Miễn chấp hành hình phạt là việc Toà án có thẩm quyền ra quyết định không buộc người đã bị kết án phải chấp hành hình phạt mà Toà án đã tuyên phạt.
- Điều kiện để người đã bị kết án được xem xét miễn chấp hành hình phạt quy định tại Điều 57 Bộ luật hình sự và Điều 268 Bộ luật tố tụng hình sự. Cụ thể là:
+ Đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, chưa chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và nếu người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Toà án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt.
Lập công lớn là trường hợp người bị kết án đã có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạmp; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc đã cứu được tài sản của nhà nước, của tập thể, của công dân trong khi có thiên tai, hoả hoạn; có những phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị hoặc có thành tích xuất sắc đột xuất khác được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp theo kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên thì người bị kết án đang bị những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị.
Người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội là người đã thực sự hoàn lương, chăm chỉ làm ăn, tích cực tham gia các hoạt động xã hội hoặc do họ mắc bệnh hiểm nghèo, không còn hoạt động được nữa.
+ Đối với người bị kết án về tội ít nghiêm trọng (là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội và mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội đó đến ba năm tù) đã được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt đã lập công và được Viện trưởng Viện kiểm sát đề nghị bằng văn bản, thì Toà án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại.
Đã lập công là trường hợp lập công lớn như nêu ở phần trên hoặc người bị kết án có thành tích xuất sắc trong cuộc sống, trong lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận.
+ Đối với người bị phạt cấm cư trú, quản chế nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn của hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của chính quyền địa
phương nơi người đó chấp hành hình phạt, Toà án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
Cải tạo tốt tức là người bị kết án đã chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, không có vi phạm pháp luật, thành thực hối cải, tích cực lao động, sản xuất, học tập, công tác và được chính quyền địa phương nơi người đó chấp hành hình phạt đề nghị bằng văn bản.
+ Đối với người phải thi hành khoản tiền phạt (hình phạt tiền) được miễn thi hành án khi có đủ các điều kiện sau:
- Khi hết thời hạn năm năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án lần đầu, người phải thi hành khoản tiền phạt trong các vụ án hình sự về ma tuý (các tội phạm về ma tuý) được miễn thi hành án khi có đủ các điều kiện:
+ Không thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thu lợi bất chính lớn;
+ Số tiền phạt còn lại từ hai mươi triệu đồng trở xuống;
+ Không có tài sản, không có thu nhập hoặc điều kiện khác để thi hành (trừ trường hợp người phải thi hành án có tài sản chung chưa được phân chia hoặc vì lý do khách quan khác nên không xử lý được để thi hành án) hoặc bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể chấp hành được số tiền phạt còn lại.
- Khi chưa hết thời hạn năm năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án lần đầu, người phải thi hành khoản tiền phạt trong các vụ án hình sự về ma tuý (các tội phạm về ma tuý) được miễn thi hành án khi có đủ các điều kiện:
+ Không thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thu lợi bất chính lớn;
+ Số tiền phạt còn lại từ hai mươi triệu đồng trở xuống;
+ Đã chấp hành được một phần hình phạt tiền, trừ trường hợp người chưa thành niên khi phạm tội;
+ Bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể chấp hành hình phạt tiền còn lại hoặc đã lập công lớn.
- Khi hết thời hạn mười năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án lần đầu, người phải thi hành khoản tiền phạt trong các vụ án hình sự về các hoạt động tội phạm không phải là tội phạm về ma tuý (các tội phạm về ma tuý) là người phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thu lợi bất chính lớn được miễn thi hành án khi có đủ các điều kiện:
+ Số tiền phạt còn lại từ hai mươi triệu đồng trở xuống;
+ Không có tài sản, thu nhập hoặc điều kiện khác để thi hành án (trừ trường hợp người phải thi hành án có tài sản chung chưa được phân chia hoặc vì lý do khách quan khác nên không xử lý được để thi hành án) hoặc đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt, nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể chấp hành được số tiền phạt còn lại.
- Khi chưa hết thời hạn mười năm kể từ ngày ra quyết định thi hành án lần đầu, người phải thi hành án khoản tiền phạt trong các vụ án hình sự về các loại tội phạm không phải là tội phạm về ma tuý (các tội phạm về ma tuý) hoặc người phải
thi hành án khoản tiền phạt trong các vụ án hình sự về ma tuý (các tội phạm về ma tuý) là người phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thu lợi bất chính lớn được miễn thi hành án khi có đủ các điều kiện:
+ Số tiền phạt còn lại từ hai mươi triệu đồng trở xuống;
+ Đã chấp hành được một phần hình phạt tiền, trừ trường hợp người chưa thành niên khi phạm tội;
+ Bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc do ốm đau gây ra mà không thể chấp hành được số tiền phạt còn lại hoặc lập công lớn.
- Người phải thi hành khoản tiền án phí nếu không có tài sản, thu nhập hoặc điều kiện khác để thi hành án (trừ trường hợp người phải thi hành án có tài sản chung chưa được phân chia hoặc vì lý do khách quan khác nên không xử lý được để thi hành án) hoặc bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể chấp hành được số tiền án phí còn lại, được miễn thi hành án khi thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Đã hết thời hạn năm năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án lần đầu đối với khoản tiền án phí không có giá ngạch;
+ Đã hết thời hạn mười năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án lần đầu đối với khoản tiền án phí có giá ngạch từ hai mươi triệu đồng trở xuống.
(Xem mục 3 phần I Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-TANDTC- VKSNTC-BTP-BCA-BTC ngày 17/6/2005 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ tư pháp, Bộ công an và Bộ tài chính "Hướng dẫn việc miễn, giảm thi hành án đối với khoản tiền phạt, án phí").
+ Đối với người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.
Thông thường đặc xá hoặc đại xá được thực hiện vào những dịp đất nước có những sự kiện lịch sử lớn như kỷ niệm quốc khánh, Tết nguyên đán… Các điều kiện, trình tự, thủ tục đặc xá hoặc đại xá được nhà nước ban hành, các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan tư pháp giúp Chủ tịch nước xem xét thông qua Hội đồng tư vấn. Không phải các hướng dẫn đặc xá, đại xá đều giống nhau mà tuỳ theo chủ trương "nới lỏng" việc đặc xá, đại xá đến đâu để Nhà nước ban hành các quy định về điều kiện được xét đặc xá, đại xá.
Hội đồng tư vấn thông thường là các cơ quan tư pháp trung ương tham gia và trên cơ sở các quy định về đặc xá, đại xá để hướng dẫn các cơ quan tư pháp địa phương tiến hành rà soát, xét, đề nghị Chủ tịch nước, thông qua Hội đồng tư vấn xét duyệt và trình Chủ tịch nước quyết định.