các đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của người khác
Nhãn hiệu luôn đi liền với sản phẩm, nó có chức năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ khác nhau. Nhờ vào tính phân biệt này mà người tiêu dùng có thể nhận ra sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ đã được biết từ trước hoặc qua quảng cáo. Vì chức năng phân biệt này của hàng hóa mà chỉ những dấu hiệu có tính phân biệt mới có khả năng được đăng
ký bảo hộ. Nếu nhãn hiệu được đăng ký lại trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với dấu hiệu của người khác đã được bảo hộ hoặc nộp đơn đăng ký sớm hơn thì sẽ không được bảo hộ, vì không đảm bảo chức năng phân biệt của nhãn hiệu. Để xác định một dấu hiệu đăng ký trùng với một nhãn hiệu đối chứng tương đối đơn giản, tuy nhiên việc xác định được sự tương tự đến mức gây nhầm lẫn của một nhãn hiệu đối với nhãn hiệu đối chứng thì lại chưa được hướng dẫn theo pháp luật SHTT Việt Nam.
Có thể chia thành 2 loại nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt sau:
*) Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác dùng cho các hàng hóa và các dịch vụ trùng hoặc tương tự
Việc xác định một nhãn hiệu có trùng với một nhãn hiệu khác hay không đơn giản hơn rất nhiều so với việc xác định tính “tương tự tới mức gây nhầm lẫn” giữa các loại nhãn hiệu với nhau. Để xác định tính tương tự gây nhầm lẫn giữa hai hay nhiều nhãn hiệu có thể xem xét một số tiêu chí sau đây: so sánh về cấu trúc, nội dung, cách phát âm (đối với dấu hiệu chữ), ý nghĩa và hình thức thể hiện của dấu hiệu (đối với cả dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình), đồng thời phải tiến hành so sánh hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đối chứng [19].
Theo điểm 39.8 Thông tư 01/2007, dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu đối chứng nếu dấu hiệu đó giống hệt nhãn hiệu đối chứng về cấu trúc, nội dung, ý nghĩa và hình thức thể hiện. Dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng nếu: dấu hiệu đó gần giống với nhãn hiệu đối chứng về cấu trúc, nội dung, cách phát âm, ý nghĩa, hình thức thể hiện đến mức làm cho người tiêu dùng tưởng lầm rằng hai đối tượng đó là một hoặc đối tượng này là biến thể của đối tượng kia hoặc hai đối tượng đó có cùng một nguồn gốc; Dấu hiệu chỉ là bản phiên âm hoặc dịch nghĩa từ nhãn hiệu đối chứng nếu nhãn hiệu đối chứng là nhãn hiệu nổi tiếng. Hàng hóa, dịch vụ trùng là hàng hóa, dịch vụ
có cùng bản chất (thành phần, cấu tạo), cùng chức năng, mục đích sử dụng. Hàng hóa, dịch vụ tương tự là hàng hóa, dịch vụ tương tự về bản chất, chức năng, mục đích sử dụng, được đưa ra thị trường theo cùng một kênh thương mại (phân phối theo cùng một phương thức, được bán cùng nhau hoặc cạnh nhau, trong cùng một loại cửa hàng) ( điểm 39.9 Thông tư 01/2007).
Như vậy, nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của các hàng hóa và dịch vụ trùng hay tương tự trong các trường hợp sau :
♦ Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Như đã trình bày tại phần 1.2.5 Chương I về nhãn hiệu liên kết, nhãn hiệu liên kết cho phép chủ nhãn hiệu trong các nhãn hiệu liên kết có khả năng chống lại việc sao chép, làm giả hoặc tạo ra những nhãn hiệu tương tự mà không được phép để cạnh tranh không lành mạnh. Điều 130 Luật SHTT 2005 đã quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN nói chung và hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong việc sử dụng nhãn hiệu nói riêng. Cùng với Luật SHTT 2005, Luật Cạnh Tranh 2004 là công cụ hữu hiệu bảo hộ cho nhãn hiệu của doanh nghiệp, bảo đảm sự công bằng trong hoạt động kinh doanh. Do đó, việc tạo ra những nhãn hiệu tương tự với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự nhằm lợi dụng uy tín vốn có của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, gây sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng và nếu kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là mức độ tương tự đến mức gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thì nhãn hiệu đó bị coi là vi phạm và sẽ bị từ chối đăng ký. Hiện nay chưa có quy định cụ thể về mức độ tương tự như thế nào và
đến đâu thì sẽ đến mức gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Các kết luận về mức độ nhầm lẫn như thế nào tùy thuộc vào kinh nghiệm cũng như trình độ của các xét nghiệm viên.
♦ Nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên: trường hợp này được hiểu là nếu trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên) mà đã có người sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ theo nhãn hiệu đang đăng ký thì nhãn hiệu đang đăng ký đó sẽ không được cấp văn bằng bảo hộ.
♦ Nhãn hiệu mà Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đó đã hết hiệu lực hoặc bị đình chỉ hiệu lực bảo hộ những thời gian tính từ khi hết hiệu lực hoặc bị đình chỉ hiệu lực chưa quá 5 năm, trừ trường hợp hiệu lực bị đình chỉ vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng.
♦ Nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng.
Như đã trình bày ở Chương 1, nhãn hiệu nổi tiếng là loại nhãn hiệu được nhiều người tiêu dùng trên thế giới biết đến. Tính phân biệt được thể hiện khá rõ nét trong nhãn hiệu nổi tiếng này. Do đó, ví dụ một người xin nộp đơn đăng ký nhãn hiệu IBM cho sản phầm đồ trang trí nội thất sẽ không được chấp nhận, mặc dù sản phẩm mang nhãn hiệu không trùng hay tương tự với các sản phẩm máy tính của nhãn hiệu nổi tiếng IBM.
*) Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu trùng hoặc tương tự với các đối tượng sở hữu công nghiệp như
● Tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá,
dịch vụ;
● Chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hoá. Dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh nếu dấu hiệu được đăng ký để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó;
● Kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn.
Như đã phân tích tại chương I, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý cũng có khá nhiều điểm tương đồng với nhãn hiệu, do đó nếu không có sự phân biệt rõ ràng rất dễ gây sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể khác. Sử dụng chỉ dẫn địa lý về rượu vang hoặc rượu mạnh cho những loại rượu vang, rượu mạnh không có xuất xứ tại lãnh thổ được chỉ dẫn, kể cả trong trường hợp có nêu chỉ dẫn về xuất xứ thật của hàng hóa hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới hình thức là dịch sang ngôn ngữ khác hoặc sang từ ngữ tương tự đều vi phạm và không được bảo hộ.
Theo quy định tại điểm 39.8, 39.9 Thông tư 01/2007 như đã trình bày ở trên, để đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu trên cơ sở so sánh với các đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của người khác, cần phải đánh giá trên hai tiêu chí:
- Thứ nhất là so sánh về dấu hiệu xem có trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn không. Đối với dấu hiệu chữ, thường sẽ so sánh về cấu trúc, nội dung, cách phát âm. Đối với dấu hiệu hình, sẽ so sánh về hình thức thể hiện, màu sắc. Đối với dấu hiệu kết hợp, so sánh về tổng thể các dấu hiệu chữ và hình, cách bố cục, sắp xếp.
- Thứ hai là so sánh về hàng hóa, dịch vụ xem hàng hóa, dịch vụ đó là trùng hay tương tự.
Khi đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn phải chỉ nhãn hiệu đó được đăng ký sử dụng cho những hàng hóa, dịch vụ nào và phải phân nhóm các hàng hóa, dịch vụ đó. Hệ thống phân loại quốc tế nhãn hiệu (Phân loại hàng hóa, dịch vụ theo Thỏa ước Nice) dùng trong đăng ký nhãn hiệu phân bổ tất cả các chủng loại hàng hóa và dịch vụ mà doanh nghiệp tiến hành kinh doanh vào 45 nhóm, bao gồm 34 nhóm hàng hóa và 11 nhóm dịch vụ. Bảng phân loại quốc tế các yếu tố hình của nhãn hiệu phân bổ tất cả các yếu tố đồ họa của nhãn hiệu thành 29 loại, trong đó bao gồm 144 phân loại với 1887 mục. Hai bảng phân loại này luôn được doanh nghiệp lẫn các cơ quan nhãn hiệu quốc gia tham chiếu và vận dụng để tiến hành tra cứu các nhãn hiệu tương tự hoặc trùng lặp trong các hoạt động liên quan đến việc bảo hộ nhãn hiệu. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2007, Cục Sở hữu trí tuệ đã áp dụng xuất bản lần thứ IX thay cho xuất bản lần thứ VIII của Bảng phân loại quốc tế hoàng hoá, dịch vụ. Các thay đổi chính trong lần xuất bản thứ IX chủ yếu tập trung trong các nhóm 35 (Quảng cáo; Quản lý kinh doanh; Quản lý giao dịch; Hoạt động văn phòng), nhóm 42 (Các dịch vụ khoa học và công nghệ và nghiên cứu, thiết kế có liên quan đến chúng; Các dịch vụ nghiên cứu và phân tích công nghiệp; Thiết kế và phát triển phần cứng và phần mềm máy tính; Các dịch vụ pháp lý) và nhóm 45 (Các dịch vụ cá nhân và xã hội được cung cấp bởi nguồn khác phục vụ cho các nhu cầu cá nhân; Dịch vụ an ninh nhằm bảo vệ người và tài sản). Do đó, việc nhận biết những hàng hóa, dịch vụ trùng nhau dễ dàng hơn nhiều so với việc xác định tính tương tự đến mức gây nhầm lẫn. Những quy định pháp luật về xác định tính tương tự đến mức gây nhầm lẫn hiện nay mới chỉ được quy định chung chung, chưa rõ ràng, điều này gây nhiều khó khăn khi áp dụng trong thực tế.
Như vậy: Điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu được quy định rất cụ thể trong luật SHTT 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã phát huy được hiệu quả trong thực tế. Tuy còn nhiều quy định còn chung chung, chưa được hướng dẫn rõ ràng nên trong nhiều trường hợp còn gây khó khăn cho các chủ thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc đánh giá tính phân biệt của nhãn hiệu. Trong báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 23 tháng 2 năm 2009 đã chỉ ra rằng, sau một thời gian thực hiện các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, Luật sở hữu trí tuệ cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Báo cáo đã xem xét, nghiên cứu đến một số vấn đề về quyền sở hữu công nghiệp, tuy nhiên một số điểm hạn chế liên quan đến nhãn hiệu và điều kiện bảo hộ nhãn hiệu vẫn chưa được xem xét.
CHƯƠNG III