Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được Đảng và Nhà nước ta coi trọng và có nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện. Vì vậy, diện mạo nông thôn miền núi ở nước ta đã có nhiều đổi thay, nhất là những năm gần đây.
Mặc dù đã có sự thay đổi tích cự về đời sống của đồng bào, tuy nhiên hiện nay bà con vẫn còn nhiều khó khăn do điều kiện địa hình, thời tiết, trình độ, nhận thức…Trong bối cảnh đất nước có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội, hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế thì đồng bào nhiều nơi vẫn còn lo toan với đói rét, bệnh tật. Tỷ lệ đói nghèo ở vùng đồng bào vẫn ở mức cao và khoảng cách ngày càng xa hơn so với các khu vực khác.
Bên cạnh những khó khăn về đời sống, vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại là địa bàn mà các thế lực thù địch thường núp dưới nhiều hình thức để gây chia rẽ mối đại đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo. Mục tiêu của bọn chúng là gây mất ổn định từ những
vùng còn khó khăn, nơi đồng bào còn hạn chế về nhận thức và tiếp cận thông tin chính thống về mọi mặt của đời sống xã hội.
Nhận thức tầm quan trọng của công tác dân tộc trong tình hình mới, Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX nêu rõ: "Vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam.
Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam."