3.12.Hoãn thực hiện hợp đồng:
3.13.1. Hủy bỏ đình chỉ hợp đồng sau khi hết thời hạn thực hiện
Theo Điều 425 và 426 BLDS 2005, “một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định” ; “một bên có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện đình chỉ mà các bên đã thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Vậy, theo Bộ luật dân sự, khi hợp đồng không được thực hiện, bên không được thực hiện có quyền hủy bỏ, đình chỉ hợp đồng nếu điều đó đã được thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Trong thực tế rất nhiều hợp đồng không có điều khoản cho phép một bên hủy bỏ hay đình chỉ hợp đồng khi bên kia có vi phạm.
Khi hợp đồng không được thực hiện, Điều 425 và 426 BLDS 2005, phần chung về hợp đồng, cho phép một bên hủy bỏ hay đình chỉ hợp đồng, song với điều kiện là việc đó “pháp luật có quy định”. Trong phần chung về hợp đồng, chúng ta không thấy một điều khoản nào quy định việc hủy bỏ hay đình chỉ hợp đồng khi không được thực hiện. Chỉ trong các điều khoản cụ thể về một số hợp đồng thông dụng (tức là phần chuyên biệt về một số hợp đồng cụ thể) chúng ta mới thấy các quy định này. Ví dụ, theo Điều 553, khoản 3 về hợp đồng gia công, “trong trường hợp sản phẩm không đảm bảo chất lượng mà bên đặt gia công đồng ý nhận sản phẩm, nhưng yêu cầu sửa chữa mà bên nhận gia công không thể sửa chữa được trong thời hạn đã thỏa thuận, thì bên đặt gia công có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Tương tự, theo Điều 722 về hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, “khi bên thuê chậm trả tiền thuê quyền sử dụng đất theo thỏa thuận, thì bên cho thuê có thể gia hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên thuê không thực hiện nghĩa vụ, thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, yêu cầu bên thuê hoàn trả đất”.
Cách điều chỉnh trên của Bộ luật dân sự về vấn đề hủy bỏ, đình chỉ hợp đồng do không được thực hiện biểu lộ một số bất cập.
Thứ nhất, trong phần chuyên biệt về một số hợp đồng thông dụng, Bộ luật dân sự có quy định những trường hợp được phép hủy bỏ, đình chỉ hợp đồng do không được thực
hiện. Song, những quy phạm này không đầy đủ, một số vi phạm có thể dẫn đến hủy hay đình chỉ hợp đồng không được quy định. Và, ở đây, chúng ta không thể cho phép hủy bỏ, đình chỉ hợp đồng vì, đối với những vi phạm hợp đồng này, việc hủy bỏ, đình chỉ không có quy định của pháp luật.
Thứ hai, Bộ luật chỉ có những quy định cho phép hủy bỏ, đình chỉ đối với những hợp đồng dân sự thông dụng. Vậy, đối với hợp đồng dân sự không thông dụng, chúng ta cũng không có quy phạm cụ thể cho phép hủy bỏ, đình chỉ hợp đồng khi bị vi phạm, và do đó chúng ta không thể hủy, đình chỉ những hợp đồng này vì, theo Điều 425 và 426 Bộ luật dân sự nêu trên, một bên chỉ được hủy bỏ hay đình chỉ hợp đồng do bị vi phạm khi việc đó “pháp luật có quy định”.
Chúng ta thấy cách điều chỉnh như trên của Bộ luật dân sự tạo ra “lỗ hổng hay điểm
trống pháp lý”: đối với một số trường hợp vi phạm hợp đồng, chúng ta không có quy định
cho phép bên bị vi phạm quyền hủy bỏ hay đình chỉ hợp đồng.
Ví dụ :
Ngày 1 tháng 4 năm 2010, bà H. làm giấy sang nhượng nhà và đất cho ông C. với giá 2 tỷ đồng. Cùng ngày, bà H. làm giấy ủy quyền giao nhà và đất trên cho ông C. Căn cứ vào giấy ủy quyền và theo lời khai của bà U. và bà H. thì bà H. bán nhà và đất nói trên với điều kiện là bà H. ở lại nhà cho đến chết và ông C. phải chăm sóc bà H. Song, ông C. không thực hiện nghĩa vụ đã cam kết vì, 2 năm sau, vợ chồng ông C. đã tự bán lại căn nhà trên cho ông S. và ông S. bán lại cho vợ chồng ông N. Trước sự vi phạm trên, bà H. yêu cầu được hủy hợp đồng. Nhưng, trên cơ sở Điều khoản nào của Bộ luật dân sự chúng ta cho phép hủy hợp đồng ? Phần điều chỉnh hợp đồng thông dụng không có quy phạm cụ thể nào quy định rằng, đối với hợp đồng mua bán nhà và đất trên, bên bán có quyền hủy hợp đồng bán nhà và đất khi người mua không thực hiện nghĩa vụ cho người bán ở lại nhà đến chết.
Ví dụ trên cho thấy cách điều chỉnh của Bộ luật dân sự về việc hủy bỏ, đình chỉ hợp đồng do không được thực hiện có nhiều bất cập. Nhân dịp sửa đổi, bổ sung Bộ luật, thiết nghĩ chúng ta nên sửa đổi, bổ sung vấn đề này.
Trong pháp luật nhiều nước trên thế giới, bên cạnh phần điều chỉnh hợp đồng thông dụng (phần riêng về hợp đồng) cho phép hủy bỏ hay đình chỉ hợp đồng, phần chung về hợp đồng còn chứa đựng những Điều khoản quy định một cách bao quát những trường hợp được hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng khi không được thực hiện. Cách điều chỉnh này sẽ cho phép hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng khi các quy phạm điều chỉnh hợp đồng thông dụng không đầy đủ hoặc khi hợp đồng bị vi phạm không phải là hợp đồng thông dụng mà phần riêng có đề cập.
Ví dụ, theo Điều 1644 Bộ luật dân sự Pháp (phần về hợp đồng mua bán), khi tài sản bán có khuyết tật nghiêm trọng thì bên mua có quyền trả lại vật và đòi lại tiền. Vậy, theo phần chuyên biệt về hợp đồng thông dụng của Bộ luật dân sự Pháp, hợp đồng mua bán có thể bị hủy khi tài sản bán có lỗi nghiêm trọng. Tương tự, theo Điều 1722 Bộ luật dân sự Pháp (phần về hợp đồng thuê tài sản), hợp đồng cho thuê bị chấm dứt khi tài sản cho thuê bị mất, bị hỏng do sự cố bất khả kháng hay do lỗi của một bên. Bên cạnh các quy phạm cho phép hủy hay chấm dứt hợp đồng trong phần hợp đồng thông dụng trên, chúng ta còn thấy phần chung của luật hợp đồng Pháp cho phép (Điều 1184 Bộ luật dân sự) hủy hay chấm dứt hợp đồng khi một bên có vi phạm, nhất là khi lợi ích hợp pháp hay phần lớn lợi ích hợp pháp mà bên bị vi phạm mong đợi khi giao kết không thể đạt được.
Ví dụ tương tự có thể thấy được trong Luật hợp đồng năm 1999 của Trung Quốc. Luật năm 1999 này gồm hai phần, phần chung về hợp đồng và phần riêng về một số hợp đồng thông dụng. Điều 94 (phần chung) cho phép một bên hủy bỏ, đình chỉ hợp đồng khi hợp đồng không thể thực hiện được do hiện tượng bất khả kháng; do một bên không thực hiện nghĩa vụ chủ yếu mặc dù bên kia đã cho thêm một thời hạn để thực hiện; do chậm thực hiện hợp đồng hay vi phạm khác làm cho mục đích của hợp đồng không thể thực hiện được. Bên cạnh Điều 94 (phần chung) trên, chúng ta còn thấy một số Điều khoản trong phần riêng về hợp đồng thông dụng quy định những trường hợp mà một bên có thể hủy bỏ, đình chỉ hợp đồng. Ví dụ theo Điều 227, nếu bên thuê không trả tiền thuê hoặc chậm trả tiền thuê không có lý do, bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê thực hiện nghĩa vụ thanh
toán trong một khoảng thời gian hợp lý. Sau thời hạn này, bên thuê có quyền chấm dứt hợp đồng.
Chúng ta cũng nên theo cách điều chỉnh trên của Pháp và Trung Quốc. Cụ thể là, bên cạnh việc phần riêng về một số hợp đồng thông dụng quy định những trường hợp một bên có quyền hủy, đình chỉ hợp đồng, phần chung về hợp đồng của Bộ luật dân sự nên ghi nhận một cách bao quát các trường hợp mà hợp đồng không được thực hiện có thể bị hủy bỏ, đình chỉ.
Như đã đề cập trong phần mở đầu, các bên xác lập hợp đồng là để đạt được lợi ích hợp pháp mà họ mong muốn. Nói một cách khác, hợp đồng được thiết lập không để bị hủy bỏ hay đình chỉ thực hiện mà là để mang lại cho các bên lợi ích hợp pháp mong đợi khi giao kết. Vậy, chúng ta cần hạn chế tối đa việc cho phép hủy bỏ hay đình chỉ hợp đồng. Song, chúng ta cũng không nên để cho một bên bị rằng buộc bởi một hợp đồng mà họ không đạt được lợi ích hợp pháp mong đợi do sự vi phạm của bên kia. Vậy, tùy vào mức độ vi phạm mà chúng ta cho phép hay không hủy bỏ, đình chỉ hợp đồng. Chúng ta chỉ nên cho phép hủy, đình chỉ hợp đồng khi vi phạm là nghiêm trọng. Đối với vi phạm hợp đồng không nghiêm trọng, chúng ta không nên cho phép hủy bỏ hay đình chỉ hợp đồng; và ở đây, việc cho phép bên bị vi phạm đòi bồi thường thiệt hại là đủ.
Đối với Bộ luật dân sự, chúng ta có thể quy định thêm trong Điều 425 và 426 như sau:
Một bên có quyền hủy bỏ (hay đơn phương đình chỉ) hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng hợp đồng.
Đề cập thêm đến một số quy phạm trong phần hợp đồng thông dụng của Bộ luật dân sự. Ở đây, chúng ta thấy một số quy phạm biểu hiện hạn chế vì chúng cho phép hủy, đình chỉ hợp đồng một cách quá máy móc. Ví dụ :
Theo điểm c khoản 2 Điều 435 về hợp đồng mua bán tài sản, “trong trường hợp bên bán giao ít hơn số lượng đã thỏa thuận, thì bên mua có một trong các quyền sau đây: Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Việc cho phép hủy hợp đồng mỗi khi bên bán giao ít hơn số lượng đã thỏa thuận như Điều 435 là không nên. Ví dụ, theo hợp đồng,
A phải giao cho B 1000 chiếc ghế vào ngày 30 tháng 06. Nhưng khi giao hàng A chỉ có 999 chiếc ghế. Vậy, A đã giao ít hơn số lượng đã thỏa thuận 01 ghế. Áp dụng Điều 428, chúng ta sẽ cho phép B hủy hợp đồng trong khi đó việc vi phạm trên không làm ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích mà bên B mong đợi khi xác lập hợp đồng.
Vậy, chúng ta nên rà soát lại các quy phạm trong phần hợp đồng thông dụng của Bộ luật dân sự liên quan đến hủy, đình chỉ hợp đồng. Đối với những quy phạm như Điều 435 về hợp đồng mua bán tài sản chúng ta nên viết lại hay bỏ đi. Trong trường hợp bỏ đi, vấn đề hủy, đình chỉ hợp đồng vì không được thực hiện sẽ do những quy phạm trong phần chung về hợp đồng điều chỉnh.