I. MỘT VÀI NHẬN XÉT
1. Pháp luật về đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật
Có bước tiến lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng đăng ký kinh doanh
Với những thay đổi mang tính cởi trói cho việc thực hiện quyền tự do kinh doanh., Luật Doanh nghiệp 2005 trực tiếp góp phần vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, phát huy nội lực, khơi thông thêm các nguồn lực mới phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Khuôn khổ pháp luật kinh doanh mới tạo ra một môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp, làm tăng yếu tố cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển đa dạng của các loại thị trường, tạo điều kiện để Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới. Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố báo cáo môi trường kinh doanh năm 2008 ( Doing Business 2008) nhận định Việt Nam là một trong những nước có tiến bộ trong cải thiện đăng ký kinh doanh. Theo đó, mức độ thuận lợi kinh doanh của Việt Nam đứng ở vị trí 91/178 quốc gia được xếp hạng trong năm nay, năm trước vị trí đó là 98/105. Đó là những thành công có sự đóng góp không nhỏ của Luật Doanh nghiệp 2005.
Trong 5 tháng đầu năm 2007, đã có 20.300 doanh nghiệp được thành lập - Đăng ký kinh doanh với số vốn khoảng 135.000 tỷ đồng. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 7 tháng (cả cấp mới và tăng thêm) đạt 743 triệu đô la,
tăng 49,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các địa phương đã tích cực và chủ động triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Nghị định hướng dẫn thi hành, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp như Hà Nội, Bắc Ninh, Sóc Trăng, Ninh Bình…đã thực hiện cơ chế “3 trong 1”, tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian và thành lập doanh nghiệp. Cuộc chiến đối với giấy phép con được thực hiện với tinh thần nghiêm túc. Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã thực hiện rà soát, đánh giá các quy định gần 300 giấy phép, bãi bỏ và chuyển sang chế độ thông báo đối với 18 giấy phép và 230 giấy phép cần phải bổ sung, sửa đổi với những giải pháp sửa đổi, bổ sung cụ thể và chi tiết đối với các quy định tương ứng về các loại giấy phép đó.
• Thời gian đăng ký kinh doanh ngắn
Đối với hầu hết các ngành nghề kinh doanh ở hầu hết ở các địa phương trong cả nước, không có yêu cầu thêm về hồ sơ, thủ tục và đòi hỏi khác ngoài quy định của Luật Doanh nghiệp khi tiến hành đăng ký kinh doanh.
Về thời hạn đăng ký kinh doanh luật quy định là 15 ngày nhưng trên thực tế là 10 ngày, rút ngắn hơn nhiều do với quy định của pháp luật. Nhiều nơi thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng rất thuận tiện cho cả doanh nghiệp và cán bộ làm công tác kinh doanh.
Cán bộ đăng ký kinh doanh ngày càng nhận thức đầy đủ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của họ trong đăng ký kinh doanh. Trong hai năm đầu thực hiện Luật Doanh nghiệp 1999, các cán bộ đăng ký kinh doanh thường buông lỏng việc giám sát nội dung đăng ký kinh doanh trong khâu đăng ký, không quan tâm đến nội dung hồ sơ, không kiểm tra lại nội dung hồ sơ dù ở mức tối thiểu. Hiện nay những sai sót đã dần được sửa chửa, khắc phục. Ngoài ra khi
đăng ký kinh doanh một số phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh đã hướng dẫn người thành lập doanh nghiệp về ngành nghề kinh doanh, hướng dẫn người đầu tư biết về các chính sách ưu đãi đầu tư và trợ giúp của nhà nước.
Tóm lại các quy định của pháp luật, đặc biệt là pháp luật về đăng ký kinh doanh đã tạo ra một bước đột phá mới trong việc thành lập doanh nghiệp với nhiều loại hình doanh nghiệp, nhiều ngành, nghề kinh doanh, thủ tục thành lập đơn giản, nhanh chóng và ít tốn kém, trên tinh thần ghi nhận đăng ký kinh doanh là các quyền của nhà đầu tư, nhà nước chỉ tiến hành việc đăng ký, ghi nhận, hướng dẫn họ thực hiện quyền của mình cho đúng pháp luật.
• Thực hiện cơ chế “ một cửa”
Đối với doanh nghiệp đăng ký mới thống nhất mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế; còn các doanh nghiệp cũ khi tiến hành thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh thì sẽ tiến hành thay đổi theo cơ chế “ một cửa”.
Bản chất của cơ chế một cửa là doanh nghiệp và người dân khi có công việc giao dịch với cơ quan Nhà nước thì chỉ cần liên hệ với một địa chỉ do Nhà nước quy định. Tại địa chỉ giao dịch đó, đại diện cơ quan chức năng của Nhà nước sẽ hướng dẫn, giải thích và thực hiện đầy đủ thủ tục cho doanh nghiệp và người dân. Là một đầu mối giao dịch thống nhất, các hồ sơ hành chính sẽ được nhận và trả tại đầu mối này. Như vậy, cơ chế một cửa thực chất là cơ chế giao dịch giữa Nhà nước với doanh nghiệp và người dân thông qua một đầu mối. Với việc thực hiện cơ chế “một cửa” giảm phiền hà cho doanh nghiệp và người dân, chống tệ quan liêu, tham nhũng, cửa quyền của cán bộ công chức, đổi mới căn bản và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước
- Đơn giản: Thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng, đúng pháp luật;
- Minh bạch: Công khai các thủ tục hành chính, phí, lệ phí và thời gian giải quyết công việc;
- Một đầu mối: Nhận yêu cầu và trả kết quả tại một đầu mối.
- Phối hợp: Việc phối hợp giữa các bộ phận có liên quan để giải quyết công việc của doanh nghiệp và người dân là trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước;
- Nhanh chóng: Bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho doanh nghiệp và người dân.
Với việc thực hiện cơ chế “một cửa” làm giảm thời gian và số lần người thành lập doanh nghiệp phải đi đến các cơ quan hành chính để thực hiện các thủ tục thành lập doanh nghiệp. Tạo tiền lệ tốt về sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng nhà nước trong việc xử lý các thủ tục hành chính cho công dân và doanh nghiệp; chuẩn bị cho việc áp dụng hệ thống đăng ký kinh doanh thống nhất toàn quốc.
Hạn chế
Thực tiễn sau hơn một năm thi hành Luật Doanh nghiệp 2005 cho thấy, tuy đạt được những thành tựu đáng khích lệ kể trên nhưng việc triển khai Luật Doanh nghiệp đã vấp phải không ít những khó khăn, vướng mắc.
•Vướng mắc từ phía cơ quan đăng ký kinh doanh
Một trong những hạn chế gây bức xúc hiện nay đối với các doanh nghiệp là sự bất cập về năng lực của cơ quan đăng ký kinh doanh so với nhu cầu phát triển. Sau 6 năm thi hành Luật Doanh nghiệp 1999 và hơn ba năm thi
hành Luật Doanh nghiệp 2005, hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh gần như chưa có sự cải thiện đáng kể.
Hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh hiện hành bị phân tán về mặt tổ chức, chưa thiết lập thành hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Hiện nay, việc quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh từ Trung ương đến địa phương chỉ do một đơn vị cấp phòng trong Cục phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với biên chế từ 3 đến 4 người thực hiện; ở cấp huyện thì mặc dù đã được pháp luật quy định nhưng trên thực tế, cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn chưa được hình thành theo Nghị định số 88/1006/NĐ-CP. Bên cạnh đó, cũng chưa có hướng dẫn về cách thức tổ chức, cách thức và lề lối làm việc của phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện trong thực hiện nhiệm vụ đăng ký kinh doanh. Nhiệm vụ đăng ký kinh doanh được giao được giao cho 1 hoặc 2 cán bộ nằm rải rác trong các phòng ban chuyên môn. Hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh hiện nay mới chỉ có khâu trung gian là các tỉnh, thành phố, trong khi đó “đầu” là Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoạt động không đạt hiệu quả cao và “chân” là hệ thống đăng ký kinh doanh ở cấp huyện chưa có mà giao cho Phòng Tài chính các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là Phòng tài chính, kế hoạchcấp huyện) kiêm nhiệm. Do đó, nhược điểm lớn nhất của cơ quan đăng ký kinh doanh hiện hành là chưa tổ chức thành một hệ thống trong phạm vi cả nước. Đây là lý do cơ bản dẫn đến tình trạng nhiều vấn đề cơ bản như quản lý và bảo hộ tên doanh nghiệp quản lý và giám sát sự tồn tại, tính liên tục của doanh nghiệp…chưa được thống nhất trên địa bàn toàn quốc.
Năng lực chuyên môn của cán bộ đăng ký kinh doanh còn nhiều yếu kém, trang thiết bị phục vụ công tác này còn thiếu thốn và lạc hậu. Thực tế, cán bộ là công tác đăng ký kinh doanh còn rất thiếu. Cả nước mới chỉ có
khoảng một ngàn cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh; trong đó có 5 cán bộ Trung ương, khoảng 280 cán bộ ở cấp tỉnh và khoảng 700 người ở cấp huyện. Phương tiện làm việc, nhất là cấp huyện vừa thiếu thốn vừa lạc hậu, vẫn có nơi, cán bộ đăng ký kinh doanh còn phải viết bằng tay để làm hồ sơ chứng nhận đăng ký kinh doanh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là việc chậm trễ ban hành các quy định tiêu chuẩn cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh và các chức danh quản lý trong hệ thống đăng ký kinh doanh ( trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hướng dẫn tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, cấp huyện và phòng đăng ký kinh doanh tại khu kinh tế ( trách nhiệm thuộc Bộ nội Vụ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dù đã được quy định tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP. Việc xây dựng hệ thống quản lý doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc còn diễn ra chậm.
•Về điều kiện đăng ký kinh doanh
Quy định về ngành nghề kinh doanh đăng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc:
- Danh mục ngành nghề kinh tế quốc dân theo quy định hiện nay đã quá lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn.
- Yêu cầu người đăng ký kinh doanh phải ghi rõ theo mã số của phân loại ngành nghề kinh tế quốc dân còn chưa phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp theo nguyên tắc người dân và doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề đăng ký kinh doanh với ngành, nghề kinh tế quốc dân theo quy định.
- Trường hợp ngành nghề đăng ký không có trong danh mục ngành nghề kinh tế quốc dân là tương đối phổ biến. Thực tế đã có nhiều trường hợp
ngành, nghề đăng ký được cán bộ đăng ký kinh doanh tự diễn giải theo chủ quan coi là nhạy cảm, từ đó người đăng ký kinh doanh phải chờ để phòng đăng ký kinh doanh xin ý kiến bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bộ chuyên ngành. Hệ quả là người đăng ký kinh doanh chưa thể đăng ký thành lập doanh nghiệp được, nếu chưa có ý kiến “đồng ý ” của các bộ, ngành liên quan. Rõ ràng, đây là một loại giấy phép mà xin được nó còn khó khăn, kém minh bạch.
Quy định về vốn pháp định chưa có hướng dẫn cụ thể:
- Hệ thống ngành, nghề kinh doanh đòi hỏi có vốn pháp định và mức vốn pháp định cụ thể đối với từng ngành nghề.
- Cơ quan có thẩm quyền xác nhận vốn pháp định.
- Trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong việc tuân thủ về thực hiện quy định về vốn pháp định.
Chưa có một khung pháp lý chặt chẽ về quản lý và kiểm soát của Nhà nước đối với việc soạn thảo, ban hành và thực thi các quy định liên quan đến chứng chỉ hành nghề và giấy phép kinh doanh.
Hiện chưa có sự tập hợp đầy đủ mang tính chất pháp lý về tất cả các loại chứng chỉ hành nghề mà cá nhân hoặc tổ chức phải có trước khi đăng ký kinh doanh. Vì vậy, cơ quan đăng ký kinh doanh không thể hướng dẫn đầy đủ cho các chủ thể kinh doanh về vấn đền này. Mặt khác việc công khai thông tin về giấy phép kinh doanh cũng chưa thực hiện được. Các thông tin về căn cứ pháp lý, các điều kiện, thủ tục, căn cứ để cấp hoặc từ chối .. không được công khai hoặc công khai không rõ ràng, đầy đủ gây khó khăn cho chủ thể xin cấp phép, tạo cơ hội cho sự nhũng nhiễu, tiêu cực.
- Việc cấp giấy phép kinh doanh phụ thuộc vào nhiều ý chí chủ quan của cơ quan cấp phép.
- Các chủ thể xin cấp phép không được xác nhận về việc đã nộp hồ sơ. - Việc từ chối cấp phép không minh bạch, không có căn cứ trái pháp lý, trái với quy định của doanh nghiệp.
Về thủ tục đăng ký kinh doanh
- Chưa có hướng dẫn về vấn đề đặc thù được quy định ở các luật khác nhau có liên quan đến việc thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động của doanh nghiệp và những nội dung trong cam kết quốc tế khác so với quy định của Luật Doanh nghiệp, nhất là cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
- Chưa có hướng dẫn về việc doanh nghiệp được quyền có 2 con dấu. - Việc đăng ký mã số thuế cũng gặp vướng mắc vì theo quy định của ngành thuế, một người không thể đứng tên 2 mã số thuế trở lên (chỉ được đăng ký một mã số thuế). Do đó, khi chủ doanh nghiệp tư nhân đăng ký tham gia thành lập công ty, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của các công ty khác nhau. Cho đến nay, quyền thành lập doanh nghiệp, tự do kinh doanh ở điểm này vẫn bị hạn chế do chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện vấn đề này.
- Quy định về tên doanh nghiệp khôg đặt tên trùng hoặc tên nhầm lẫn với tên gọi của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi tỉnh, thành phố.
Vướng mắc về các biện pháp chế tài nhằm bảo đảm việc đăng ký kinh doanh thực hiện đúng luật
Các biện pháp này cũng khó được áp dụng hiệu quả bởi thiếu một cơ chế thực thi. Trong dấu hiệu cấu thành tội kinh doanh trái phép có quy định: Đối với những hành vi kinh doanh không có đăng ký, không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng, trong trường hợp pháp luật quy định sẽ bị xử lý hình sự khi “đã bị xử phạt vi phạm hành chính
mà còn tái phạm”. Nhưng trên thực tế, việc xác định dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” về hành vi kinh doanh trái phép lại gặp rất nhiều khó
khăn, chưa có cơ quan nào đứng ra quản lý, kết nối các quyết định xử phạt vi phạm hành chính này. Hiện tại, một số trường hợp tuy đã bị xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh nhưng các cơ quan pháp luật không nắm được nên không có cơ sở để áp dụng các biện pháp xử lý thích hợp. Đây chính là một trong những nguyên nhân và điều kiện dẫn đến tình hình tội phạm trong kinh doanh.
Thủ tục đăng ký kinh doanh còn quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Ngoài Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng đẫn thi hành, việc đăng ký kinh doanh còn được quy định ở trong các văn bản như: Hiến pháp, Bộ Luật dân sự, Luật hợp tác xã, Luật Đầu tư, Các Luật, Pháp lệnh chuyên ngành …Với các quy định rải rác như vậy đặt ra yêu cầu đối với các chủ thể muốn tiến hành đăng ký kinh doanh cần phải có sự am hiểu sâu sắc về pháp luật nói chung và các quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh nói riêng. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn ở đây là nội dung của các văn bản này có nhiều điểm chưa thực sự tạo ra môi trường pháp luật bình đẳng cho các nhà đầu tư.