TÌNH HÌNH PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI TRONG QUAN HỆ SO SÁNH VỚI CƠ

Một phần của tài liệu Cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Trang 65 - 69)

TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI TRONG QUAN HỆ SO SÁNH VỚI CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI CỦA ASEAN

Quan hệ kinh tế quốc tế cùng với mối quan hệ chính trị, ngoại giao, văn hoá…là những nhân tố quan trọng cấu thành nên bức tranh tổng thể về quan hệ quốc tế ở mỗi thời kì lịch sử nhất định. Cùng với xu thế toàn cầu hoá trong quan hệ quốc tế nói chung, hoạt động kinh tế quốc tế đang đạt được bước phát triển mạnh chưa từng thấy mang tính thời đại sâu sắc và sẽ còn tiếp tục được bổ sung, phát triển hơn nữa bởi những nhân tố mới trong tương lai. Trong bối cảnh đó, các tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh tế quốc tế nói chung và các hoạt động thương mại nói riêng có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp đòi hỏi phải có những phương thức giải quyết nhanh chóng, hiệu quả nhằm đảm bảo các hoạt động đó được diễn ra một cách liên tục và thuận tiện. Tuy nhiên, giải quyết tranh chấp thương mại là vấn đề vô cùng phức tạp do tham gia vào các quan hệ này có nhiều chủ thể, thuộc những hệ thống pháp luật khác nhau,… Do đó, việc lựa chọn được một phương thức giải quyết tranh chấp hợp lý là một vấn đề có ý nghĩa quyết định trong việc đảm bảo và thúc đẩy các hoạt động thương mại quốc tế phát triển thuận lợi. Trên thực tế, Toà án là cơ quan có đủ chức năng để thực hiện những cơ sở pháp lý trong việc giải quyết tranh chấp nói chung. Song các đặc tính gay gắt, phức tạp và sòng phằng của các hoạt động thương mại thì bên cạnh Toà án còn có những

biện pháp giải quyết tranh chấp khác có hiệu quả hơn nhiều, một trong những biện pháp đó là Trọng tài.

Là một thành viên trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế phát triển chung của thế giới. Đảng và Nhà nước ta chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác và phát triển về kinh tế với các quốc gia khác và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Năm 1986, Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới, nền kinh tế nước ta chuyển từ cơ chế quản lý tập trung, bao cấp sang nền kinh tế sản xuất hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự chuyển đổi tư duy kinh tế có ý nghĩa lớn lao này đã đặt nền móng cho sự phát triển, tăng trưởng kinh tế liên tục của nước ta trong thời gian qua. Từ khi chúng ta thực hiện chính sách mở cửa, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 100 nước trên thế giới, ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Bối cảnh đó đặt ra cho Việt Nam nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng không ít thử thách mà chúng ta phải đối mặt, đặc biệt là việc giải quyết các tranh chấp thương mại. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có một chế định pháp luật hiện đại về trọng tài vì đây là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại hữu hiệu nhất hiện nay.

Tại Việt Nam, pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại được thể chế hóa trên cơ sở các nguyên tắc hiến định của Hiến pháp năm 1992. Đó là các nguyên tắc về quyền tự do kinh doanh (Điều 57), nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật (Điều 52), nguyên tắc xét xử công khai của Tòa án (Điều 131). Văn bản luật quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế - thương mại phải kể đến Luật đầu tư được ban hành năm 2005; Luật thương mại năm 2005, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế; Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài

năm 1995. Ngoài ra các văn bản Luật như Bộ luật dân sự, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992, sửa đổi năm 1993 và năm 1995, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 1992, sửa đổi năm 1995 cũng giữ vai trò rất quan trọng trong vấn đề giải quyết tranh chấp kinh doanh.

Bộ luật dân sự Việt Nam đưa ra những nguyên tắc chung làm cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xác định và giải quyết tranh chấp, ví dụ vấn đề hiệu lực của hợp đồng, vấn đề áp dụng pháp luật đối với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Pháp luật đầu tư nước ngoài cho phép các bên trong lĩnh vực này được phép giải quyết tranh chấp trước hết thông qua thương lượng, hòa giải. Nếu không thỏa thuận được thì tranh chấp sẽ giải quyết thông qua tổ chức trọng tài hoặc Tòa án Việt Nam hoặc tổ chức trọng tài nước ngoài hoặc trọng tài quốc tế hay trọng tài Adhoc. Luật thương mại quy định các tranh chấp được giải quyết trước hết thông qua thương lượng giữa các bên. Trong trường hợp không đạt được kết quả thì tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án. Thủ tục tố tụng sẽ được tiến hành theo thủ tục tố tụng của trọng tài hoặc tòa án mà các bên lựa chọn [14]. Các quy định về giải quyết tranh chấp trong Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2005 và Bộ luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 đều tạo điều kiện cho các bên tranh chấp có quyền lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp thuận lợi cho mình. Các phương thức này có thể là thương lượng, hòa giải giữa các bên, có thể là phương pháp trọng tài hoặc giải quyết theo con đường tòa án. Thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài hoặc tòa án được tiến hành theo các thủ tục tố tụng của trọng tài, tòa án mà các bên đã lựa chọn.

Giống như các nước khác, tại Việt Nam vấn đề thương lượng, hoà giải chưa được quy định trong văn bản luật mà được quy định trong các văn bản, điều khoản liên quan đến giải quyết tranh chấp. Tương tự Campuchia, hòa giải là thủ tục bắt buộc và giai đoạn cần thiết trong thủ tục tố tụng của tòa án (9). Pháp luật luôn tạo điều kiện thuận lợi để các bên có thể tiến hành thương lượng hoà giải với nhau. Thậm chí pháp luật còn khuyến khích về vật chất cho các trường hợp hoà giải thành (9).

Trước đây tranh chấp thương mại quốc tế được giải quyết chủ yếu bằng con đường khiếu nại, nếu không có kết quả mới đưa ra trọng tài. Vai trò của thương lượng, hòa giải hầu như không đáng kể. Sang thời kỳ đổi mới vấn đề thương lượng hòa giải được đặt ra thành nguyên tắc trong giải quyết tranh chấp kinh tế. Luật thương mại, Luật hàng hải, Luật đầu tư nước ngoài... đều quy định các tranh chấp trước hết phải được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Việc thương lượng, hòa giải có thể tiến hành từ khi tranh chấp mới phát sinh hoặc trong lúc tiến hành giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp khác như tòa án hoặc trọng tài. Thương lượng hòa giải trong quá trình tố tụng là thủ tục bắt buộc đối với cả trọng tài và tòa án. Trong quá trình xét xử, nếu các bên hòa giải được với nhau thì được trả lại 50% tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Mặc dù thương lượng, hòa giải được pháp luật quy định thành nguyên tắc bắt buộc và luôn khuyến khích các bên thực hiện nhưng thực tế Việt Nam còn thiếu sự nghiên cứu một cách hệ thống để làm rõ các vấn đề lý luận về hòa giải và đưa ra các mô hình có hiệu quả. Cho đến nay, vấn đề giá trị pháp lý của thoả thuận đạt được trong thương lượng còn đang bị bỏ ngỏ làm giảm tác dụng của việc thương lượng trong giải quyết tranh chấp.

Qua thực tiễn xét xử, có thể thấy tỉ lệ các vụ hoà giải chiếm tương đối cao trong tổng số các vụ giải quyết tranh chấp kinh tế. Điều này chứng tỏ

rằng, thương lượng, hoà giải đang được các nhà kinh doanh ưa chuộng trong quá trình giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên có thể thấy, các quy định về hoà giải vẫn còn mang tính hình thức, chưa thể hiện được vai trò trung gian của người làm công tác hoà giải. Điều cơ bản là chúng ta vẫn chưa xây dựng được những quy tắc hoà giải để làm cơ sở cho các bên tranh chấp vận dụng (9). Hoà giải ngoài tố tụng không được sự điều chỉnh trực tiếp của pháp luật. Vấn đề đặt ra khi các bên không tự nguyện thi hành các thoả thuận đã đạt được trong quá trình hoà giải. Điều này rất có ý nghĩa trong việc giải quyết các tranh chấp tiếp theo giữa các bên và pháp luật Việt Nam hiện còn bỏ ngỏ vấn đề này.

Như vậy, nhìn chung các quy định về giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại của pháp luật Việt Nam phù hợp với các quy định về giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại của ASEAN.

Một phần của tài liệu Cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Trang 65 - 69)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(81 trang)
w