Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Một phần của tài liệu Hợp đồng liên doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam: Những bất cập và giải pháp tháo gỡ (Trang 26 - 28)

Điều kiện hiệu lực của hợp đồng là những yêu cầu mà mọi hợp đồng đều phải tuân theo để nó có hiệu lực thi hành đối với các bên sau khi kí kết.

Điều kiện về chủ thể: Chủ thể của hợp đồng phải là những người có năng lực hành vi. Đối với những cá nhân, pháp nhân không đủ năng lực hành vi khi tham gia kí kết hợp đồng hoàn toàn có khả năng bị rơi trường hợp giao kết do ép buộc hoặc không nhận thức được đúng đắn nội dung ký kết. Do vậy, dễ dẫn đến bị lợi dụng để ký kết những điều khoản bất hợp lý.

Điều kiện về nội dung hợp đồng phải hợp pháp. Để hợp đồng thực sự có hiệu lực pháp lý, cũng như các bên tham gia ký kết có thể thực hiện được quyền lợi và nghĩa vụ của mình thì nội dung của hợp đồng phải phù hợp với quy định của pháp luật. Có nghĩa là nó phải bao gồm các điều khoản chủ yếu, đối tượng phải là những vật được phép lưu thông hoặc những hành vi được thực hiện phải hợp pháp, quyền lợi và nghĩa vụ các bên phải cân xứng.

Điều kiện về ý chí các bên và sự thể hiện ý chí đó trong hợp đồng phải thống nhất. Mỗi bên đương sự, trong khi đàm phán ký kết hợp đồng, có quyền bày tỏ ý chí của mình. Khi hai bên đã thỏa thuận thống nhất về hợp đồng thì ý chí đó phải được thể hiện tránh trường hợp lúc thỏa thuận thì khác mà khi ghi trong hợp đồng lại khác, đồng thời cũng tránh trường hợp một bên đơn phương áp đặt ý chí cho bên kia. Trong các hợp đồng bị ký kết do nhầm lẫn, lừa gạt, ý chí của các bên đương sự khi đàm phán và sự thể hiện ý chí đó không giống nhau. Trong trường hợp đó, tòa án có thể tuyên bố hợp đồng vô hiệu theo đơn kiện của bên đương sự.

Điều kiện về hình thức hợp đồng: Hình thức của hợp đồng phải tuân thủ những hình thức mà pháp luật đã quy định như: bằng lời nói, bằng văn

bản, bằng văn bản có chứng thực… Nếu hình thức hợp đồng trái với các quy định của pháp luật thì hợp đồng đó không có hiệu lực.

Hợp đồng được ký kết không đáp ứng một trong các điều kiện trên thì bị coi là vô hiệu và sẽ không làm phát sinh những hậu quả pháp lý mà các bên đương sự mong muốn.

1.1.3. Thực hiện hợp đồng dân sự

1.1.3.1. Nguyên tắc thực hiện hợp đồng dân sự

Hợp đồng sau khi được giao kết và có hiệu lực thì các bên bước vào thực hiện hợp đồng. Việc thực hiện hợp đồng phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 412 Bộ luật Dân sự 2005:

1. Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thỏa thuận khác.

2. Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, đảm bảo tin cậy lẫn nhau.

3. Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích hợp pháp của người khác.

1.1.3.2. Nội dung thực hiện hợp đồng dân sự

Nội dung thực hiện hợp đồng dân sự bao gồm việc thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ đã quy định trong hợp đồng. Bên cạnh đó, các bên tham gia giao kết còn phải thực hiện theo cách thức pháp luật đã quy định. Những nội dung liên quan đến thực hiện hợp đồng dân sự được quy định bằng hệ thống 10 điều khoản từ Điều 412 đến Điều 422 Bộ luật dân sự 2005 trong đó nêu rõ cách thức thực hiện hợp đồng đơn vụ, hợp đồng song vụ, hợp đồng vì lợi ích của bên thứ ba cũng như trong các trường hợp nghĩa vụ không được thực hiện.

- Đối với hợp đồng đơn vụ, bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng theo đã thỏa thuận, không được thực hiện trước hoặc sau thời hạn nếu không có sự đồng ý của bên có quyền.

- Đối với hợp đồng song vụ, các bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời hạn, kể cả trong trường hợp bên còn lại chưa thực hiện nghĩa vụ của mình trừ khi có lỗi của bên đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng của mình. Nếu không có thỏa thuận về bên thực hiện nghĩa vụ trước thì hai bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ của mình.

Trong trường hợp tài sản của một bên bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ theo cam kết thì bên còn lại có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình cho đến khi khôi phục được khả năng thực hiện nghĩa vụ hoặc có người bảo lãnh.

Trong trường hợp một trong hai bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo cam kết thì bên có quyền có thể cầm giữ tài sản là đối tượng của hợp đồng. Việc cầm giữ chấm dứt khi hai bên có thỏa thuận hoặc bên cầm giữ vi phạm việc giữ gìn bảo vệ tài sản đó hoặc bên có nghĩa vụ đã hoàn thành nghĩa vụ của mình.

Trường hợp nghĩa vụ không được thực hiện do lỗi của một bên thì bên còn lại có quyền yêu cầu bên có lỗi thực hiện phần nghĩa vụ của mình hoặc chấm dứt hợp đồng và đền bù thiệt hại. Nếu lỗi không thuộc về bên nào thì không bên nào được phép yêu cầu bên còn lại thực hiện phần nghĩa vụ của mình. Nếu một bên đã thực hiện một phần nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên còn lại thực hiện phần nghĩa vụ tương ứng đối với mình.

- Đối với hợp đồng vì lợi ích người thứ ba thì người thứ ba có quyền từ chối quyền lợi của mình trước khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ của mình. Khi đó bên có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ của mình nữa nhưng phải thông báo cho bên có quyền và trong trường hợp đó hợp đồng coi như được hủy bỏ. Nếu việc từ chối diễn ra sau khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ của mình thì nghĩa vụ được coi là đã hoàn thành và bên có quyền vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đã cam kết của mình.

Một phần của tài liệu Hợp đồng liên doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam: Những bất cập và giải pháp tháo gỡ (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(112 trang)
w