Nội dung của thế chấp

Một phần của tài liệu thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong hợp đồng vay tài sản (Trang 28 - 32)

*Nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản

Theo qui định Điều 348 Bộ Luật Dân Sự 2005 bên thế chấp khi thế chấp tài sản có những nghĩa vụ sau:

Bảo quản và giữ gìn tài sản thế chấp. Biện pháp thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ về bản chất không có sự chuyển giao tài sản thế chấp, tài sản thế chấp vẫn do bên thế chấp giữ. Bên thế chấp phải có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp trong điều kiện tốt nhất. Bảo đảm cho tài sản thế chấp giữ nguyên được tình trạng ban đầu từ khi thế chấp đến khi xử lý tài sản hoặc nghĩa vụ trả nợ được hoàn thành.

Trong trường hợp nếu bên thế chấp khai thác tài sản thế chấp mà việc khai thác có thể dẫn đến nguy cơ tài sản thế chấp bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị, thì bên thế chấp phải có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, hạn chế nguy cơ tổn hại đến tài sản thế chấp, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.

Đối với trường hợp thế chấp tài sản mà tài sản đó đang được dùng để cho thuê, cho mượn thì bên thế chấp phải có nghĩa vụ thông báo cho bên nhận thế chấp về tài sản đó đang được cho thuê, cho mượn, về quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp.

Nếu tài sản thế chấp được thế chấp để bảo đảm nhiều nghĩa vụ thì bên nhận thế chấp phải có nghĩa vụ thông báo cho những người nhận thế chấp sau biết về việc tài sản đó đã được thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.

Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Tuy nhiên, bên thế chấp không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, qui định này không áp dụng với tài sản là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh hoặc tài sản khác mà bên nhận thế chấp đồng ý. Nếu bên thế chấp được phép bán tài sản thế chấp thì nghĩa vụ được bảo đảm sẽ trở thành nghĩa vụ không được bảo đảm, vì tài sản lúc này không thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp nữa, quyền sở hữu tài sản được chuyển giao cho người thứ ba. Qui định này nhằm bảo đảm quyền của bên nhận thế chấp.

* Quyền của bên thế chấp (Điều 349 Bộ Luật Dân Sự 2005).

Bên thế chấp tài sản được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng thuộc tài sản thế chấp theo thoả thuận. Tuy nhiên, việc khai thác công dụng tài sản của bên thế chấp phải bảo đảm tài sản thế chấp không bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.

Bên thế chấp tài sản không chỉ có quyền được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp mà còn có quyền đầu tư vào tài sản thế chấp để làm tăng giá trị tài sản. Điều 27 NĐ 163/2006/NĐ-CP quy định “bên nhận thế chấp không được hạn chế bên thế chấp đầu tư hoặc người thứ ba đầu tư vào tài sản thế chấp để làm tăng giá trị tài sản đó”.

Nếu tài sản thế chấp là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh, bên thế chấp có quyền được bán, thay thế tài sản đó. Đây là qui định mới của Bộ Luật Dân Sự 2005, để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh bên thế chấp được phép bán tài sản thế chấp là hàng hoá luân chuyển nhằm bảo toàn giá trị tài sản đó. Qui định này không hạn chế và ảnh hưởng tới quyền lợi của bên nhận thế chấp vì pháp luật có qui định “Số tiền thu được hoặc tài sản hình thành từ số tiền thu được trở thành tài sản thế chấp thay thế cho số tài sản đã bán”

(Điều 349 BLDS 2005)

Trong trường hợp bên nhận thế chấp đồng ý, bên thế chấp được quyền bán, trao đổi, tặng cho những tài sản không phải là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nếu không có sự đồng ý của bên thế chấp, mà

bên nhận thế chấp vẫn cố tình bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp đó thì hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp sẽ vô hiệu.

Bên thế chấp có quyền được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp. Việc cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp không làm chấm dứt quyền sở hữu của bên thế chấp và để bảo đảm quyền lợi của bên nhận thế chấp cũng như người thứ ba, bên thế chấp phải thông báo cho người thứ ba biết về tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và thông báo cho bên nhận thế chấp biết về việc cho thuê, mượn tài sản đó.

Trong trường hợp tài sản thế chấp được giao cho người thứ ba giữ thì bên thế chấp được nhận lại tài sản thế chấp đó từ người thứ ba và quyền này được đặt ra khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

* Nghĩa vụ của bên nhận thế chấp tài sản. (Điều 350 Bộ Luật Dân Sự

2005)

Về bản chất biện pháp thế chấp không có sự chuyển giao tài sản, bên nhận thế chấp không trực tiếp quản lý tài sản thế chấp mà chỉ nắm giữ giấy tờ sở hữu tài sản đó. Việc các bên thoả thuận giao giấy tờ về tài sản cho bên nhận thế chấp giữ nhằm bảo đảm quyền lợi của bên có quyền, hạn chế việc bên thế chấp tự ý chuyển quyền sở hữu tài sản cho người khác, qua đó bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ được thực hiện. Khi bên thế chấp hoàn trả đầy đủ các khoản vay được bảo đảm thì hợp đồng thế chấp sẽ chấm dứt hiệu lực. Bên nhận thế chấp không phải là bên có quyền đối với bên thế chấp nữa. Do đó, không có quyền chi phối đối với tài sản thế chấp và phải có nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ các giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp mà bên thế chấp đã chuyển giao.

Bên nhận thế chấp phải có nghĩa vụ yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm xoá đăng ký khi nghĩa vụ được bảo đảm chấm dứt, tài sản thế chấp bị xử lý, biện pháp thế chấp bị huỷ bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

Trong trường hợp bên thế chấp cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp và đã thông báo cho bên thuê, bên mượn về tài sản dùng để thế chấp, thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thuê, bên mượn tài sản thế chấp phải chấm dứt việc sử dụng tài sản nếu như việc sử dụng đó làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị tài sản.

Bên nhận thế chấp có quyền xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp nhưng không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc sử dụng, khai thác công dụng tài sản thế chấp.

Trong trường hợp tài sản thế chấp có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị do việc khai thác và sử dụng, bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản.

Khi có sự vi phạm nghĩa vụ bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu xử lý tài sản thế chấp, yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao lại tài sản đó để xử lý. Bên nhận thế chấp sẽ hưởng quyền ưu tiên thanh toán từ số tiền thu được do xử lý tài sản thế chấp so với các chủ nợ không có bảo đảm khác.

*Quyền và nghĩa vụ của người thứ ba giữ tài sản thế chấp (Điều 352,

Điều 353 Bộ Luật Dân Sự 2005)

Trong trường hợp bên thế chấp và bên nhận thế chấp không có điều kiện quản lý tài sản thế chấp. Các bên có thể thoả thuận giao tài sản thế chấp đó cho người thứ ba giữ. Pháp luật dân sự có qui định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

Người thứ ba có nghĩa vụ phải bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp. Trong thời gian giữ tài sản thế chấp nếu tài sản thế chấp bị mất, bị giảm sút giá trị hoặc mất giá trị mà nguyên nhân là do lỗi của người thứ ba, thì người thứ ba phải có trách nhiệm bồi thường.

Trường hợp các bên có thoả thuận thì trong thời gian quản lý tài sản thế chấp người thứ ba sẽ được quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi tức từ tài sản thế chấp. Tuy nhiên, nếu như việc khai thác, sử dụng tài sản thế chấp của

người thứ ba có thể dẫn đến làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị tài sản thế chấp thì các bên trong hợp đồng thế chấp có quyền yêu cầu người thứ ba không được tiếp tục khai thác tài sản nữa.

Người thứ ba giữ tài sản thế chấp có quyền được hưởng thù lao và các chi phí bảo quản, giữ gìn tài sản mà mình đã bỏ ra trong quá trình giữ tài sản. Khi nghĩa vụ được bảo đảm hoàn thành hoặc khi bên thế chấp vi phạm nghĩa vụ trả nợ thì người thứ ba giữ tài sản thế chấp có nghĩa vụ phải giao lại tài sản thế chấp cho bên thế chấp hoặc bên nhận thế chấp để xử lý. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong hợp đồng vay tài sản (Trang 28 - 32)