Phương thức bồi thường

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nội dung và quá trình thực thi pháp luật hiện hành về trách nhiệm của Nhà nước doc (Trang 39 - 42)

e) Công chức trong quan hệ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước

2.1.3. Phương thức bồi thường

Khi cá nhân, tổ chức bị xâm phạm bởi hoạt động công quyền thì những thiệt hại mà họ có thể phải gánh chịu là những thiệt hại về tài sản, những tổn thất về mặt tinh thần như uy tín, danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm. Chính vì vậy, việc bồi thường phải tương xứng với những thiệt hại mà họ phải gánh chịu. Đối với thiệt hại về tài sản thì việc bồi thường được thực hiện bằng tiền hoặc hoàn trả bằng hiện vật; đối với thiệt hại về tinh thần thì

ngoài việc bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà họ phải gánh chịu thì Nhà nước còn phải có trách nhiệm khôi phục uy tín, danh dự, nhân phẩm cho bên bị thiệt hại.

Theo nghĩa rộng nhất thì phương thức bồi thường có thể hiểu không chỉ là các hình thức khôi phục lại tổn thất mà bên bị thiệt hại phải gánh chịu mà còn bao gồm cả trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp khôi phục đó.

Phương thức bồi thường hiện nay được quy định cụ thể trong Nghị định 47/CP, Nghị quyết số 388 và Thông tư số 01/2004/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC-BTP-BQP về hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra (Thông tư số 01).

Nghị định số 47/CP quy định về phương thức bồi thường từ Điều 6 đến Điều 11. Về nguyên tắc, phương thức bồi thường được thực hiện thông qua việc các bên thỏa thuận với nhau, tuy nhiên "trong trường hợp không thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại hoặc một trong các bên không thực hiện nghiêm chỉnh thỏa thuận, thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết" (Điều 6). Quá trình thỏa thuận để giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện giữa hai bên là người bị thiệt hại và Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại. Hội đồng này "bao gồm đại diện lãnh đạo cơ quan, đại diện tổ chức công đoàn của người gây thiệt hại, đại diện cơ quan tài chính - vật giá, đại diện cơ quan chuyên ngành khoa học, kỹ thuật có liên quan và đại diện cơ quan tư pháp cùng cấp. Đại diện lãnh đạo cơ quan của người gây thiệt hại là Chủ tịch Hội đồng" (Điều 8). Hội đồng này có nhiệm vụ là "xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại; xác định trách nhiệm dân sự của các bên để kiến nghị với Thủ trưởng cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tụng quyết định mức bồi thường và phương thức bồi thường thiệt hại" (Điều 9). Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại bao gồm nhiều bước, cụ thể là:

Chủ tịch Hội đồng công bố thành phần tham gia, cử thư ký; Hội đồng nghe công bố yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của người bị hại, nghe giải trình của người gây thiệt hại; Hội đồng nghe báo cáo thẩm định của các cơ quan chuyên môn (nếu có); Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số. Kiến nghị

của Hội đồng được lập thành văn bản và gửi cho lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định. Trong trường hợp xét thấy cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có thể mời người bị thiệt hại hay đại diện của họ tham gia phiên họp Hội

đồng.Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ (Điều 10).

Kể từ khi ban hành Nghị quyết số 388 thì các quy định của Nghị định 47/CP về giải quyết bồi thường thiệt hại gây ra bởi cơ quan tiến hành tố tụng không còn được áp dụng, thay vào đó là áp dụng các quy định của Nghị quyết số 388 và Thông tư 01 hướng dẫn Nghị quyết này. Về nguyên tắc, việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện "trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại với người bị oan, thân nhân của người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ; nếu không thương lượng được thì người bị oan, thân nhân của người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết" (khoản 5 Điều 3 Nghị quyết 388). Các thiệt hại của người bị oan được xác định cụ thể (Điều 5. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần; Điều 6. Thiệt hại về vật chất trong trường hợp người bị oan chết; Điều 7. Thiệt hại về vật chất trong trường hợp người bị oan bị tổn hại về sức khỏe; Điều 8. Trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại trong trường hợp tài sản bị xâm phạm; Điều 9. Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất của người bị oan; Nghị quyết số 388) để trên cơ sở đó các bên thương lượng, đồng thời là căn cứ để Tòa án áp dụng khi giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại giữa các bên. Việc chi trả tiền bồi thường được thực hiện "ngay sau khi có quyết định bồi thường thiệt hại trong trường hợp thương lượng thành hoặc có bản án, quyết định của Tòa án về việc bồi thường thiệt hại có hiệu lực pháp luật"; về kinh phí bồi thường thì "cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải có văn bản đề nghị bồi thường thiệt hại gửi cơ quan chủ quản ở Trung ương để xem xét tổng hợp và đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí bồi thường thiệt hại. Trong văn bản cần ghi đầy đủ cụ thể người được bồi thường thiệt hại, các khoản tiền bồi thường đối với các khoản thiệt hại cụ thể và tổng số tiền đề nghị Bộ Tài chính cấp để thực hiện việc bồi thường thiệt hại." (Mục VI, khoản 2 Thông tư số 01). Đặc biệt trong nội dung của Nghị quyết số 388 có các quy định về thủ tục khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại. Đối với người bị oan, "cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải xin lỗi, cải chính công khai cho người bị oan"; việc xin lỗi, cải chính công khai được thực hiện bằng hình thức "trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị oan có

sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị oan cư trú, đại diện cơ quan nơi người bị oan làm việc, đại diện của một tổ chức chính trị - xã hội mà người bị oan là thành viên" và "đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp" (Điều 4 Nghị quyết số 388).

Có thể nói, Nghị định số 47, Nghị quyết số 388 và Thông tư số 01 đã quy định khá đầy đủ về phương thức bồi thường, cụ thể bao gồm các hình thức bồi thường bằng tiền, hình thức khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại, trình tự thủ tục và những cá nhân, tổ chức cụ thể có trách nhiệm thực hiện việc khôi phục danh dự. Tuy nhiên, một số học giả cho rằng phương thức bồi thường mà pháp luật hiện nay quy định vẫn chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại:

Thủ tục bồi thường rườm rà, phức tạp. Nghị định 47/CP quy định thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết bồi thường, tuy nhiên thủ tục mang nặng tính hành chính, chưa tạo cơ chế phù hợp để bên thiệt hại và cơ quan tiến hành tố tụng thương lượng về việc bồi thường. Khắc phục tình trạng này, Nghị quyết số 388 đề cao trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường trong thương lượng với người bị thiệt hại, tuy nhiên, thời hạn giải quyết quá dài. Bên cạnh đó, thủ tục chi trả tiền bồi thường còn phức tạp, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại [13, tr. 7].

Mặc dù có những đánh giá như vậy, nhưng cho đến nay vẫn chưa có được một thống kê nào về quá trình thực hiện Nghị định 47/CP, thậm chí dư luận xã hội còn phản ánh rằng văn bản này đã hoàn toàn không được thực thi, áp dụng trên thực tiễn.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nội dung và quá trình thực thi pháp luật hiện hành về trách nhiệm của Nhà nước doc (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)