II. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ KINH DOANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1.1. Hoàn thiện cơ quan đăng ký kinh doanh
Thứ nhất: Cần làm rõ chức năng và mối quan hệ giữa cơ quan quản lý
nhà nước đối với doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký kinh doanh để tránh sự chồng chéo trong chỉ đạo.
Hiện nay, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, liên quan đến nội dung đăng ký, thành lập doanh nghiệp có 3 nhóm cơ quan sau: Cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp (Chính phủ, các bộ, UBND cấp tỉnh); cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh (Bộ kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh); cơ quan đăng ký kinh doanh (Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, Phòng Đăng ký kinh doanh tại khu kinh tế, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp huyện). Từ đó để xác định cơ quan nào là cấp trên có trách nhiệm chỉ đạo hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh là rất khó.
Thứ hai: Cần phải hoàn thiện tính hệ thống của cơ quan đăng ký kinh
doanh từ Trung ương đến địa phương.
Hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh hiện nay mới chỉ dừng lại ở từng địa phương là phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh và phòng Đăng ký kinh doanh cấp huyện. Ở Trung ương chỉ có cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh (Bộ kế hoạch và Đầu tư) chứ không phải là cơ quan đăng ký kinh doanh. Việc tổ chức thực hiện hệ thống như vậy là sự gắn kết không tương thích giữa hai chức năng mang tính khác biệt: Thực hiện nhiệm vụ đăng ký kinh doanh và quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh. Kết hợp hai cơ quan thành một hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh thống nhất trên toàn quốc sẽ dẫn đến cơ chế quản lý thông tin doanh nghiệp không thể thực hiện được.
Thứ ba: Hoàn thiện quy định về cơ chế quản lý thông tin doanh nghiệp
trong phạm vi toàn quốc.
Việc quản lý dữ liệu doanh nghiệp chỉ phát huy hiệu quả khi hội tụ đủ hai điều kiện. Một là chủ thể cung cấp thông tin, hai là cách thức để liên kết các thông tin. Cả hai điều kiện này hiện hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh
đều chưa đáp ứng được. Về chủ thể cung cấp thông tin bắt đầu từ phòng Đăng ký kinh doanh cấp huyện và kết thúc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ở đây từ ngày chủ thể đầu tiên là phòng Đăng ký kinh doanh cấp huyện đã có vấn đề cần phải giải quyết. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 8, Nghị định số 88/2006/NĐ- CP thì cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện có nhiệm vụ định kỳ báo cáo phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh doanh nghiệp thực tế hoạt động là bao nhiêu. Nhưng Nghị định lại không quy định cơ chế cung cấp thông tin của phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cho phòng Đăng ký kinh doanh cấp huyện biết được các doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh ở địa phương cụ thể như thế nào, từ đó dẫn đến Nghị định không có thực tế. Hệ thống liên kết giữa các tỉnh với nhau cũng không hiệu quả.
Thứ tư: Phải trả lại thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
Cơ quan đăng ký kinh doanh phải được trả lại thẩm quyền đăng ký kinh doanh được quy đinh theo Luật Doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh phải là cơ quan duy nhất được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Các cơ quan khác chỉ có chức năng kiểm soát điều kiện hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực mà mình phụ trách.
Để tránh sự chồng chéo chức năng, cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện áp dụng thống nhất về đăng ký kinh doanh đối với tất cả các ngành, nghề, không để tình trạng các luật chuyên ngành lấn sân Luật Doanh nghiệp.
Thứ năm: Khẩn trương ban hành hướng dẫn quy định tiêu chuẩn cán bộ
đăng ký kinh doanh, hướng dẫn tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, cấp huyện và phòng Đăng ký kinh doanh tại khu kinh tế.
Đây là giải pháp cấp bách để ổn định cơ cấu tổ chức, biên chế nhân sự của cơ quan đăng ký kinh doanh, khắc phục tình trạng cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về năng lực chuyên môn.