Là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, định nghĩa kiểu dáng công nghiệp được quy định tại Khoản 13 Điều 4 Luật SHTT 2005: “Kiểu dáng công
nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc kết hợp các yếu tố này”.
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng được các điều kiện: có tính mới, có tính sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp (Điều 63 Luật SHTT). Như vậy, kiểu dáng công nghiệp là những hoạt động sáng tạo nhằm tạo ra một hình dáng trang trí bên ngoài cho những hàng hóa được sản xuất hàng loạt, đảm bảo được điều kiện là hàng hóa đó phải hấp dẫn người tiêu dùng về thị giác và phải thể hiện một cách có hiệu quả chức năng kỹ thuật đã định trước. Trong khi đó, nhãn hiệu là các dấu hiệu nhìn thấy được và có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Kiểu dáng công nghiệp thuộc nhóm các đối tượng sở hữu công nghiệp phải đáp ứng điều kiện nhất định về tính sáng tạo, còn nhãn hiệu thuộc nhóm các đối tượng sở hữu công nghiệp có tính thương mại. Tuy nhiên, cũng giống nhãn hiệu, hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp các yếu tố đó cũng dùng để thể hiện hình dáng bên ngoài của kiểu dáng công nghiệp. Những kiểu dáng chỉ là sự kết hợp đơn thuần các đặc điểm tạo dáng đã biết hoặc các hình học đơn giản (hình vuông, hình tròn, elip…) hoặc sao chép hình dáng các sản phẩm, công trình đã nổi tiếng hoặc được biết đến rộng rãi ở Việt Nam và thế giới thì không được bảo hộ.
Có thể nhận thấy, giữa nhãn hiệu và một số đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp như tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và kiểu dáng công nghiệp có nhiều điểm tương đồng, do đó nếu không có sự phân biệt rõ ràng dễ dẫn đến tình trạng nhầm lẫn hàng hóa, dịch vụ giữa các cơ sở sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do có sự tương đồng đó mà các chủ thể kinh doanh có thể quyết định lựa chọn một dấu hiệu để đăng ký làm nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp hoặc tên thương mại, tùy vào điều kiện kinh doanh của chủ thể đó.
Ngoài ra, tại Việt Nam, bên cạnh khái niệm nhãn hiệu, trong nhiều năm trở lại đây, thuật ngữ “thương hiệu” được sử dụng rộng rãi và phổ biến. Nếu như nhãn hiệu đóng vai trò phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các doanh nghiệp khác nhau thì thương hiệu tạo ra ấn tượng về uy tín sản phẩm, dịch vụ, về hình ảnh riêng, bản sắc riêng hoặc dấu ấn riêng trong trí nhớ người tiêu dùng, gắn liền với chất lượng hàng hoá và phong cách kinh doanh, phục vụ của doanh nghiệp. Bởi vậy nhà sản xuất, kinh doanh có thể lựa chọn nhiều yếu tố khác nhau làm thương hiệu cho mình trên cơ sở xem xét về thuộc tính của sản phẩm, thị hiếu và hành vi tiêu dùng của những khách hàng mục tiêu và các yếu tố khác như pháp luật, văn hoá, tín ngưỡng… Những yếu tố được chọn làm thương hiệu có thể được gọi là yếu tố thương hiệu, ví dụ: tên gọi, logo, biểu tượng, màu sắc, kiểu dáng thiết kế, bao bì… Chính sách bảo hộ thương hiệu hoặc phát triển thương hiệu của một doanh nghiệp gắn với chính sách bảo hộ nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý.
Về nội hàm, thương hiệu là một khái niệm rộng hơn nhãn hiệu bởi nó hàm chứa một số chỉ dẫn thương mại khác ngoài nhãn hiệu. Xét dưới góc độ pháp lý, thương hiệu không được bảo hộ như một đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ nhưng nội hàm của nó bao gồm các thành tố như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý hay tên thương mại mà các thành tố này lại được bảo hộ với tư cách là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp [14, tr 56]. Vì vậy, thuật ngữ
thương hiệu không phải là thuật ngữ pháp lý. Tuy nhiên, giữa nhãn hiệu và thương hiệu cũng có mối quan hệ với nhau, chứ không phải là hoàn toàn độc lập với nhau. Mối quan hệ này được thể hiện ở chỗ khi thương hiệu được gắn với sản phẩm và đáp ứng các điều kiện bảo hộ, được đăng ký bảo hộ thì thương hiệu trở thành nhãn hiệu hàng hóa. Trong trường hợp này thương hiệu được pháp luật bảo hộ dưới dạng cụ thể của đối tượng quyền SHCN là nhãn hiệu.
Ngoài ra, cũng cần phân biệt khái niệm nhãn hiệu và nhãn hàng hóa. Nếu nhãn hiệu là một trong những đối tượng được pháp luật về sở hữu trí tuệ bảo hộ thì nhãn hàng hóa lại là một khái niệm sử dụng trong thương mại và được điều chỉnh bởi pháp luật thương mại. Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/08/2006 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa thì:“Nhãn
hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa”.
Chức năng chính của nhãn hàng hóa là thông tin, trong đó ghi rõ các nội dung bắt buộc nhằm cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin cơ bản để nhận biết hàng hóa, làm căn cứ để người mua quyết định việc lựa chọn và sử dụng hàng hóa. Nhãn hàng hóa phải được trình bày theo những yêu cầu bắt buộc như chữ số, chữ cái, hình ảnh và phải ghi rõ ràng, đúng bản chất của hàng hóa. Còn nhãn hiệu lại có chức năng chính là phân biệt. Do đó, những dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu phải có tính độc đáo, riêng biệt, có khả năng phân biệt cao, dễ nhận biết. Những dấu hiệu này không có nội dung mô tả hàng hóa, chỉ dẫn công dụng hay xuất xứ hàng hóa như nhãn hàng hóa. Các thông tin của nhãn hàng hóa không được bảo hộ riêng rẽ như nhãn hiệu. Hơn nữa, một nhãn hiệu có thể được sử dụng cho nhiều loại hàng hóa khác nhau của cùng một chủ sở hữu, nhưng đối với nhãn hàng hóa thì chỉ sử dụng cho một loại hàng hóa cụ thể duy nhất [7, tr 55]. Ngay cả việc hàng hóa mang nhãn hiệu hay không là tùy thuộc
vào ý chí của nhà sản xuất kinh doanh chứ không bắt buộc về phía cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng luôn bắt buộc phải có nhãn hàng hóa theo đúng tiêu chuẩn Nhà nước quy định.
Tóm lại, việc xem xét và phân biệt nhãn hiệu với một số đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp nêu trên hay thương hiệu và nhãn hàng hóa có ý nghĩa rất quan trọng, khi mà trong thực tế việc nhầm lẫn các đối tượng này với nhau xảy ra rất phổ biến. Hiện nay thị trường hàng hóa, dịch vụ rất phong phú nên việc hiểu đúng bản chất của nhãn hiệu là cần thiết, giúp cho người tiêu dùng có thể dễ dàng phân biệt và lựa chọn được các hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu của mình.
CHƯƠNG II