3. Kiến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước
3.1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu
Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động đấu thầu chịu sự quản lý trực tiếp theo quy định của Luật đấu thầu. Mặc dù đã qua nhiều lần sửa đổi bổ sung nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều quy định khi áp dụng vào thực tế chưa rõ ràng thậm chí mập mờ, trở thành kẽ hở để bên mời thầu cũng như nhà thầu lợi dụng. Một số quy định khác thì thực hiện lại thiếu tính thực tế gây khó khăn cho người thực hiện.
Thứ nhất. Quy định giá sàn trong đấu thầu, tác dụng của giá sàn thì không ai phủ nhận, nhưng thực tế hoạt động đấu thầu tại Việt Nam lại cho thấy, tình trạng giá trúng thầu thấp có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng công trình vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Đấu thầu là tạo ra sự cạnh tranh và tìm ra nhà thầu có năng lực về tài chính, có kinh nghiệm chuyên môn và có giá cả hợp lý, chứ không phải giá cả thấp nhất.
Nếu một phần hạng mục công trình theo dự toán phải trên dưới 2 triệu đồng mà anh chỉ bỏ thầu có 1 triệu thì liệu chất lượng có bảo đảm được không? Vì vậy, trong Luật đấu thầu nên quy định, trong trường hợp phát hiện bỏ thầu quá thấp thì loại luôn nhà thầu đó.
Trong dự thảo Luật có quy định: chỉ những dự án có từ 30% vốn nhà nước trở lên mới tổ chức đấu thầu. Quy định như trên là không thỏa đáng, bởi ngày càng có nhiều doanh nghiệp có dự án lớn với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Nếu một dự án có tổng vốn đầu tư tới 100 tỷ đồng, thậm chí 500 tỷ đồng hoặc hơn nhưng vốn nhà nước chỉ chiếm... 29,9% thì theo dự thảo vẫn được chỉ định thầu. Ngược lại, một dự án chỉ có tổng vốn khoảng 3 tỷ đồng, nhưng vốn nhà nước chiếm trên 30%, thì tổ chức đấu thầu. Rõ ràng là mâu thuẫn. Nếu làm như vậy, “sẽ là thả con cá to, để bắt con cá nhỏ”.
Hiện nay nhiều dự án ODA có tỷ lệ vốn sở hữu giữa 2 bên là 15/85. Trong đó, nguồn vốn đối ứng của phía Việt Nam là 15%. Nếu theo dự luật thì các dự án như vậy sẽ không đấu thầu, dễ dẫn đến việc bị lợi dụng.
Để có cách quản lý hiệu quả hơn, chúng ta nên quy định tỷ lệ vốn nhà nước theo mức lũy tiến như sau: từ 10% trở lên với các dự án có vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng; từ 15% trở lên với các dự án có vốn đầu tư trên 100 - 1.000 tỷ đồng; từ 20% trở lên với các dự án có vốn đầu tư từ 10 - 100 tỷ đồng và từ 30% trở lên với các dự án có vốn đầu tư dưới 10 tỷ đồng.
Thứ hai. Một trong những hành vi bị cấm trong đấu thầu là nêu yêu cầu về thương hiệu và nguồn gốc hàng hóa trong hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp... Tuy nhiên, nếu không nêu yêu cầu chung về xuất xứ nguồn gốc, kèm theo chất lượng thì không bảo đảm chất lượng công trình. Chẳng hạn, trong gói thầu của Nhà máy lọc dầu vừa ký, hồ sơ mời thầu phải nêu cụ thể hàng hóa là từ các nước G7 (không nêu cụ thể là nước nào), bởi tiêu chuẩn G7 mới bảo đảm tiêu chuẩn thiết bị chạy tốt. Nếu chống móc ngoặc bằng việc quy định không nêu cụ thể thì khó đạt yêu cầu về chất lượng.
Đồng thời rất khó xác định giá để đấu thầu. Thực tế, mỗi nhãn hiệu hàng hóa đều có giá thành khác nhau. Nếu không quy định hàng hóa, nhà thầu có thể sẽ dùng sản phẩm cùng tiêu chuẩn, nhưng có giá thành rẻ hơn, chất lượng kém hơn để thực hiện hợp đồng. Nếu chúng ta lo ngại khi cho phép nêu thương hiệu trong hồ sơ mời thầu sẽ dẫn đến tình trạng móc ngoặc thì cần thiết có điều khoản cấm chủ thầu thông đồng với nơi cung cấp sản phẩm. Như vậy sẽ hợp lý và khả thi hơn là quy định cấm nêu thương hiệu trong hồ sơ mời thầu”.
Nếu cấm không nêu yêu cầu về thương hiệu và nguồn gốc hàng hóa, thì cần nêu rõ yêu cầu về chất lượng của hàng hóa hoặc vật tư đó. Làm như vậy sẽ vừa bảo đảm chất lượng hàng hóa, vừa không hướng đấu thầu vào mục tiêu, nguồn gốc cụ thể để tránh móc ngoặc.
Thứ ba.Trách nhiệm của chủ dự án, bên mời thầu, nhà thầu và cả công chức nhà nước chưa được quy định rõ trong công tác chuẩn bị đấu thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu cũng như hoàn thiện hợp đồng. Tính công khai minh bạch chưa được thể hiện rõ trong những quy định về hệ thống thông tin đấu thầu. Mức xử phạt các hành vi vi phạm còn chưa rõ ràng và đủ sức thuyết phục. Chưa chỉ rõ sự bình đẳng giữa các nhà thầu nhà nước và nhà thầu tư nhân
khiến cho việc tham gia của các nhà thầu tư nhân vào gói thầu thường khá khó khăn.
Thứ tư. Sự thiếu thống nhất giữa các văn bản pháp lý về đấu thầu với những văn bản khác có liên quan cũng là một trở ngại. Nguyên nhân là do hệ thống văn bản của nước ta xây dựng sau thời kì cải cách có quá nhiều. Trong đấu thầu, Luật đấu thầu quản lý trực tiếp hoạt động đấu thầu, còn có các văn bản cũng quy định về luật đấu thầu như quy chế quản lý đầu tư xây dựng. Những người có trách nhiệm làm luật thường mang tính cục bộ, không thống nhất với nhau dẫn đến sự chồng chéo ở nhiều văn bản pháp luật. Đây là vấn đề chung của hệ thống pháp luật Việt Nam và là một vấn đề nan giải, đòi hỏi thời gian và thực tiễn để khắc phục.
Để khắc phục thiếu xót trên cần nhanh chóng hoàn thiện và ban hành pháp lệnh đấu thầu để đi vào thực hiện nhằm nâng cao tính pháp lý của hệ thống văn bản pháp luật về đấu thầu. Quá trình này tuỳ thuộc vào cơ quan nhà nước có thẩm quyền soạn thảo có nắm bắt được những bất cập để sửa đổi những nội dung chưa phù hợp hay không. Những văn bản mới ban hành cần thay thế hoàn toàn cho những văn bản cũ để tránh tình trạng làm theo những quy định cũ đã không còn hiệu lực. Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu của nhà nước đã ban hành, các bộ ngành địa phương tuỳ theo tình hình cụ thể cần ra các văn bản hướng dẫn thực hiện cho phù hợp (Chẳng hạn như quy định về cơ quan được uỷ quyền phê duyệt về hồ sơ mời thầu thay cho người có thẩm quyền, quy trình thực hiện đấu thầu, báo cáo giá, mẫu, biểu…)
3.2.Tăng cường hướng dẫn thực hiện luật đấu thầu
Bộ kế hoạch đầu tư cần tổ chức những lớp tập huấn về nghiệp vụ, các cuộc hội thảo trên các địa bàn trọng điểm để phổ biến các quy định mới của nhà nước về đấu thầu. Ngoài ra bộ kế hoạch đầu tư cũng phải phối hợp với
các tổ chức, cơ quan chuyên môn để mở nhiều lớp tập huấn về đấu thầu theo yêu cầu của bộ ngành, địa phương, cơ sở. Các bộ ngành địa phương cần chủ động tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ về đấu thầu cho các đơn vị thuộc quyền quản lý