Dấu hiệu hình ảnh, hình ảnh ba chiều

Một phần của tài liệu Điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam (Trang 33 - 34)

Theo từ điển Tiếng Việt, hình ảnh là hình người, vật, cảnh tượng thu được bằng khí cụ quang học (như máy ảnh) hoặc để lại ấn tượng nhất định và tái hiện được trong trí nhớ. Dấu hiệu hình ảnh là cả dấu hiệu hai chiều và ba chiều. Dấu hiệu hình ảnh ba chiều là loại dấu hiệu hình khối có khả năng được sử dụng làm nhãn hiệu, dạng điển hình nhất của dấu hiệu này là hình dáng hàng hóa hoặc hình dáng bao bì. Việc đăng ký nhãn hiệu là chính hình dáng hàng hóa hay bao bì sản phẩm rất phổ biến vì khả năng phân biệt đạt được cao, như nhãn hiệu Vinamilk sữa chua và hình (số bằng: 4-0066998-000, ngày cấp bằng: 03/10/2005), nhãn hiệu Vina Acecook Phở Gà Xưa & Nay Phở Ăn Liền và hình (số bằng: 4-0096825-000, ngày cấp bằng: 03/03/2008) [26].

Dấu hiệu hình ảnh có tác dụng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng thông qua thị giác, các dấu hiệu hình ảnh, đặc biệt là hình ảnh ba chiều có xu hướng được ưa chuộng vì chúng thường tạo được ấn tượng mạnh mẽ, có sức lôi cuốn và thu hút, dễ tác động và in sâu vào tâm trí của người tiêu dùng vì chúng có khả năng phân biệt rất cao như: ngôi sao ba cánh nổi nằm trong vòng tròn của xe Mercedes, ba hình thoi chụm vào của Mishubishi là hai nhãn hiệu hình ảnh nổi tiếng. Có thể nói, hình ảnh này đã thể hiện việc sử dụng ngôn ngữ tạo hình hết sức khái quát, tiếp cận khách hàng một cách nhanh mạnh và làm cho khách hàng liên tưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng cần có sự phân biệt rõ ràng giữa nhãn hiệu hình ảnh với logo. Logo là yếu tố đồ họa của nhãn hiệu, góp phần quan trọng trong nhận thức của khách hàng về nhãn hiệu, nhằm củng cố ý nghĩa của nhãn hiệu theo một cách nào đó. Logo là dấu hiệu để nhận biết sản phẩm, dịch vụ mà nó đại diện, vì vậy logo được xem xét bảo hộ với tư cách là nhãn hiệu. Bên cạnh việc thể hiện những thông tin về chủ sở hữu, logo còn mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tạo ra nó. Đây là điểm khác biệt hoàn toàn so với nhãn hiệu. Tính cá nhân của logo chứa đựng sự sáng tạo về mặt nghệ thuật tạo cho nó một bề ngoài hoàn chỉnh của một tác phẩm nghệ thuật. Như vậy, trong một logo tồn tại hai thuộc tính: tính phân biệt và tính sáng tạo. Điều này tạo cho logo đặc tính riêng, vừa mang những đặc điểm, dấu hiệu để nhận biết của chủ sở hữu, vừa mang những dấu ấn sáng tạo của người thiết kế logo (tác giả). Logo thường gồm các yếu tố hình độc đáo, riêng có tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Với đặc tính đa dạng của các yếu tố đồ họa, logo có thể là một hình vẽ, một cách trình bày chữ viết (tên doanh nghiệp, sản phẩm), hoặc kết hợp cả hình vẽ và chữ viết. Logo tạo ra một bản sắc riêng, là biểu tượng đặc trưng cho doanh nghiệp sở hữu logo.

Pháp luật Việt Nam lần đầu tiên quy định cụ thể về hình ảnh ba chiều được sử dụng làm nhãn hiệu. Trước đây, Điều 785 BLDS 1995 của Việt Nam không quy định rõ về loại dấu hiệu ba chiều hay hình ảnh ba chiều mà chỉ đề cập đến dấu hiệu hình ảnh, nên người thi hành có thể hiểu dấu hiệu hình ảnh được đề cập đó bao gồm hình ảnh hai chiều và cả hình ảnh ba chiều. Tuy nhiên, BLDS 1995 và các văn bản dưới luật hướng dẫn về SHCN đã không quy định rõ về điều kiện để một dấu hiệu ba chiều có thể được đăng ký làm nhãn hiệu. Mặc dù pháp luật Việt Nam không liệt kê một cách cụ thể các dấu hiệu hình ảnh có khả năng được sử dụng làm nhãn hiệu, nhưng trên thực tế đã thừa nhận và bảo hộ dấu hiệu hình ảnh hai chiều và ba chiều là nhãn hiệu.

Một phần của tài liệu Điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam (Trang 33 - 34)