3. Thực trạng ký kết,gia nhập và thực hiện ĐƯQT và kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về ĐƯQT ở Việt Nam
3.2. Những tồn tại của việc ký kết,gia nhập và thực hiện ĐƯQT ở Việt Nam và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật ĐƯQT của Việt Nam
và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật ĐƯQT của Việt Nam
3.2.1. Về thực tiễn ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT
Từ khi thành lập nước Việt Nam đến nay nhà nước ta đã ký cũng như gia nhập hàng ngàn ĐƯQT phục vụ cho đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Tuy vậy có một thực tế không thể chối cãi được và các đại diện của chúng ta khi tham gia đàm phán, ký kết gặp rất nhiều bất lợi, do đó việc đảm bảo quyền, lợi ích của quốc gia chưa được thực hiện triệt để. Điều này có thể được giải thích là vì Việt Nam là một quốc gia nhỏ, nghèo do vậy tiếng nói của quốc gia chưa thực sự được chú trọng trên thế giới. Đặc biệt khi chúng ta ký kết ĐƯQT với những nước phát triển (như với Mỹ trong Hiệp định thương mại Việt - Mỹ) thì thật sự chúng ta đã phải khoan nhượng rất nhiều. Bởi lẽ một nhượng bộ nào đó đối với ta là rất to lớn nhưng đối với những đối tác khác nhất là các nước phát triển lại có thể là chưa đủ! Hơn nữa đàm phán, ký kết ĐƯQT là một hoạt động đòi hỏi người tham gia phải cực kỳ khéo léo, thông minh nhanh nhạy. Phái đoàn đàm phán, ký ĐƯQT là đại diện cho cả quốc gia, mọi cử chỉ lời nói của họ trên bàn đàm phán đều liên quan đến lợi ích của cả quốc gia dân tộc. Do vậy Việt Nam cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo đội ngũ cán bộ để Việt
Nam là một nước “nhỏ” nhưng không “yếu” trên bàn đàm phán, đảm bảo hơn nữa quyền và lợi ích quốc gia khi ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT.
Một thực tế nữa là trong các văn bản pháp luật chuyên ngành đã có những quy định về bảo lưu và phản đối bảo lưu trong ĐƯQT nhưng Việt Nam trong lịch sử ký kết, gia nhập của mình hầu như không hề sử dụng chế định này! Điều này cũng cần được lưu tâm bởi lẽ tại sao chúng ta không sử dụng quyền này để bảo vệ lợi ích quốc gia khi điều kiện thực tế của mình chưa phù hợp. Phải chăng điều này phản ánh năng lực của cơ quan đề xuất trong việc phân tích tình hình và đưa ra kiến nghị?
Đặc biệt trong vấn đề xây dựng văn bản điều ước, Việt Nam chúng ta đã bị thụ động rất nhiều. Trong cả khoảng thời gian dài từ khi ký kết ĐƯQT đầu tiên (1946) đến trước khi luật 2005 ra đời, pháp luật Việt Nam chưa hề có một quy định nào xác định cơ quan có trách nhiệm tiến hành xây dựng văn bản điều ước. Hầu như vấn đề đàm phán của chúng ta dựa trên văn bản điều ước mà phía đối tác đưa ra. Luật 2005 tại khoản 4 Điều 9 mới quy định: “cơ quan đề xuất có trách nhiệm xây dựng dự thảo ĐƯQT của bên Việt Nam; trong trường hợp dự thảo ĐƯQT đã được bên ký kết nước ngoài chuẩn bị thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm nghiên cứu dự thảo đó, xây dựng phương án chấp nhận, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng dự thảo của bên Việt Nam.” Như vậy một yêu cầu đặt ra là mỗi cơ quan chủ quản phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ đáp ứng nhu cầu. Từ những thực tế trên đây trong quá trình ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT của Việt Nam đặt ra một yêu cầu là chúng ta phải xây dựng, hoàn thiện hơn nữa đội ngũ cán bộ trong các cơ quan, bộ, ngành thực sự là những cán bộ giàu năng lực, có chuyên môn, nhạy bén, giàu tâm huyết với quốc gia, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia đamg phán, ký kết ĐƯQT phải là những người thực sự có đức, có tài, tận tâm, tận lực với quốc gia dân tộc.
3.2.2. Về những quy định của pháp luật Việt Nam trong ký kết,gia nhập và thực hiện ĐƯQT trong luật 2005
Luật 2005 ra đời là một bước tiến rất xa của pháp luật Việt Nam về ĐƯQT đưa luật Việt Nam tiến dần phù hợp với luật quốc tế về điều ước. Tuy
nhiên thực tế trong luật vẫn còn những quy định chưa thực sự sáng tỏ khi đi vào thực tế sẽ mang lại nhiều khó khăn.
Tại Điều 32- luật 2005 quy định tại khoản 1 như sau: “ Quốc Hội quyết định phê chuẩn ĐƯQT do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu nhà nước khác, phê chuẩn các ĐƯQT khác theo đề nghị của Chủ tịch nước”. Luật không quy định rõ trong trường hợp như thế nào thì Chủ tịch nước phải đề nghị Quốc hội phê chuẩn. Như vậy chúng ta có thể hiểu quy định này là thông thường thì Chủ tịch nước phê chuẩn ĐƯQT, tuy nhiên khi có “ sự cần thiết” hay “ lý do chính đáng” thì Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội phê chuẩn. Nhưng lúc nào thì “ cần thiết” và lý do nào là “ chính đáng” không được luật đề cập cho nên việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn chưa thực sự được tiến hành theo quy cũ. Thực tiễn thi hành quy định của pháp luật về phê chuẩn ĐƯQT cũng đi theo hướng này, rất ít ĐƯQT được Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội phê chuẩn. Trong lĩnh vực thương mại, Hiệp định thương mại Việt – Mỹ là hiệp định thương mại duy nhất của Việt Nam được Quốc hội phê chuẩn tính đến nay.
Như vậy Chính Phủ cần xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể những trường hợp có lý do chính đáng và sự cần thiết phải có sự phê chuẩn của Quốc hội như:
- Một là xét về ý nghĩa, tầm quan trọng và phạm vi điều chỉnh thì Quốc hội - cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân cần là cơ quan đưa ra quyết định chấp nhận hiệu lực pháp lý của điều ước này;
- Hai là kết quả rà soát pháp luật của Chính phủ cho thấy có những quy định trong ĐƯQT chưa phù hợp hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
- Ba là xét tính phức tạp và tổng hợp của ĐƯQT cho thấy điều ước này cần được xem xét, phân tích và đánh giá ở mức độ chi tiết và thận trọng;
- Bốn là theo quy định trong ĐƯQT thì điều ước đó phải được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn (ví dụ như trong nhiều tuyên bố của Việt Nam tại đàm phán gia nhập WTO có đề cập tới việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn việc gia nhập WTO (đoạn 119 của báo cáo gia nhập) do đó
nếu Chủ tịch nước phê chuẩn sẽ không hoàn toàn phù hợp với các tuyên bố của Việt Nam trong đàm phán gia nhập WTO.
Hơn nữa, Điều 33 qui định về ĐƯQT phải thẩm tra có qui định: “ĐƯQT trình Quốc hội phê chuẩn phải được thẩm tra”. Quy định như vậy là quá hẹp. Những ĐƯQT do Chủ tịch nước phê chuẩn có liên quan đến các vấn đề hệ trọng như: An ninh quốc gia, hòa bình, biên giới, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân… Thiết nghĩ cũng cần phải thẩm tra trước khi phê chuẩn, trong đó Uỷ ban thường vụ Quốc hội có ý kiến về các vấn đề quan trọng như sự cần thiết của điều ước, giải pháp xử lý đối với các điều khoản trái hoặc chưa được qui định trong văn bản luật, pháp lệnh để đảm bảo tính thực thi của điều ước. Nếu các điều ước này sau khi ký không qua thủ tục thẩm tra thì việc phê chuẩn của Chủ tịch nước sẽ mang tính hình thức và không thể hiện được ý chí đại diện của nhân dân.
Luật 2005 dành hẳn chương III quy định về gia nhập ĐƯQT nhiều bên, tuy nhiên lại không có quy định rõ về trường hợp gia nhập ĐƯQT mà chỉ quy định chung rằng: “ Trong trường hợp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ký kết ĐƯQT đó, không phụ thuộc vào việc ĐƯQT này đã có hiệu lực hay chưa có hiệu lực” (Khoản 10 Điều 2-Luật 2005). Thực tế khi xin gia nhập ĐƯQT trong quá trình đàm phán, gia nhập chúng ta gặp rất nhiều bất lợi:
Trước hết, đàm phán gia nhập là đàm phán một chiều. Mọi thành viên đều có quyền đòi hỏi trong khi nước xin gia nhập không có quyền đó, chỉ là hoặc chấp nhận hoặc kiên trì thuyết phục các thành viên giảm bớt yêu cầu. Kiểu đàm phán này dẫn đến hai hệ quả: Một là quá trình đàm phán kéo dài, hai là nước xin gia nhập nhiều khi phải chấp nhận những yêu cầu vuợt ra ngoài chuẩn mực của ĐƯQT đó. Đàm phán một chiều còn làm nảy sinh xu thế ép nước gia nhập sau phải cam kết ít nhất là bằng, trong nhiều trường hợp là sâu và rộng hơn nước gia nhập trước. Tiêu chuẩn gia nhập vì vậy được nâng dần.
Trong một số trường hợp, đàm phán có thể ảnh hưởng bởi các toan tính chính trị hoặc phi thương mại khác khiến nước xin gia nhập rất khó định hướng hoặc xử lý.
Trước những khó khăn bất lợi chung của việc gia nhập ĐƯQT như vậy, thiết nghĩ nên chăng chúng ta cần xây dựng một quy định thật rõ ràng cho những trường hợp gia nhập của Việt Nam?
Luật ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT năm 2005 ra đời là một nỗ lực lớn của Việt Nam chuẩn bị cho quá trình hội nhập sâu và rộng hơn nữa vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên để luật này đi vào thực tiễn áp dụng được thuận lợi Chính phủ cần nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn để việc thực hiện luật được thống nhất và dễ dàng.
KẾT LUẬN
Với đề tài “ Những vấn đề pháp lý cơ bản của Luật ký kết, gia nhập
và thực hiện Điều ước quốc tế ”, trong phạm vi của một bài khóa luận tốt
nghiệp, chúng tôi đã cố gắng đề cập tới những nét cơ bản nhất của vấn đề ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế của Việt Nam được quy định trong Luật ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế 2005. Đồng thời đặt những quy định hiện hành của hệ thống pháp luật Việt Nam về ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế trong mối tương quan so sánh với Luật Điều ước quốc tế (Công ước Viên 1969 về Luật Điều ước quốc tế) và những quy định trước đây của Pháp luật Việt Nam (gần đây nhất là Pháp Lệnh 1998 về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế ). Cũng như đặt những quy định này trong mối tương quan với điều kiện kinh tế, xã hội trên toàn thế giới và ở Việt Nam hiện nay để thấy được những điểm phù hợp với Pháp luật quốc tế và đời sống quốc gia. Bên cạnh đó cũng tìm ra một số điểm còn bất cập, từ đó đưa ra những kiến nghị riêng của mình nhằm hoàn thiện hệ thống Pháp luật Việt Nam về Điều ước quốc tế.
Sự ra đời của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế 2005 là một bước tiến vượt trội so với từ trước tới nay của hệ thống pháp luật về Điều ước quốc tế Việt Nam. Luật đã thể chế hóa được đường lối, chủ trương của Đảng, mục tiêu, chính sách của Nhà nước về đối ngoại theo phương châm Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế. Các quy định của Luật cũng đã cụ thể hóa được những nguyên tắc ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Pháp luật quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Luật ra đời đã giải quyết được những yêu cầu thực tiễn về ký kết, gia nhập, thực hiện Điều ước quốc tế đó đặt ra trong tiến trình hội nhập của Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới cho công tác Điều ước quốc tế ở nước ta. Chính phủ cần nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn thi hành để những quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế 2005 thực sự đi vào
thực tiễn, phát huy vai trò của mình trong lĩnh vực Điều ước quốc tế, nhất là khía cạnh kinh tế - khía cạnh được quan tâm nhiều nhất hiện nay trong tiến trình khu vực hoá, toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới.