I. KIẾN NGHỊ Ở TẦM VI MÔ
2. Nâng cao vai trò của bộ phận chuyên trách về thương hiệu cho Công ty
Hiện nay, ở Việt Nam, số doanh nghiệp có xây dựng cho mình một bộ phận chuyên trách về marketing và thương hiệu là rất hạn chế. Theo thống kê của dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp về năng lực xây dựng – quảng bá thương hiệu” chỉ có khoảng hơn 18% số doanh nghiệp điều tra có thành lập riêng cho mình bộ phận này, số doanh nghiệp còn lại không có bộ phận chuyên trách về marketing và thương hiệu. Bộ phận marketing thường nằm trong phòng kinh doanh hoặc kế hoạch thị trường. Và có tới gần 80% các doanh nghiệp đều không bố trí nhân sự hay nói cách khác là không có chức danh quản lý thương hiệu. Nếu có thì hầu hết các chức danh là do tự đào tạo hay đào tạo trong nước. Chỉ khoảng 5% các chức danh này được đào tạo ở nước ngoài. Bên cạnh vấn đề
đào tạo thì chế độ tiền lương và đãi ngộ là chưa cao cho những người quản lý thương hiệu, chưa tạo được động lực thúc đẩy họ làm việc.
Công ty vận tải hành khách cũng nằm trong số các doanh nghiệp chưa có bộ phận chuyên trách về marketing và thương hiệu, Công ty còn hoạt động mang nặng về tính chất doanh nghiệp Nhà nước, chưa thật sự chú ý đến vấn đề phát triển thương hiệu. công việc marketing cũng do các bộ phận khác kiêm nhiệm, do đó hoạt động phát triển thương hiệu của Công ty còn hạn chế. Hiện nay, Công ty cũng đã có chính sách cử cán bộ đi học về thương hiệu, nhưng nhìn chung biện pháp này vẫn chưa thực sự được đẩy mạnh, chính vì vậy việc xây dựng và phát triển thương hiệu của Công ty vẫn còn dậm chân tại chỗ, chưa hoàn thiện. Để khắc phục tình trạng này, Công ty cần lập riêng cho mình một phòng marketing và thương hiệu. Phòng này có nhiệm vụ chính là hoạch định chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu; hoạch định chiến lược marketing cho Công ty; quản lý, kiểm tra phát hiện những hiện tượng lạm dụng thương hiệu của Công ty… Đặc biệt có thể thiết kế thương hiệu, tạo được tính cách thương hiệu riêng của Công ty. Công ty có thể tuyển chọn những cán bộ xuất sắc và có kinh nghiệm về marketing từ các phòng ban khác rồi tiến hành đầu tư, đào tạo lại cho đúng với nhiệm vụ mới được giao. Ngoài ra, Công ty nên tuyển dụng thêm những nhân viên mới có trình độ về lĩnh vực marketing và thương hiệu. Khi đã thành lập được bộ phận riêng về lĩnh vực này, Công ty phải thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo trong nước hoặc cử người đi học ở nước ngoài vì tình hình thực tế luôn thay đổi, nó đòi hỏi người quản lý tốt và để học hỏi thêm kinh nghiệm của các nước tiên tiến. Ở Công ty vận tải hành khách, việc thực hiện vấn đề này cần được tiến hành dần dần, từng bước. Trước tiên nên cử cán bộ đương nhiệm đi học về thương hiệu trước rồi có thể thành lập ra bộ phận chuyên trách về marketing và thương hiệu sau.
Chế độ tiền lương, đãi ngộ đối với những cán bộ chuyên về marketing và thương hiệu cũng hết sức quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến động lực làm việc của nhân viên. Công ty cần cân nhắc kỹ tình hình tài chính và khả năng của mình cũng như xem xét trách nhiệm, áp lực và năng lực của các cán bộ làm công tác marketing và thương hiệu, để từ đó có quyết định đúng đắn, hợp lý trong việc thu hút nhân tài phục vụ cho Công ty. Ngoài ra, cũng cần có thưởng phạt rõ ràng đối với những cán bộ này, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp và thuận tiện để họ phát huy hết khả năng của mình.
Tóm lại, để có thể xây dựng được một thương hiệu mạnh cho riêng mình thì việc nâng cao vai trò của bộ phận chuyên về marketing và thương hiệu là một tất yếu. Có như vậy, Công ty sẽ chủ động hơn trong việc xây dựng và quản lý thương hiệu.
3. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Công ty Cổ phần Vận tải Hành khách số 14
Vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của Công ty là hết sức quan trọng. Trước đây ở nước ta vấn đề này chưa thực sự được chú trọng nên dễ xảy ra tình trạng tranh chấp về thương hiệu, ăn cắp thương hiệu. Các doanh nghiệp Việt Nam đang ở hai thái cực: một là quá xem nhẹ việc bảo vệ thương hiệu; hai là cho rằng chi phí đăng ký hay tranh chấp thương hiệu quá tốn kém, có thể không cần thiết đăng ký. Thực ra, việc đăng ký thương hiệu như vậy đã bị hiểu sai bản chất, có thể trong ngắn hạn, việc đăng ký thương hiệu là không cần thiết do chi phí tốn kém nhưng trong dài hạn thì lại rất quan trọng. Đối với những Công ty đã tồn tại lâu đời như Công ty vận tải hành khách thì thương hiệu lại rất quan trọng, nó cần được giữ vững và phát triển hơn nữa.