0
Tải bản đầy đủ (.doc) (112 trang)

Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng liên doanh

Một phần của tài liệu HỢP ĐỒNG LIÊN DOANH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM: NHỮNG BẤT CẬP VÀ GIẢI PHÁP THÁO GỠ (Trang 40 -42 )

a.Vấn đề pháp luật điều chỉnh hợp đồng liên doanh:

Theo quy định của pháp luật Việt Nam các quy định về hợp đồng được thể hiện trong cả luật chung và luật chuyên ngành. Luật chung chỉ đưa ra các quy định mang tính nguyên tắc chung của hợp đồng mà không phụ thuộc vào hợp đồng đó thuộc lĩnh vực mua bán, vận chuyển hàng hóa, xây dựng hay lĩnh vực bảo hiểm. Trong khi đó, trong luật chuyên ngành quy định cụ thể về hình thức, nội dung chủ yếu cũng như các vấn đề khác liên quan đến hợp đồng phù hợp với đặc điểm của lĩnh vực pháp luật đó.

Hợp đồng liên doanh chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Luật Đầu tư 2005. Cụ thể hơn, các vấn đề liên quan đến chủ thể, nội dung, hình thức và phạm vi của hợp đồng liên doanh được quy định tại Luật Đầu tư 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định 108/NĐ – CP ban hành năm 2006 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2005, Quyết định 238/QĐ – TTg ban hành tháng 8 năm 2009 về việc góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra đối với những vấn đề Luật Đầu tư 2005 hoặc các văn bản hướng dẫn không quy định, người áp dụng luật cần dẫn chiếu đến các quy định của Luật Thương mại 2005. Trong trường hợp Luật Thương mại đồng thời không quy định vấn đề đó thì tiếp tục dẫn chiếu đến các quy định của Bộ luật Dân sự 2005.

Trong trường hợp luật chung và luật chuyên ngành cùng quy định về vấn đề đó thì ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành trước. Cụ thể trong trường hợp của hợp đồng liên doanh sẽ ưu tiên áp dụng các quy định tại Luật đầu tư và Luật Thương mại trước.

b. Vấn đề luật áp dụng trong hợp đồng liên doanh:

Mặc dù hợp đồng liên doanh là cơ sở để hình thành pháp nhân hoạt động tại lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhưng do yếu tố “khác nhau về quốc tịch” của các bên ký kết, hợp đồng liên doanh mang những đặc điểm của một hợp đồng có yếu tố nước ngoài.

Áp dụng Điều 759 Bộ luật dân sự 2005 khi đàm phán ký kết hợp đồng liên doanh các bên tham gia được phép quy định áp dụng luật pháp nước ngoài trong trường hợp có tranh chấp xảy ra. Chính vì vậy, mặc dù doanh nghiệp liên doanh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam nhưng hợp đồng liên doanh vẫn là một cơ sở pháp lý quan trọng bởi trong đó có quy định chi tiết về điều khoản luật áp dụng trong trường hợp có tranh chấp xảy ra. Cách quy định này phù hợp với các quy định của quốc tế hiện nay đối với các hợp đồng mang yếu tố nước ngoài bởi nó đảm bảo cho bên nước ngoài được tự do lựa chọn luật áp dụng phù hợp với ý chí của mình, đảm bảo quyền lợi của họ khi có tranh chấp xảy ra.

Nguồn luật áp dụng có thể bao gồm: luật quốc gia, các văn bản luật quốc tế như các Công ước quốc tế, Điều ước quốc tế, Hiệp ước quốc tế ký kết giữa các bên. Ví dụ như Công ước Viên 1980 – Công ước Liên hiệp

quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế một phần hoặc toàn bộ bằng đường biển năm 2009, … . Ngoài ra, các tập quán quốc tế cũng là một nguồn luật điều chỉnh các hợp đồng. Tuy nhiên, các tập quán quốc tế thường chỉ điều chỉnh một số vấn đề chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và mua bán quốc tế và giá trị của các tập quán quốc tế thường chỉ mang tính chất tùy ý, áp dụng trên một khu vực nhất định. Vì vậy khả năng áp dụng luật của các tập quán quốc tế thường không rộng như các nguồn luật còn lại. Một số tập quán quốc tế như Incoterms, Bộ nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế.

Theo quy định tại Điều 759 Bộ luật Dân sự 2005, trong trường hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có quy định khác với Bộ luật Dân sự 2005 về vấn đề áp dụng luật đối với hợp đồng liên doanh thì sẽ áp dụng quy định của điều ước đó. Đồng thời, nếu trong hợp đồng liên doanh có quy định luật áp dụng và quy định đó không trái với pháp luật Việt Nam thì những thỏa thuận đó cũng được áp dụng.

Một phần của tài liệu HỢP ĐỒNG LIÊN DOANH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM: NHỮNG BẤT CẬP VÀ GIẢI PHÁP THÁO GỠ (Trang 40 -42 )

×