ƯU ĐIỂM VÀ HẠN CHẾ CỦA PHÁP LUẬT ASEAN VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH TẾ THƯƠNG MẠ

Một phần của tài liệu Cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Trang 59 - 65)

QUYẾT TRANH CHẤP KINH TẾ - THƯƠNG MẠI

2.3.1. Ưu điểm

Cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại được hoàn thiện dần từ Nghị định thư năm 1996 đến Nghị định thư năm 2004 và Hiến chương ASEAN. Có thể nói dù là cơ chế nào thì mục đích đều là hoà bình giải quyết các tranh chấp phát sinh và ngăn ngừa những tình thế có thể đe doạ hoà bình, an ninh khu vực. Nghị định thư năm 1996, có thể nói, về cơ bản đã ghi nhận và tạo ra một cơ chế giải quyết tranh chấp dành riêng cho lĩnh vực kinh tế - thương mại được hy vọng sẽ giải quyết những thiếu sót trong AFTA và các hiệp định liên quan. Nó có sự mô phỏng nhất định mô hình giải quyết tranh chấp thương mại của WTO mặc dù không hoàn thiện như WTO, nguyên tắc đa số được sử dụng để thông qua các quyết định; SEOM và AEM – hai thiết chế của ASEAN được sử dụng để tham gia vào hoạt động giải quyết tranh chấp, nó thường chịu những ảnh hưởng chính trị nhất định trong việc đưa ra quyết định giải quyết tranh chấp, do đó, lợi ích của các bên tranh chấp đôi khi không được coi trọng hàng đầu.

Nghị định thư năm 2004 đã sử dụng nguyên tắc đồng thuận phủ quyết cho việc thành lập Ban hội thẩm, thông quan báo cáo của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm. Đây là một điểm cải tiến so với Nghị định thư năm 1996, nguyên tắc này đảm bảo cho tất cả các tranh chấp đã được thông qua tham vấn mà không có kết quả thì đều có thể được giải quyết tại Ban hội thẩm. Hơn nữa, trong Nghị định thư năm 2004, Ban hội thẩm là cơ quan trực tiếp xem xét giải quyết tranh chấp, đưa ra các khuyến nghị và kết luận cho tranh chấp đó chứ không chỉ dừng lại ở mức độ xem xét và tìm kiếm các tài liệu liên

quan đến vụ tranh chấp, rồi trình báo cáo lên SEOM để cơ quan này xem xét và ra quyết định. Thêm vào đó, những thành viên của Ban hội thẩm là những cá nhân được tuyển chọn từ những người có đủ tài năng, trình độ cũng như cơ chế hoạt động để đảm bảo tính khách quan, vô tư khi xem xét giải quyết tranh chấp; cùng với Cơ quan phúc thẩm được thành lập chuyên trách và thường trực (trước đây, ASEAN sử dụng AEM là cơ quan kiêm nhiệm thêm việc giải quyết tranh chấp) sẽ giúp cho việc giải quyết tranh chấp được chính xác, hiệu quả và tạo được lòng tin đối với các bên tranh chấp, bởi lẽ, chính những cơ quan này là người trực tiếp xem xét, đưa ra kết luận, khuyến nghị giải quyết tranh chấp, những kết luận này sẽ phải được SEOM thông qua.

Nghị định thư năm 2004 cũng thiết lập một khoảng thời gian chặt chẽ cho mỗi bước trong tiến trình giải quyết tranh chấp và quy định các biện pháp mang tính pháp lý hơn ở các giai đoạn thực thi. Để khuyến khích bên thua kiện thực hiện phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp, Nghị định thư năm 2004 đưa ra biện pháp tạm ngừng ưu đãi hay thực hiện nghĩa vụ (thay thế cho biện pháp đình chỉ ưu đãi). Hơn nữa, các lĩnh vực áp dụng biện pháp này cũng được mở rộng và quy định thực hiện theo trình tự, nguyên tắc cụ thể. Đây sẽ là một sân chơi lành mạnh cho các nước thành viên để giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, hiệu quả và sẽ là đòn bẩy cho những quốc gia kém phát triển hơn trong việc đàm phán với các quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh hơn trong ASEAN với niềm tin rằng các thoả thuận sẽ được thực thi. Tất cả các thủ tục trên sẽ duy trì tính nhất quán của cơ chế giải quyết tranh chấp. Đây là một sự trang bị thiết yếu cho ASEAN để hội nhập và hợp tác kinh tế mạnh mẽ hơn nữa cũng như đẩy nhanh quá trình hoàn thành xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN nói riêng và Cộng đồng ASEAN nói chung vào năm 2020.

Từ những quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại của ASEAN, có thể thấy rõ rằng, bên cạnh một vài nét khác biệt được thay đổi để phù hợp với ASEAN thì Nghị định thư năm 2004 rất giống với cơ chế giải quyết tranh chấp theo Bản thoả thuận về các quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO (DSU). Như vậy, ASEAN có xu hướng tạo thảnh một mô hình cơ chế giải quyết tranh chấp thu nhỏ của WTO trong khu vực. Mặc dù thiếu đi sự độc đáo và riêng biệt nhưng Nghị định thư năm 2004 vẫn tạo ra và hoàn thành về mặt pháp lý một cơ chế giải quyết tranh chấp theo hướng chuyển đổi sang cơ chế xét xử mang tính pháp lý hoàn toàn. Có lẽ, bằng cách áp dụng một cơ chế tương tự với DSU, tính chấp nhận của nó sẽ được đảm bảo khi chín trong số mười thành viên của ASEAN là thành viên của WTO, đồng thời DSU được coi là một cơ chế đáng tin cậy để giải quyết tranh chấp thương mại trong WTO.

2.3.2. Hạn chế

Là một mô hình được mô phỏng gần như hoàn toàn, chỉ có sự thay đổi mà không mang tính sáng tạo cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại của WTO, do đó, cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại của ASEAN cũng chứa đựng những hạn chế mà DSB của WTO gặp phải. Quy định về khung thời gian giải quyết tranh chấp quá dài, tổng thời gian giải quyết tranh chấp là gần 15 tháng (chưa kể thời gian gia hạn thêm trong một số trường hợp). Điều này khiến cho tình trạng vi phạm pháp luật theo các hiệp định được ký kết trong khuôn khổ ASEAN sẽ bị duy trì, có thể sẽ gây thiệt hại cho các nước thành viên là bên bị vi phạm đồng thời khiến cho các bên tranh chấp phải tốn kém về tài chính trong việc duy trì quá trình giải quyết tran chấp.

Ngoài ra, theo Nghị định thư thì các cuộc họp của Ban hội thẩm hay Cơ quan phúc thẩm đều phải được giữ kín, các nước thành viên ASEAN chỉ biết đến kết quả giải quyết tranh chấp theo báo cáo của Ban hội thẩm được

SEOM thông qua chứ không được biết cụ thể quá trình xem xét, giải quyết tranh chấp diễn ra như thế nào. Điều này cho thấy Cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại của ASEAN thiếu tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết tranh chấp. Việc không công khai, minh bạch quá trình giải quyết tranh chấp sẽ dẫn tới việc giảm đi sự tin tưởng của các nước thành viên vào cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại hiện có vì nghi ngở sự khách quan, vô tư, công bằng của cơ quan giải quyết tranh chấp.

Theo như cơ chế giải quyết tranh chấp hiện nay của ASEAN thì Cơ quan phúc thẩm chỉ xem xét khía cạnh giải thích và áp dụng pháp luật của Ban hội thẩm chứ không tiến hành điều tra lại vụ việc. Như vậy, phạm vi hoạt động của Cơ quan phúc thẩm khá hẹp và chưa rõ ràng. Thẩm quyền của Cơ quan phúc thẩm cần được mở rộng hơn trong một số trường hợp như: Xuất hiện những tình tiết mà chưa được Ban hội thẩm xem xét nhưng tình tiết đó liên quan trực tiếp tới vụ tranh chấp thì cần trao thẩm quyền xem xét đó cho Cơ quan phúc thẩm để đảm bảo quá trình giải quyết tranh chấp được chính xác; Ban hội thẩm đưa ra kết luận không đủ chứng cứ, bỏ sót các vấn đề chưa được giải quyết trong vụ tranh chấp thì cũng cần trao thêm quyền cho Cơ quan phúc thẩm trong trường hợp này.

Đa số các nước ASEAN đều là các nước đang phát triển, sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước ASEAN vẫn tồn tại một khoảng cách khá lớn. Do đó, biện pháp đền bù và tạm ngừng ưu đãi hay thực hiện nghĩa vụ để đảm bảo các bên thi hành phán quyết được đưa ra thực sự không đem lại hiệu quả. Biện pháp này rất khó để vận dụng với nhóm nước kém phát triển khi các nước này là một bên của tranh chấp.

Thêm vào đó, quy định về thành viên của Ban hội thẩm ưu tiên các cá nhân đến từ các nước thành viên ASEAN, bên cạnh đó là triển vọng cho các ứng cử viên khác đến từ quốc gia ngoài ASEAN. Nếu quá đề cao vấn đề này

thì có thể sẽ bỏ qua các cá nhân thực sự có năng lực và trình độ hơn cũng như hạn chế cơ hội học hỏi những cá nhân có nhiều kinh nghiệm đến từ các quốc gia khác đặc biệt là các quốc gia phát triển. Mặt khác, thành viên Ban hội thẩm ngoài chuyên môn tốt về luật thương mại quốc tế còn cần phải có trình độ Tiếng Anh tốt. Điều này là vì ngôn ngữ chính thức của ASEAN là tiếng Anh và tất cả các tài liệu mà ASEAN đưa ra đều bằng ngôn ngữ này. Từ sự nghiên cứu được tiến hành bằng kinh nghiệm của NAFTA cho thấy rằng một trong những yếu tố có thể được coi là nguyên nhân gây chậm trễ có thể xảy ra với tiến trình giải quyết tranh chấp của Ban hội thẩm là vấn đề khó khăn về ngôn ngữ.

Như đã phân tích ở các phần trước, ASEAN có sự mô phỏng theo mô hình giải quyết tranh chấp của WTO nhưng không phải mô phỏng hoàn toàn. Trong ASEAN không thành lập một cơ quan chuyên trách trực thuộc ASEAN để giải quyết tranh chấp mà vẫn sử dụng thiết chế chính trị SEOM với vai trò là người quản lý, điều hành. Ban hội thẩm được thành lập cùng Cơ quan phúc thẩm đưa ra kết luận giải quyết tranh chấp nhưng SEOM vẫn là cơ quan thông qua kết luận đó, kết luận này có thể mang tính chính trị, đó là điều không tránh khỏi. Việc lựa chọn cách thức này sẽ cho thấy những ảnh hưởng về mặt chính trị trong quá trình giải quyết tranh chấp, sự hy sinh vì lợi ích chung của khu vực đôi khi được đặt cao hơn việc hướng đến kết quả ngang bằng giữa các bên tranh chấp. Hơn nữa, ASEAN là một tổ chức khu vực hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội chứ không chỉ có lĩnh vực kinh tế nên khi giải quyết tranh chấp trong bất kì lĩnh vực nào, để gìn giữ mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các nước thành viên, các nước luôn phải cân nhắc thoả đáng mọi khía cạnh và đôi khi điều đó vượt ra khỏi phạm vi tranh chấp và giải quyết tranh chấp đơn thuần giữa các bên tranh chấp.

Ngoài ra, việc đảm bảo thực thi các phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo cơ chế của ASEAN vẫn chưa thực sự hiệu quả, cụ thể như: mặc dù có rất nhiều biện pháp được đưa ra để thực thi các phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp như đền bù hoặc tạm ngừng ưu đãi hay thực hiện nghĩa vụ, giám sát việc thực thi thông qua SEOM, tuy nhiên không có những đảm bảo mang tính bắt buộc nào, không có một cơ quan cưỡng chế thi hành và như vậy quốc gia thua kiện vẫn có thể không thực hiện phán quyết.

Chương 3

Một phần của tài liệu Cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Trang 59 - 65)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(81 trang)
w