Đặc điểm lịch sử chính trị

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giáo dục pháp luật cho đồng bào người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận hiện nay pdf (Trang 37 - 39)

Vấn đề lịch sử người Chăm tuy còn có ý kiến khác nhau nhưng đều thống nhất nhận định người Chăm là một bộ phận của nhóm tộc Ma lai - Đa đảo (MaLayo - Polynêsia) cư trú rải rác trên một địa bàn khá rộng ở các vùng đảo ven biển và Đông Nam châu á. Bộ phận này sinh sống từ sớm ở ven biển miền Trung Việt Nam và tên tộc người được được gọi theo tên nước từ khi lập nước.

Lịch sử người Chăm có nhiều thăng trầm gắn với sự hình thành, phát triển và suy vong của vương quốc Chămpa. Theo các nhà sử học thì vương quốc Chămpa được hình thành từ sự thống nhất nhiều trung tâm, trong đó sử sách nhắc tới hai trung tâm chính tương ứng với địa bàn cư trú của hai bộ lạc Dừa (Narikelavansa) và Cau (Kramukavansa) mà dấu ấn của nó còn được để lại trong các truyện dân gian và bi ký.

Từ hai bộ lạc đó, vào khoảng đầu công nguyên, vương quốc cổ Chămpa đã ra đời. Bộ lạc Cau còn được gọi là tiểu quốc Nam Chăm và có tên gọi riêng là panran (tên Chăm cổ) hay panduranga ở phía Nam đèo Cù Mông, nay là đất Nha Trang, Phú Yên, Phan Rang, Phan Thiết. Thời kỳ đầu, panduranga tồn tại một cách độc lập và giữ vai trò chuyển tiếp ảnh hưởng văn hóa ấn Độ vào Bắc Chăm.

Bắc Chăm là vùng đất thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay. Trong thế kỷ I và II phải chịu ách đô hộ của phong kiến Trung Quốc, lúc đó là huyện Tượng Lân. Cuối thế kỷ II, nhân dân Chăm ở Tượng Lân nổi dậy khởi nghĩa giành độc lập, thành lập Nhà nước riêng có tên là Lâm ấp, đặt thủ đô là Chămpapura (tức Trà Kiệu ngày nay). Trong quá trình phát triển của lịch sử, có lúc biên giới của Lâm ấp được mở rộng về phía Bắc ra tới tận Hoành Sơn (vùng Quảng Bình - năm 248). Theo các tài liệu của sử gia Trung Quốc thì đến cuối thế kỷ thứ IX Lâm ấp và tiểu quốc Panduranga thống nhất làm một lập ra vương quốc Chămpa, kinh đô được dời về Indrapupa (tức Đồng Dương thuộc Quảng Nam ngày nay).

Kể từ thế kỷ thứ X trở đi, mối bang giao giữa Chămpa và các nước phong kiến Việt Nam đã bước sang một thời kỳ hoàn toàn khác. Lúc này Đại Việt đã là một quốc gia độc lập (Ngô Quyền - năm 938) tiếp đó là các triều đại Đinh, Tiền, Lê, Lý, Trần, Hậu lê... Ngược lại, Nhà nước Chămpa ngày càng suy yếu do nội loạn, nạn soán đoạt ngôi và nhất là chiến tranh với Đại Việt.Ngoài 30 năm quật khởi dưới triều vua Chế Bồng Nga (1360 - 1390), nhiều lần đánh bại Đại Việt, xâm chiếm và tàn phá Thăng long, còn thì diễn tiến cuộc chiến cho thấy phần thắng thường thuộc về Đại Việt, dẫn đến Nhà nước Chămpa phải liên tiếp dời đô và bị diệt vong vào năm 1697.

Tóm lại, đặc điểm lịch sử hình thành của người Chăm diễn ra lâu dài và phức tạp trong đó mối quan hệ phức tạp nhất là mối quan hệ giữa người Việt và người Chăm. Sau hơn 300 năm tồn tại và phát triển cùng cộng đồng dân tộc Việt Nam, tuyệt đại đa số đồng bào Chăm đều coi dân tộc mình là một bộ phận cấu thành không thể tách rời cộng đồng quốc gia dân tộc. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay, đồng bào Chăm đã có nhiều đóng góp, góp phần cùng nhân dân cả nước đạt được những thắng lợi to lớn trong gần một thế kỷ qua. Hơn nữa, nền văn hóa Chăm đã góp phần làm phong phú, đa dạng mà thống nhất của nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, "quá khứ lịch sử còn để lại trong một bộ phận người Chăm một sự mặc cảm, kỳ thị khá nặng nề với người kinh. ý thức về cội nguồn dân tộc cùng tư tưởng hoài cổ phục quốc luôn tiềm ẩn trong một bộ phận dân cư, đặc biệt là trong giới trí thức, nhân sĩ Chăm" [3, tr. 23]. Đây là một đặc điểm mà các thế lực thù địch đặc biệt chú ý, lợi dụng để kích động chia rẽ dân tộc chống phá cách mạng. Bởi vậy, trong chính sách dân tộc cũng như trong công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho đồng bào người Chăm phải lưu ý đến các nhân tố trên để có hình thức phương pháp giáo dục pháp luật phù hợp.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giáo dục pháp luật cho đồng bào người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận hiện nay pdf (Trang 37 - 39)