a. Giảm thời hạn chấp hành hình phạt là việc Toà án nhân dân cấp tỉnh căn
a.1. Giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù
Hình phạt tù được hiểu là hình phạt tù có thời hạn và tù chung thân. Hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù bao gồm:
- Bản sao bản án hoặc bản sao trích lục bản án hình sự;
- Văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án phạt tù;
- Đơn xin giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù của người bị kết án;
- Bản tường trình của người phải thi hành án về việc đã lập công hoặc đã lập công lớn có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (nếu người phải thi hành án đã lập công hoặc lập công lớn); kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về tình trạng bệnh tật của người bị kết án (nếu người phải thi hành án mắc bệnh hiểm nghèo).
- Điều kiện để được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù:
+ Có nhiều tiến bộ, cải tạo tốt. Thông thường các Trại giam (Trại tạm giam) đều đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể, xếp loại cải tạo A, B, C… và bình xét, phân loại người đang chấp hành hình phạt tù theo tháng, quý, năm. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để Ban giám thị Trại giam đánh giá mức độ tiến bộ trong cải tạo.
+ Thời gian đã chấp hành hành phạt nhất định được quy định cụ thể để xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn tù từ ba mươi năm trở xuống, mười hai năm đối với hình phạt tù chung thân.
- Hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt được gửi đến Toà án có thẩm quyền quy định tại Điều 269 BLTTHS "Toà án có thẩm quyền quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù là Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án Quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án đang chấp hành hình phạt".
Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Toà án Quân sự cấp quân khu phải phân công một Thẩm phán phụ trách việc nghiên cứu hồ sơ. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Thẩm phán phải ấn định ngày mở phiên họp xét giảm và thông báo bằng văn bản cho Viện
kiểm sát cùng cấp biết để cử kiểm sát viên tham gia phiên họp. Thời hạn mở phiên họp không vượt quá mười ngày kể từ ngày Thẩm phán ấn định ngày mở phiên họp. Trường hợp có tài liệu nào không đủ thì Thẩm phán yêu cầu cơ quan, tổ chức đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù bổ sung hoặc làm rõ thêm. Trong trường hợp này thì thời hạn mở phiên họp được tính lại là mười ngày kể từ ngày Thẩm phán nhận được văn bản, tài liệu về việc yêu cầu bổ sung, làm rõ.
- Mức giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù:
+ Người bị kết án phạt tù từ ba mươi năm trở xuống thì mỗi lần có thể được giảm từ ba tháng đến ba năm. Trường hợp được giảm ba năm phải là người bị kết án phạt tù có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, cải tạo và chấp hành nghiêm chỉnh nội quy của Trại giam (Trại tạm giam).
+ Người bị kết án có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải đảm bảo thời hạn thực tế chấp hành hình phạt tù là một phần hai mức hình phạt đã tuyên hoặc hai mươi năm đối với hình phạt tù chung thân.
+ Mỗi người bị kết án chỉ được xét giảm thời hạn tù một lần trong một năm. Trường hợp trong năm đó sau khi được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù mà có lý do đặc biệt đáng được khoan hồng như lại lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì có thể được xét giảm thêm tối đa là hai lần trong một năm.
- Giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù trong trường hợp đặc biệt
+ Người bị kết án đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù vào thời gian sớm hơn thời gian nêu ở phần trên (khoản 1 Điều 58 BLHS) hoặc được xét mức giảm thời hạn phạt tù cao hơn so với mức giảm đối với các trường hơp "không đặc biệt" nêu trên.
+ Người quá già yếu là người từ 70 tuổi trở lên, hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm.
+ Mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đã lập công (được nêu tại điểm 4 của bài viết này hoặc xin xem điểm a, tiểu mục 2.1 mục 2 và tiểu mục 2.2 mục 2 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt".
Cần chú ý: - Thời gian sớm hơn tức là người bị kết án đã chấp hành được
một phần tư mức hình phạt đã tuyên hoặc mười năm đối với tù chung thân.
- Mức giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cao hơn là bốn năm nhưng phải đảm bảo thời gian thực sự đã chấp hành hình phạt ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên hoặc mười lăm năm đối với hình phạt tù chung thân.
- Trong trường hợp đặc biệt nếu có sự đồng ý của TANDTC, VKSNDTC thì người bị kết án có thể được xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc mức cao hơn so với các trường hợp bình thường khác.
Người chưa thành niên bị phạt tù, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì được xét giảm ngay không phụ thuộc vào thời hạn đã chấp hành hình phạt được một phần tư mức hình phạt đã tuyên hay chưa.
Người chưa thành niên bị phạt tù, nhưng chưa chấp hành được hai phần năm mức hình phạt đã tuyên, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà sau khi được xét giảm, thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại không quá một năm thì được miễn chấp hành hình phạt tù còn lại.
Trong trường hợp đặc biệt khi có sự đồng ý của TANDTC, VKSNDTC, thì mức miễn chấp hành hình phạt tù còn lại có thể cao hơn một năm.
Các quy định trên đây về giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người chưa thành niên tại thời điểm phạm tội chứ không phải là thời điểm mà họ đang hoặc chưa chấp hành hình phạt.
- Phiên họp: Phiên họp của Hội đồng bao gồm ba Thẩm phán và có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Phiên họp này có thể tổ chức tại trụ sở Toà án hoặc tại Trại giam (Trại tạm giam) nơi người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù.
- Việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù được tiến hành như sau: + Một thành viên của Hội đồng (thông thường là Thẩm phán được phân công phụ trách nghiên cứu hồ sơ) trình bày hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho người bị kết án;
+ Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến; + Hội đồng thảo luận và quyết định.
Quyền hạn của Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù: + Chấp nhận toàn bộ đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù; + Chấp nhận một phần đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù; + Không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù.
- Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù phải ra quyết định về việc chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận đề nghị giảm
thời hạn chấp hành hình phạt tù. Trong quyết định đó phải nêu rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; tên Toà án ra quyết định; thành phần Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù; đại diện Viện kiểm sát (Kiểm sát viên); các căn cứ đã chấp nhận đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, nếu không chấp nhận đề nghị thì phải nêu rõ lý do.
Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC tại điểm 11 mục IV không hướng dẫn về việc phải có số của quyết định, nhưng theo chúng tôi đó là một thiếu sót bởi vì bất cứ quyết định nào, văn bản nào của cơ quan nhà nước khi ban hành đều không thể không có số của của nó. Trong thực tiễn, khi ra quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, các Tòa án có thẩm quyền đều áp dụng mẫu của TANDTC, phải có số của quyết định này và điều đó đúng với quy định của pháp luật hiện hành.
Về việc gửi quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù
- Quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù của Toà án phải sao gửi cho Trại giam (Trại tạm giam) nơi người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù (là cơ quan đề nghị); Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp; người được đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù; cơ quan thi hành án.
- Quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù của Toà án có thẩm quyền có thể bị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 7 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên là 15 ngày (mười lăm ngày), kể từ ngày Toà án ra quyết định.
Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Bộ luật tố tụng hình sự cũng không có hướng dẫn, quy định về thời hạn giao quyết định là bao nhiêu ngày. Theo quy định tại Điều 182 BLTTHS "giao
các quyết định của Toà án" trong điểm 3 cũng chỉ là "phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp". Như vậy, nếu Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên là mười lăm ngày kể từ ngày Toà án ra quyết định thì Viện kiểm sát cấp trên có thể sẽ không thực hiện được quyền kháng nghị khi nhận được quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù quá muộn. Riêng đối với Viện kiểm sát cùng cấp thì thời hạn bảy ngày kể từ ngày Toà án ra quyết định là hợp lý vì Viện kiểm sát cùng cấp đã trực tiếp tham dự phiên họp xét đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù.
- Việc phúc thẩm quyết định của Toà án về giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù (do có kháng nghị của Viện kiểm sát) được thực hiện theo quy định tại Điều 253 Bộ luật tố tụng hình sự.
Chú ý: Các mẫu "Quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù", "Quyết định không chấp nhận giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù" đã được Toà án nhân dân tối cao ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.