pháp bắn bằng súng hiện nay. Cũng có thể quy định "mở" về phương pháp, hình thức thi hành án tử hình, tức là đa dạng về hình thức chứ không chỉ quy định cứng nhắc một hình thức; có các quy định về việc cho phép thân nhân người bị thi hành án tử hình nhận xác về mai táng; cho phép người bị thi hành án tử hình được quyền hiến một phần hoặc toàn bộ cơ thể cho y học hoặc vì nhân đạo xã hội.
Hiện nay, việc người bị kết án tử hình phải chờ đợi thi hành án quá lâu trong xà lim của trại giam vừa gây nhiều khó khăn cho trại giam, vừa gây tâm nặng nề cho người bị kết án. Nhiều trường hợp kéo dài năm bảy năm, thậm chí hàng chục năm nhưng không thi hành án. Có nhiều lý do về việc chậm trễ này mà hầu hết đều không phải do người bị thi hành án tử hình gây ra. Trong trường hợp này nên chăng, pháp luật cũng có quy định về thời hạn thi hành án tử hình, nếu quá thời hạn đó mà các cơ quan có thẩm quyền không ra quyết định thi hành án tử hình thì không thi hành án tử hình mà chuyển xuống tù chung thân. Chúng tôi nghĩ rằng
nếu Nhà nước nghiên cứu, chấp nhận đề xuất này thì sẽ có những tác dụng nhất định:
- Một là: Khi quy định thời hạn thì buộc các cơ quan có thẩm quyền phải nghiêm túc thực hiện. Nếu không thực hiện được thì phải tự chịu trách nhiệm (tương tự như thời hiệu thi hành bản án, thời hiệu chấp hành hình phạt tù…).
- Hai là: Thời hạn (thời gian) quá lâu không thi hành án tử hình cũng làm cho tính thời sự của vụ án hạn chế, tác dụng cũng hạn chế. Chẳng hạn một vụ án xét xử đã 10 năm rồi mới thi hành án tử hình thì dự luận xã hội, thậm chí những người tiến hành tố tụng cũng không còn nhớ được nội dung vụ án.
- Ba là: Xét về góc độ nhân đạo thì một người bị thi hành án tử hình, phải biệt giam trong nhiều năm, chờ ngày thi hành án quá dài, họ nuôi hy vọng được sống, dù hy vọng đó là nhỏ nhoi, mong manh, nhưng được họ trân trọng. Pháp luật có nên nhân đạo với họ không?
Ngoài ra, còn một số vướng mắc cần được hướng dẫn cụ thể như thủ tục tố tụng đối với những trường hợp người bị kết án tử hình chết trước khi thi hành án; chết trước khi nhận được quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC (đối với người bị kết án tử hình không viết đơn xin ân giảm); chết trước khi nhận được quyết định ân giảm hoặc quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước; việc thi hành án tử hình đối với trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm mà Hội đồng Thẩm phán TANDTC không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên bản án tử hình và người bị kết án tử hình không viết đơn xin ân giảm.
- Cần có văn bản hướng dẫn về thủ tục giải quyết đối với các trường hợp người bị kết án chết trước khi có quyết định thi hành án, đã có quyết định thi hành án, chết trong thời gian chấp hành hình phạt, trong thời gian hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù. Hiện nay pháp luật không quy định cơ quan nào ra quyết định giải quyết. Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại điểm 8.4 mục 8 Thông tư liên tịch số 02/2006/TTLT ngày 18/5/2006 của TANDTC, VKSNTC, BCA, BQP, BYT hướng dẫn thi hành một số quy định của pháp luật về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với người đang chấp hành hình phạt tù bị bệnh nặng thì "Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ việc chấp hành hình phạt tù vì người bị kết án đã chết". Theo chúng tôi, hướng dẫn này cũng chưa sát vì Luật không có điều nào quy định về việc này nên không thể lấy quy định của Luật về tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để hướng dẫn về đình chỉ chấp hành án phạt tù. Mặt khác, đây cũng chỉ là hướng dẫn đối với trường hợp người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù bị bệnh nặng, còn các trường hợp khác (lý do tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù khác) thì cũng chưa có hướng dẫn.
Trong thực tiễn, khi gặp phải các trường hợp người bị kết án chết trước, trong, sau khi có quyết định thi hành án, tạm đình chỉ, hoãn chấp hành hình phạt, các Toà án không ra quyết định đình chỉ chấp hành hình phạt tù mà mặc nhiên coi như đã thi hành án xong (để treo). Hiện nay, TANDTC cũng chưa có hướng dẫn hoặc ban hành mẫu về đình chỉ chấp hành án phạt tù. Đây là một trong vướng mắc trong công tác thi hành án hình sự, cần được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, đặc biệt cần phải bổ sung trong Bộ luật tố tụng hình sự quy định về đình chỉ chấp hành án phạt tù.
- Cần có hướng dẫn cụ thể trong việc xác định "Sức khoẻ đã phục hồi" để Toà án có căn cứ quyết định có ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ hay không.
- Một số vướng mắc khác về hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, chúng tôi đã nêu tại mục 3 "Ra quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù".
6. Về xoá án tích
Nhìn chung, thủ tục xoá án tích còn nhiều rườm rà. Người xin được xoá án tích hay đương nhiên được xoá án tích phải thực hiện quá nhiều thủ tục phức tạp. Mặt khác việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chế định này của pháp luật cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Không phải tất cả những người đã bị kết án hoặc thân nhân của họ đều biết về chế định này. Chính vì vậy, hàng năm mặc dù số người có đủ điều kiện để được xoá án tích là rất nhiều nhưng Toà án cấp giấy chứng nhận hoặc ra quyết định xoá án tích không đáng kể. Từ thực trạng này, chúng tôi kiến nghị:
- Các cơ quan Toà án, thi hành án dân sự cần tạo các điều kiện thuận lợi để cung cấp cho người xin xoá án tích các tài liệu liên quan.
- Giảm bớt các thủ tục giấy tờ khi cấp giấy chứng nhận hoặc quyết định xoá án tích.
- Tuyên truyền rộng rãi chế định này; Tại trụ sở các Toà án cần phải công khai các mẫu, hướng dẫn các trình tự, thủ tục, các điều kiện được xoá án tích.
- Xoá án tích là một chế định xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo XHCN, do vậy trách nhiệm trước hết thuộc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo chúng tôi, tương tự như quy định về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước, nên chăng không nên yêu cầu (quy định) người có đủ điều kiện xoá án tích phải làm đơn xin Toà án chứng nhận hoặc ra quyết định xoá án tích mà Toà án phải tự lập hồ sơ, tự xác minh và cấp giấy chứng nhận hoặc ra quyết định xoá án tích.
7. Về xét miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù
Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm
phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt thì mức được xét giảm từ 03 tháng đến 03 năm cho mỗi lần được xét giảm. Hội đồng xét miễn, giảm chấp hành hình phạt tù quyết định, căn cứ vào hồ sơ đề nghị của Ban giám thị Trại giam (Trại tạm giam) và ý kiến của Viện kiểm sát.
Để việc xét miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù chính xác, đúng đắn, công bằng và khuyến khích người phải chấp hành hình phạt tù tích cực cải tạo, tốt, khá, trung bình, yếu kém. Theo phân loại này thì chỉ xét giảm cho những người được xếp loại tốt và khá. Trong đó cũng cần quy định cụ thể như người cải tạo khá có thể được giảm từ 03 tháng đến 18 tháng; người cải tạo tốt có thể được xét giảm từ trên 18 tháng đến 36 tháng.
8. Về việc thi hành một số hình phạt như hình phạt tù nhưng cho
hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, cảnh cáo…
Tuy đã có những hướng dẫn của Chính phủ tại các Nghị định 60, 61/CP nhưng trong thực tiễn cũng còn nhiều bất cập trong việc phối hợp quản lý, giám sát, giáo dục. TANDTC cũng chưa ban hành sổ theo dõi việc chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, chính quyền địa phương cũng chưa quản lý được các đối tượng này trên địa bàn, đặc biệt khi họ thay đổi nơi cư trú, ở vùng sâu, vùng xa, thay đổi nơi làm việc, học tập… Một số mẫu về Quyết định miễn, giảm, không chấp nhận miễn, giảm hình phạt cải tạo không giam giữ cũng chưa được TANDTC ban hành.
Hình phạt cải tạo không giam giữ nếu bị khấu trừ thu nhập cũng khó có điều