bằng một hoặc nhiều màu sắc
Dấu hiệu kết hợp là sự kết hợp của hai hay nhiều dấu hiệu, kết hợp giữa dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình, theo đó pháp luật bảo hộ cho đồng thời cả hai dấu hiệu. Sự kết hợp giữa dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình tạo thành một tổng thể độc đáo, dễ nhận biết và có khả năng phân biệt như: nhãn hiệu Tiger với biểu tượng con hổ, nhãn hiệu Halida với biểu tượng con voi… Các dấu hiệu trên có thể được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Theo quy định này màu sắc chỉ được coi là phương thức thể hiện của nhãn hiệu. Theo điểm 39.2 Thông tư 01/2007 thì dấu hiệu chỉ là màu sắc mà không được kết hợp với dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình hoặc không được thể hiện thành dạng dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình thì không được bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu. Một màu sắc đơn lẻ không thể sử dụng làm nhãn hiệu, trừ khi kết hợp với dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình (như màu đỏ của Coca-Cola).
Hiệp định TRIPs quy định không những dấu hiệu cụ thể có thể được đăng ký là nhãn hiệu với những màu sắc nhất định, mà bản thân sự kết hợp các màu sắc với nhau cũng có thể được đăng ký làm nhãn hiệu. Hiệp định Thương Mại Việt Nam - Hoa Kỳ cũng quy định tổ hợp màu sắc là một loại dấu hiệu có thể đăng ký làm nhãn hiệu. Điều 785 BLDS 1995 không quy định cụ thể loại dấu hiệu màu sắc có thể được đăng ký là nhãn hiệu hay không, mà chỉ xác định màu sắc là phương thức thể hiện các loại dấu hiệu khác. Như vậy, quy định này tương đồng với quy định tại Luật SHTT 2005. Trong thực tế, vấn đề được đặt ra: nếu chỉ có sự kết hợp đơn thuần giữa các màu sắc với nhau có được công nhận và đăng ký làm nhãn hiệu hay không? [10, tr 20]. Vấn đề này cần được pháp luật Việt Nam xem xét cho phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Những dấu hiệu trên nếu thuộc vào trường hợp quy định tại điểm 39.2b Thông tư 01 thì không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:
“- Dấu hiệu chỉ là màu sắc mà không được kết hợp với dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình hoặc không được thể hiện thành dạng dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình;
- Dấu hiệu thuộc đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu theo quy định tại Điều 73 của Luật Sở hữu trí tuệ;
- Dấu hiệu trái với trật tự xã hội, có hại cho an ninh quốc gia”.
Điều 73 Luật SHTT 2005 đã xác định các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu bao gồm:
*) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với:
- Hình quốc kỳ, quốc huy của các nước ;
- Biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép. Ví dụ: WIPO là tên viết tắt của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Organization) hay WTO là tên viết tắt của Tổ chức Thương Mại thế giới (World Trade Organization) sẽ không được dùng để làm nhãn hiệu.
- Tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;
- Dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận. Ví dụ: dấu hiệu ISO 9000 chứng nhận cho các sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế không được dùng để làm nhãn hiệu.
*) Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính lừa dối người tiêu dùng về:
- Tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.
Ví dụ: Nhãn hiệu từ ngữ, hình ảnh gây ấn tượng sai lệch về thành phần cấu
tạo của sản phẩm như nhãn hiệu dùng cho sản phẩm trà xanh có hình quả chanh nhưng trong thành phần của sản phẩm đó không hề đề cập đến việc có tinh chất chanh tươi trong trà, như vậy người tiêu dùng sẽ nhầm tưởng rằng sản phẩm trà xanh đó có tinh chất chanh tươi. Vì thế, nhãn hiệu đó sẽ bị từ chối bảo hộ. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.