Việc sử dụng một số biện pháp hoà bình như đàm phán, trung gian, hoà giải… để giải quyết các tranh chấp nói chung và tranh chấp quốc tế nói riêng đã được biết đến từ rất sớm trong quan hệ quốc tế. Nhưng luật quốc tế hiện đại đã xác lập nghĩa vụ chung cho mọi chủ thể liên quan đến các tranh chấp quốc tế phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản khi giải quyết các tranh chấp quốc tế. Hành vi tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế sẽ làm hạn chế đáng kể sự xuất hiện của những tranh chấp quốc tế và đồng thời đảm bảo việc giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các tranh chấp quốc tế. Trong các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, việc áp dụng nguyên tắc giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế, một mặt xác lập nghĩa vụ của các bên trong một vụ tranh chấp là phải giải quyết bằng bất cứ biện pháp hoà bình nào, mặt khác có ý nghĩa thừa nhận quyền của các bên trong một vụ tranh chấp được lựa chọn những biện pháp hoà bình thích hợp.
Điều này được coi là một điểm đặc trưng của việc giải quyết các tranh chấp quốc tế hiện nay. Muốn vậy, các bên tranh chấp phải tôn trọng nguyên tắc thoả thuận, với ý nghĩa là nền tảng cho việc lựa chọn các biện pháp hoà bình đa dạng và phong phú, đang được áp dụng trong thực tiễn quan hệ quốc tế. Pháp luật quốc tế không quy định và cũng không thể quy định một công thức giải quyết bắt buộc, cứng nhắc cho mỗi loại hình tranh chấp nhất định. Việc sử dụng một biện pháp cụ thể hoàn toàn do các bên liên quan thoả thuận
lựa chọn, chỉ với điều kiện, đó là những biện pháp hoà bình. Điều 33 Hiến chương LHQ có đề cập một danh mục các biện pháp hoà bình như đàm phán, trung gian, hoà giải, điều tra, trọng tài, toà án nhưng hoàn toàn không có nghĩa là các bên tranh chấp không được tìm đến các biện pháp hoà bình khác, ví dụ giải quyết tranh chấp bằng con đường ký kết điều ước quốc tế hoặc các giải pháp mang tính chất tình thế như cộng đồng sử dụng, cộng đồng trách nhiệm.