Sự phù hợp của luật 2005 so với Công ước Viên 1969 về luật ĐƯQT

Một phần của tài liệu Một số vấn đề pháp lí cơ bản của luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (Trang 43 - 48)

Năm 2001 Nhà nước ta gia nhập Công ước Viên 1969 về luật ĐƯQT, sự việc này đã đặt ra yêu cầu đánh giá mức độ tương thích giữa các quy định của pháp luật hiện hành về ký kết và thực hiện ĐƯQT của Việt Nam so với nội dung của Công ước Viên 1969. Sự thay thế pháp lệnh năm 1998 bằng luật 2005 là sự thể hiện của quá trình hoàn thiện pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT của Việt Nam theo hướng ngày càng phù hợp với Công ước Viên 1969 về luật ĐƯQT. Tuy nhiên quá trình pháp điển hoá công ước Viên 1969 vào Việt Nam với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể đã tạo nên nhiều điểm tương đồng cũng như khác biệt của luật 2005 so với luật ĐƯQT.

2.1. Về những quy định chung

2.1.1. Về phạm vi điều chỉnh

Công ước Viên 1969 quy định tại Điều 1 như sau: “Công ước này được áp dụng đối với những điều ước giữa các quốc gia” nhưng luật 2005 lại quy định phạm vi rộng hơn: điều chỉnh quan hệ điều ước giữa Việt Nam với “bên ký kết nước ngoài là quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế” (Khoản 16. Điều 2). Như vậy phạm vi điều chỉnh của Luật 2005 rộng hơn so với Công uớc Viên 1969. Trên thực tế quan hệ ĐƯQT không chỉ phát sinh giữa các quốc gia với nhau mà hoàn toàn có thể phát sinh giũa các chủ thể khác của luật

quốc tế với nhau và với quốc gia. Việc giới hạn phạm vi điều chỉnh này là một hạn chế của Công ước Viên, có lí do từ hoàn cảnh lịch sử hình thành công ước. Luật 2005 của Việt Nam đã mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Công ước chính là một sự phù hợp với thực tiễn ký kết ĐƯQT.

2.1.2. Về giải thích từ ngữ

Luật 2005 đã sửa đổi nội dung giải thích một số thuật ngữ trong pháp lệnh 1998 cho phù hợp với Công ước Viên 1969 như thuật ngữ ĐƯQT, giấy uỷ quyền, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập, chấp thuận, tổ chức quốc tế. Đặc biệt về danh nghĩa ký. kết ĐƯQT được chia làm 2 loại: ĐƯQT nhân danh Nhà nước và ĐƯQT nhân danh chính phủ, các danh nghĩa Bộ, Ngành không còn được xem là danh nghĩa ký kết ĐƯQT của Việt Nam. Sự thay đổi này phù hợp với Công ước Viên bởi lẽ ĐƯQT theo Công ước Viên 1969 quy định: “Là thoả thuận quốc tế được kí kết bằng văn bản giữa các quốc gia”. Như vậy khi ký ĐƯQT là nhân danh cả một quốc gia, bộ, ngành không thể ký ĐƯQT với danh nghĩa của cả một quốc gia được. Toà án nhân dân tối cao chỉ là “cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.(Điều 127 Hiến pháp năm 1992 sửa đổi); “Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất” ( Điều 137 Hiến pháp 1992 sửa đổi) thì Toà án Nhân dân tối cao cũng như Viện kiểm sát Nhân dân tối cao không thể lấy danh nghĩa quốc gia Việt Nam để ký kết ĐƯQT. Cũng trong khoản 2 Điều 2 Luật 2005 đã ghi nhận tên gọi của ĐƯQT là “Hiệp ước, hiệp định, định ước, thoả thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc tên gọi khác”; khác với pháp lệnh năm 1998 chỉ giới hạn tên của ĐƯQT là “Hiệp ứớc, công ước, định ước, hiệp định, nghị định thư, công hàm trao đổi”. Quy định theo hướng liệt kê tại pháp lệnh này sẽ không bao quát hết bởi lẽ trên thực tế ĐƯQT có rất nhiều tên gọi khác nhau. Công ước Viên 1969 cũng ghi nhận điều này tại khoản 1 Điều 2 “không phụ thuộc vào tên gọi cụ thể của các văn kiện đó”.

Về việc quy định mối quan hệ giữa ĐƯQT và quy định của pháp luật trong nước tại Điều 6 luật 2005 quy đinh:

“1.Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và ĐƯQT mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của ĐƯQT;

2.Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm không làm cản trở việc thực hiện ĐƯQT mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề”.

Việc ghi nhận mối quan hệ giữa ĐƯQT và pháp luật quốc gia thành một quy định trong luật và khẳng định hiệu lực áp dụng của ĐƯQT này chính là một sự thể chế hoá quy định của luật ĐƯQT vào luật quốc gia. Tại Điều 27 của Công ước Viên 1969 quy định: “ Thành viên của một ĐƯQT không thể viện dẫn những quy định của pháp luật quốc gia để biện minh cho việc không thi hành ĐƯQT đó”. Quy định này liên quan đến hiệu lực của những cam kết quốc tế của Việt Nam, việc quy định tại điều 6 của luật theo đúng hướng Điều 27 Công ước Viên 1969 tạo điều kiện cho những ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên được thực thi trên thực tế phù hợp với luật quốc tế.

2.2. Về ký kết ĐƯQT

2.2.1. Về vấn đề uỷ quyền

Điều 22 Luật 2005 quy định về trường hợp: “ đàm phán ký ĐƯQT không cần giấy uỷ quyền, tham dự hội nghị quốc tế không cần giấy uỷ nhiệm”. Việc luật 2005 lược bỏ trường hợp: “Chánh án Toà án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, thủ trưởng bộ, ngành không cần giấy uỷ quyền khi đàm phán và ký ĐƯQT với danh nghĩa bộ ngành mình” (khoản 2 điều 7 Pháp lệnh năm 1998) là sự sửa đổi phù hợp với Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi 2001) và cũng là phù hợp với khoản 2 Điều 7 Công ước Viên quy định về những người: “ trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình được coi là đại diện quốc gia không cần xuất giấy uỷ quyền”.

2.2.2. Về xác thực văn bản điều ước

Việc xác thực văn bản điều ước quy định tại Điều 26 luật 2005 tương đối phù hợp với quy định về xác thực văn bản tại Điều 10 Công ước Viên 1969. Tuy nhiên luật Việt Nam không quy định trường hợp xác thực văn bản bằng việc đại

diện các bên kí ad refedeum bởi lẽ luật 2005 quy định rõ những trường hợp đàm phán, ký ĐƯQT không cần giấy uỷ quyền và trường hợp đàm phán, ký ĐƯQT phải có giấy uỷ quyền ( Điều 22, Điều 23). Luật không ghi nhận trường hợp “từ những thực tiễn của quốc gia hữu quan hoặc trong những hoàn cảnh khác cho thấy những quốc gia này có ý định coi người đại diện cho quốc gia mình để thực hiện những hành vi nêu trên không cần giấy uỷ quyền”. Do đó chỉ những người có thẩm quyền đương nhiên hoặc những người được uỷ quyền theo giấy uỷ quyền mới có quyền ký ĐƯQT làm phát sinh hiệu lực của ĐƯQT (nếu ĐƯQT đó không cần phê chuẩn, phê duyệt).

2.2.3. Về các hình thức biểu thị sự đồng ý chấp nhận sự ràng buộc của một ĐƯQT với quốc gia

Điều 11 Công ước Viên 1969 quy định : “Việc đồng ý của một quốc gia chấp nhận sự ràng buộc của một điều ước có thể được thể hiện bằng việc ký, trao đổi văn kiện tạo thành điều ước, phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt, hay gia nhập hoặc bằng bất kì cách nào khác theo thoả thuận’’.

Các hành vi chấp nhận sự ràng buộc với một ĐƯQT của nước Cộng hoà xã hôị chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 8- Luật 2005 tương đối giống với Điều 11 Công ước. Tuy nhiên luật Viêt Nam không ghi nhận hành vi chấp thuận bởi lẽ đây là một thủ tục mới được áp dụng trong thực tiễn quan hệ điều ước vào cuối thế kỉ XX nhưng bản thân nó đã nảy sinh một số vấn đề trong lý luận. Nếu một điều ước cho phép một quốc gia tham gia thông qua chấp thuận mà không cần ký trước đó thì chấp thuận ở đây không phân biệt được với gia nhập; nếu một điều ước cho phép một quốc gia thông qua chấp thuận sau khi ký thì nó lại không phân biệt được với phê chuẩn. Do đó luật 2005 chỉ ghi nhận các hành vi: ký, phê chuẩn, phê duyệt, trao đổi văn kiện, gia nhập và hành vi khác theo thoả thuận với bên ký kết nước ngoài mới là hành vi thể hiện sự chấp thuận ràng buộc với ĐƯQT của Việt Nam.Các hành vi nay được quy định cụ thể tại các mục 5, 6 chương II và chương III của Luật 2005.

2.2.4. Về bảo lưu ĐƯQT

Luật 2005 đã xây dựng riêng một chương IV quy đinh về bảo lưu về ĐƯQT nhiều bên trên cơ sở áp dụng những quy định về bảo lưu của Công ước Viên tại mục 2 chương II và trên cơ sở những quy định có tính nguyên tắc của Pháp lệnh năm 1998 tại Điều 15, Điều 16. Luật 2005 đã ghi nhận một cách cụ thể, khá chi tiết về trình tự, thẩm quyền bảo lưu ĐƯQT cũng như các quy định về rút bảo lưu hoặc phản đối bảo lưu. Các quy định cụ thể về bảo lưu này đặc biệt có ý nghĩa với trường hợp Viêt Nam quyết định gia nhập một ĐƯQT nhưng không tham gia quá trình soạn thảo nội dung điều ước đó.

2.3. Về thực hiện ĐƯQT

Nếu như Pháp lệnh năm 1998 chỉ quan niệm việc thực hiện ĐƯQT theo nghĩa truyền thống là những gì liên quan trực tiếp đến việc thực hiện ĐƯQT đã được ký kết, gia nhập (pháp luật chỉ quy định về việc tuân thủ thực hiện điều ước, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, đình chỉ hiệu lực, bãi bỏ điều ước và giải thích nội dung điều ước) thì Luật 2005 đã xem xét việc thực hiện ĐƯQT như là một quá trình trong đó có thể phát sinh những vấn đề cần thiết phải điều chỉnh với tinh thần vừa đảm bảo thực hiện cam kết quốc tế vừa đảm bảo cho quyền và lợi ích của Việt Nam không bị vi phạm. Những quy định tại chương VII – thực hiện ĐƯQT này tương thích với tinh thần cũng như quy định tại Công ước Viên 1969: thực hiện ĐƯQT phải được xem xét trong một tổng thể thống nhất các vấn đề có liên quan chặt chẽ với nhau. Các vấn đề về giải thích ĐƯQT, sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT; chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT được xây dựng thành các mục trong chương với những quy định theo hướng cụ thể hoá các chương III, IV, V luật ĐƯQT vào tình hình chinh trị, kinh tế, xã hội cụ thể của Việt Nam. Đặc biệt chương V xây dựng mục 1: kế hoạch thực hiện ĐƯQT với 3 điều nhằm phác thảo chương trình thực hiện điều ước, tạo điều kiện cho ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên được triển khai thực hiện trên thực tế. Điều nay hướng đến thực hiện nguyên tắc được quy định trong Công ước Viên 1969: “Tất cả điều ước có hiệu lực đều rằng

buộc các thanh viên và phải được các thành viên tự nguyện thi hành với thiện chí”(Điều 26).

Toàn bộ luật 2005 nhìn chung được xây dựng theo hướng nội luật hoá Công ước Viên 1969 vào pháp luật Việt Nam trên tinh thần của Hiến pháp năm 1992 sửa đổi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý đảm bảo cho các cơ quan nhà nước thực hiện một cách thống nhất các yêu cầu trong việc đề xuất đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, đặc biệt là hội nhập kinh tế. Sự ra đời của luật 2005 thay thế Pháp lệnh năm 1998 chính là sự đảm bảo nguyên tắc pacta sunt servand (Điều 26 Công ước Viên), trên cơ sở đó Công ước sẽ được triển khai, thực hiện một cách có hiệu quả tại Việt Nam đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thành viên điều ước này.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề pháp lí cơ bản của luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (Trang 43 - 48)