e) Công chức trong quan hệ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước
2.1.4. Nghĩa vụ hoàn trả
Nghĩa vụ hoàn trả của công chức là vấn đề khá nhạy cảm có liên quan đến chính sách pháp lý của mỗi quốc gia về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước.
Vậy có nên đặt ra quy định về nghĩa vụ hoàn trả hay không? Nếu đặt ra nghĩa vụ hoàn trả thì ở mức độ nào thì hợp lý? Trước hết, cần thiết phải đặt ra vấn đề hoàn trả đối với công chức vì "nếu không đặt vấn đề trách nhiệm cho công chức thì tất yếu dẫn đến tâm lý không hay của công chức là luôn nghĩ rằng mình không phải bồi thường hoặc đã có Nhà nước bồi thường thay nên sẽ làm việc tuỳ tiện, tất yếu dẫn đến lạm dụng" [19, tr. 4]. Tuy
nhiên, nếu đưa ra nghĩa vụ hoàn trả một cách tuyệt đối - luôn luôn phải hoàn trả 100% - thì hoàn toàn không hiệu quả, sẽ tác động tiêu cực đến các hoạt động của Nhà nước mà cụ thể là tâm lý lo sợ, e ngại của công chức là phải bồi hoàn một khoản tiền rất lớn cho Nhà nước trong khi năng lực tài chính của mình không cho phép. Bên cạnh đó, Nhà nước là chủ thể được hưởng lợi ích khi công chức thực hiện công việc mà Nhà nước phân công, chính vì vậy "Nhà nước là người hưởng lợi khi công chức thực hiện công vụ nên Nhà nước phải chịu rủi ro" [32, tr. 7]. Về nguyên tắc, công chức - với tư cách là người của một pháp nhân, là người làm thuê của Nhà nước - không bao giờ phải hoàn trả 100% số tiền mà Nhà nước đã bỏ ra để bồi thường. Nếu trong mọi trường hợp mà công chức đều phải bồi hoàn 100% số tiền mà Nhà nước đã bỏ ra thì vô hình chung đó là một quy định gián tiếp chối bỏ trách nhiệm của Nhà nước.
Bộ luật Dân sự 1995 cũng như Bộ luật Dân sự 2005 đã quy định về nghĩa vụ hoàn trả rất hợp lý, cụ thể, Điều 619 quy định: Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có trách nhiệm yêu cầu cán bộ, công chức phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu cán bộ, công chức có lỗi trong khi thi hành công vụ" và Điều 620 quy định: "Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm yêu cầu người có thẩm quyền đã gây thiệt hại
phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu người có thẩm quyền có lỗi
trong khi thi hành nhiệm vụ". Như vậy, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì điều kiện để buộc công chức phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền mà cơ quan công quyền bỏ ra để bồi thường là đã có lỗi đối với việc gây thiệt hại trong khi thi hành công vụ. Đối với những thiệt hại mà công chức gây ra nhưng hoàn toàn không có lỗi trong khi thi hành công vụ thì công chức không phải hoàn trả lại cho cơ quan số tiền mà cơ quan đã bỏ ra để bồi thường.
Nghị định số 47/CP quy định về nghĩa vụ hoàn trả từ Điều 12 đến Điều 18. Việc hoàn trả được thực hiện trên cơ sở các quyết định của Hội đồng xét hoàn trả bồi thường thiệt hại do "thủ trưởng cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng thành lập" (Điều 13). Hội đồng này bao gồm "đại diện lãnh đạo cơ quan của người gây thiệt hại là Chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch công đoàn cơ sở, Thủ trưởng trực tiếp của người gây thiệt hại, Kế toán trưởng, một số chuyên gia về ngành kinh tế - kỹ thuật và pháp lý có liên quan" (Điều 14) và có nhiệm vụ "giúp cho Thủ trưởng cơ quan xem xét, đánh giá thiệt hại, xác định mức độ lỗi và khả năng kinh tế của công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ
quan tiến hành tố tụng và kiến nghị với Thủ trưởng cơ quan về mức hoàn trả và phương thức hoàn trả bồi thường thiệt hại". Hội đồng xét hoàn trả bồi thường thiệt hại hoạt động theo trình tự:
Chủ tịch Hội đồng công bố thành phần tham gia, cử thư ký; Hội đồng nghe giải trình của người gây thiệt hại; Hội đồng nghe ý kiến của Chủ tịch công đoàn cơ sở, ý kiến của Thủ trưởng trực tiếp của người gây thiệt hại và ý kiến của Kế toán trưởng; Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số. Kiến nghị của Hội đồng được lập thành văn bản và gửi cho lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định (Điều 16).
Trên cơ sở các hoạt động và những kiến nghị của Hội đồng xét hoàn trả bồi thường thiệt hại thì "mức hoàn trả do Thủ trưởng cơ quan đó quyết định" (Điều 12). Một điểm đáng chú ý là Nghị định 47/CP đã quy định về trường hợp nếu trừ dần vào thu nhập của công chức để thực hiện việc hoàn trả thì không dưới 10% và không vượt quá 30% tổng thu nhập từ tiền lương và phụ cấp hàng tháng, nếu có (Điều 17). Quy định này giúp cho công chức một mặt vẫn thực hiện được nghĩa vụ đối với cơ quan công quyền, mặt khác vẫn bảo đảm ổn định cuộc sống của mình.
Có thể nói, việc xét hoàn trả quy định trong Nghị định 47/CP cũng giống như việc xét giải quyết bồi thường là cũng được thực hiện thông qua một hội đồng. Về nguyên tắc, việc hoàn trả được thực hiện thông qua quyết định đơn phương của Hội đồng xét hoàn trả bồi thường thiệt hại, nhưng nếu "công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng không đồng ý với quyết định của Thủ trưởng cơ quan về việc hoàn trả bồi thường thiệt hại hoặc không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết" (Điều 18).
Nghị quyết số 388 cũng có quy định về nghĩa vụ hoàn trả song khá đơn giản. Điều 16 quy định: "Người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây oan do lỗi của mình trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự có nghĩa vụ hoàn trả theo quy định của pháp luật". Như vậy, so với Nghị định 47/CP thì Nghị quyết này quy định rõ hơn, theo đó, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng chỉ phải hoàn trả số tiền cho cơ quan tiến hành tố tụng trong trường hợp họ có lỗi khi gây thiệt hại trong quá
trình thực hiện công vụ.Người có thẩm quyền quyết định việc hoàn trả của cơ quan tiến hành
tố tụng là thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng, theo đó: