Các qui định về hành vi xác nhận sự ràng buộc đối với một ĐƯQT

Một phần của tài liệu Một số vấn đề pháp lí cơ bản của luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (Trang 25 - 33)

1. Vấn đề ký kết,gia nhập ĐƯQT

1.3. Các qui định về hành vi xác nhận sự ràng buộc đối với một ĐƯQT

Theo quy định của pháp luật Viêt Nam hiện nay, hành vi xác nhận sự ràng buộc đối với một ĐƯQT bao gồm: ký, phê chuẩn , phê duyệt, gia nhập, trao đổi văn kiện tạo thành ĐƯQT và thực hiện các hành vi khác theo thoả thuận với bên kí kết nước ngoài.(Điều 8)

1.3.1. Về ký ĐƯQT

Ký là hành vi biểu hiện chung nhất thể hiện sự ràng buộc của ĐƯQT đối với các quốc gia một cách chính thức. Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 quy định: “Ký là hành vi pháp lí do người có thẩm quyền hoặc được uỷ quyền thực hiện”. Vấn đề ký ĐƯQT và ký ĐƯQT trong chuyến thăm của đoàn cấp cao được quy định cụ thể tại Điều 27 và Điều 28 –Luật 2005

Trong thực tiễn công tác ĐƯQT hiện nay mặc dù hoạt động phê chuẩn ĐƯQT ngày càng trở nên thông dụng hơn trong việc ký kết ĐƯQT tuy nhiên hành vi ký vẫn được duy trì với đầy đủ các ý nghĩa pháp lí của mình.

Chúng ta cần phân biệt giữa hành vi ký và ký tắt. Ký tắt chỉ là hành vi xác nhận văn bản đàm phán cuối cùng giữa các bên đàm phán, hành vi này không có ý nghĩa ràng buộc ĐƯQT với các quốc gia. Sau khi ký tắt, các bên tiến hành ký chính thức.

1.3.2. Về hành vi phê chuẩn ĐƯQT

Đây là sự khẳng định của một trong những cơ quan cao nhất của nhà nước, bày tỏ sự chấp thuận ràng buộc đối với các điều ước liên quan.

Khoản 7 Điều 1 quy định: “Phê chuẩn là hành vi pháp lí do Quốc hội hoặc Chủ tịch nước thực hiện để chấp thuận sự ràng buộc của ĐƯQT đã ký đối với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

“Điều 31: ĐƯQT phải được phê chuẩn: 1. ĐƯQT có quy định phải phê chuẩn; 2. ĐƯQT được ký nhân danh nhà nước;

3. ĐƯQT được ký nhân danh Chính phủ có quy định trái với các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc có quy định có liên quan đến ngân sách nhà nước”.

Tại Điều 32 phân định rõ thẩm quyền của Quốc hội và Chủ tịch nước trong việc quyết định phê chuẩn ĐƯQT cũng như quy định cụ thể nội dung của quyết định phê chuẩn ĐƯQT. Việc quy định rõ thẩm quyền quyết định phê chuẩn nhằm tránh sự chồng chéo thẩm quyền, giúp các cơ quan xác định đúng công việc của mình để tiến hành một cách hiệu quả nhất.

Để xác định ĐƯQT nào cần phải được phê chuẩn, chủ yếu dựa vào một trong những tiêu chí: danh nghĩa ký kết ĐƯQT, tầm quan trọng của vấn đề được ký kết hoặc yêu cầu phê chuẩn của các chủ thể tham gia ký kết.

Liên quan đến vấn đề phê chuẩn ĐƯQT còn có hoạt động thẩm tra. Điều 33 quy định: “ĐƯQT trình Quốc hội phê chuẩn phải được thẩm tra”. Như vậy việc thẩm tra chỉ được đặt ra với một phạm vi rất nhỏ những ĐƯQT, đó là những điều ước do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu nhà nước khác và những ĐƯQT được Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch nước. Các vấn đề về phạm vi thẩm tra, thẩm quyền thẩm tra, trình tự thủ tục và hồ sơ đề nghị thẩm tra về ĐƯQT được quy định cụ thể tại các điều: Điều 34, Điều 35, Điều 36, Điều 37 nhằm đảm bảo cho công tác thẩm tra được thực thi

hiệu quả và hệ thống. Trước khi Luật 2005 có hiệu lực thi hành, vần đề thẩm tra chỉ đặt ra với việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong nước, chủ yếu tập trung vào sự cần thiết ( hay lợi ích) của việc ban hành văn bản; sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng. Luật 2005 đã quy định vấn đề thẩm tra nhưng chỉ với ĐƯQT được cơ quan quyền lực cao nhất của Việt Nam là Quốc hội phê chuẩn. Qua quá trình thẩm tra nhằm nâng cao hơn nữa tính dân chủ, sự đại diện thật sự cho quyền và lợi ích của nhân dân trong việc phê chuẩn ĐƯQT của Quốc hội.

1.3.3. Về hành vi phê duyệt ĐƯQT

Phê duyệt được hiểu là cách biểu thị sự ràng buộc đối với ĐƯQT đã ký nhưng mức độ thấp hơn phê chuẩn.

Theo khoản 8 Điều 2 Luật 2005 quy định: “Phê duyệt là hành vi pháp lí do Chính phủ thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của ĐƯQT đã ký đối với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Những ĐƯQT sau phải được phê duyệt:

“1.ĐƯQT nhân danh Chính phủ có quy định phải phê duyệt;

2.ĐƯQT nhân danh Chính phủ có quy định trái với quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ;

3.ĐƯQT nhân danh Chính phủ có quy định hoàn thành thủ tục pháp lí nội bộ”(Điều 43)

Luật 2005 cũng xác định thẩm quyền phê duyệt thuộc Chính phủ với những nội dung như: tên ĐƯQT, thời gian và địa điểm ký, nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với ĐƯQT nhiều bên và những vấn đề cần thiết khác, quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT, kiến nghị hoặc quyết định sửa đổi bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ để thực hiện ĐƯQT được phê duyệt, trách nhiệm của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc hoàn thành thủ tục phê duyệt và tổ chức thực hiện ĐƯQT”.

Luật cũng đã quy định trình tự, thủ tục trình, quyết định phê duyệt ĐƯQT tại Điều 45 nhằm đảm bảo quá trình phê duyệt được tiến hành theo đúng trình tự pháp lí và thời hạn, tránh tình trạng trì trệ kéo dài không cần thiết.

1.3.4. Về trao đổi văn kiện tạo thành ĐƯQT

Theo khoản 9 Điều 2- Luật 2005 quy định: “Trao đổi văn kiện tạo thành ĐƯQT là việc trao đổi thư, công hàm hoặc văn kiện có tên gọi khác nhau tạo thành ĐƯQT hai bên giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên ký kết nước ngoài”. Như vậy vấn đề trao đổi các văn kiện tạo thành ĐƯQT chỉ được đặt ra với ĐƯQT hai bên và “nếu văn kiện được trao đổi quy định” (khoản 1 Điều 48).

Việc trao đổi văn kiện tạo thành ĐƯQT cũng có giá trị pháp lí ràng buộc các bên với ĐƯQT được tạo thành như việc ký kết ĐƯQT, do đó các vấn đề về trình tự thủ tục như đề xuất đàm phán, ký ĐƯQT, thẩm định ĐƯQT từ Điều 19 đến Điều 29 cũng được tuân thủ.

1.3.5. Về gia nhập ĐƯQT

Theo chú thích của Uỷ ban Luật quốc tế thì gia nhập là một “phương thức truyền thống” thể hiện sự chấp nhận sự ràng buộc đối với ĐƯQT. Gia nhập có ý nghĩa pháp lí giống như ký, phê chuẩn, phê duyệt ĐƯQT: là việc thể hiện sự chấp nhận ràng buộc với ĐƯQT, tuy nhiên khi nào chúng ta sử dụng hình thức gia nhập? Hình thức này có gì khác so với ký, phê chuẩn, phê duyệt?

Gia nhập ĐƯQT là một hình thức đặc biệt so với ký kết ĐƯQT. Tính đặc biệt này biểu hiện ở việc quốc gia gia nhập hoàn toàn không tham gia vào quá trình đàm phán, soạn thảo ĐƯQT…nhưng gia nhập cũng là một hình thức biểu hiện sự đồng ý chịu sự ràng buộc của một quốc gia đối với ĐƯQT. Chỉ có những ĐƯQT nhiều bên mà quy định của điều ước đó cho phép việc gia nhập thì vấn đề gia nhập mới được đặt ra.

Gia nhập được tiến hành trong trường hợp Việt Nam không tham gia vào quá trình xây dựng dự thảo điều ước, không tham gia đàm phán, ký hoặc phê chuẩn điều ước trong thời gian điều ước mở ra cho các bên ký kết hoặc phê chuẩn. Về trình tự thủ tục trình, quyết định gia nhập ĐƯQT nhiều bên được quy định tại Điều 51- Luật 2005. Gia nhập một ĐƯQT của một quốc gia cũng làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của quốc gia với các thành viên điều ước, do đó luật 2005 qui định việc gia nhập ĐƯQT cũng phải qua các giai đoạn như đề xuất gia

nhập (trong đó phải có quá trình kiểm tra của Bộ Ngoại giao, thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến của các cơ quan tổ chức hữu quan, trường hợp Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định gia nhập thì phải qua quá trình thẩm tra), về thẩm quyền, nội dung quyết định gia nhập, trình tự thủ tục, hồ sơ trình về việc gia nhập cũng như thông báo về việc gia nhập ĐƯQT nhiều bên được quy định chặt chẽ, cụ thể như khi chúng ta tham gia kí kết trực tiếp một ĐƯQT (quy định tại các điều: Từ Điều 49 đến Điều 53- Luật 2005). Qui định như vậy nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của Việt Nam khi gia nhập một ĐƯQT cũng như đảm bảo ĐƯQT đó có khả năng thực thi trên thực tế, để Việt Nam thực hiện đúng nghĩa vụ thành viên điều ước.

Một hành vi pháp lí luôn được sử dụng kèm với hành vi ký kết hoặc gia nhập ĐƯQT là vấn đề bảo lưu ĐƯQT.

“Bảo lưu của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tuyên bố của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập ĐƯQT nhiều bên nhằm loại trừ hoặc thay đổi hiệu lực pháp lí của một hoặc một số quy định trong ĐƯQT khi áp dụng đối với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Khoản 11, Điều 2- Luật 2005)

Điều 57 quy định thẩm quyền quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài:

“1. Quốc hội quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với ĐƯQT nhiều bên mà Quốc hội quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập;

2. Chủ tịch nước quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với ĐƯQT nhiều bên mà Chủ tịch nước quyết định ký, phê chuẩn hoặc gia nhập;

3. Chính phủ quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với ĐƯQT nhiều bên mà Chính phủ quyết định ký, phê duyệt hoặc gia nhập.

Trình tự thủ tục quyết định chấp nhận hoặc phẩn đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài theo quy định tại điều 58 – Luật 2005.

Bảo lưu và phản đối bảo lưu đều là những hành vi pháp lí đơn phương do đó việc rút bảo lưu cũng như phản đối bảo lưu có thể được tiến hành vào bất kì thời điểm nào mà không cần sự đồng ý của quốc gia đã chấp thuận bảo lưu. Trong trường hợp này việc rút bảo lưu được xem là có hiệu lực pháp luật từ thời điểm các quốc gia khác nhận được thông báo về việc rút này, trừ trường hợp chính điều ước đó quy định khác. Ý nghĩa pháp lý của điều bảo lưu được thể hiện ở chỗ các quy định liên quan đến bảo lưu sẽ không có hiệu lực hoàn toàn (hoặc có sự thay đổi) trong quan hệ giữa quốc gia tuyên bố bảo lưu và quốc gia chấp nhận bảo lưu. Trong đó, thứ nhất quan hệ giữa quốc gia bảo lưu và quốc gia không phản đối bảo lưu sẽ được điều chỉnh bằng ĐƯQT (trừ các điều liên quan đến bảo lưu); thứ hai, quan hệ giữa quốc gia tuyên bố bảo lưu và quốc gia chống bảo lưu vẫn được điều chỉnh bằng điều ước nói chung (không loại trừ các qui định liên quan đến bảo lưu). Trong trường hợp ĐƯQT quy định các điều khoản mà quốc gia có thể tuyên bố bảo lưu thì quốc gia chống bảo lưu có quyền tuyên bố không áp dụng điều ước nói chung với quốc gia bảo lưu.

1.3.6. Về hiệu lực, áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT

- Về hiệu lực của ĐƯQT: “Điều 61: hiệu lực của ĐƯQT:

ĐƯQT có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo thể thức và thời hạn được quy định trong ĐƯQT đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài”

Nói chung nếu trong một ĐƯQT mà không có quy định về thời hạn có hiệu lực của điều ước đó thì mặc nhiên điều ước đó có hiệu lực vô thời hạn và nó chỉ chấm dứt hiệu lực khi tất cả các bên kết ước thỏa thuận chấm dứt hiệu lực điều ước hoặc tất cả các bên kết ước ký kết một ĐƯQT mới về cùng một vấn đề thì điều ước cũ đương nhiên hết hiệu lực. Thông thường một ĐƯQT thường có quy định về thời gian bắt đầu có hiệu lực của điều ước còn hầu như không quy định thời hạn hiệu lực cụ thể cho điều ước đó.

- Về áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT.

Trên thực tế các ĐƯQT với tính thiết thực của mình trong đời sống mặc dù chưa có hiệu lực vẫn được các thành viên cho áp dụng tạm thời một phần hoặc toàn bộ trong thời gian chờ đợi có hiệu lực. Điều 62 quy định: “ĐƯQT hoặc một phần của ĐƯQT có thể được áp dụng tạm thời trong thời gian hoàn thành thủ tục để ĐƯQT có hiệu lực theo quy định của ĐƯQT đó hoặc theo thỏa thuận của bên Việt Nam với bên kí kết nước ngoài”.

Việc chấm dứt áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT phải tuân thủ các quy định tại Điều 63 và Điều 64 - Luật 2005. Đặc biệt việc áp dụng tạm thời ĐƯQT này cũng làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trên thực tế như khi ĐƯQT đã có hiệu lực, cho nên vấn đề trình tự thủ tục chấm dứt áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT cũng phải tuân theo quy định chặt chẽ tương tự như quy định tại các Điều 12, Điều 14, Điều 15 – Luật 2005 về đề xuất đàm phán, ký kết ĐƯQT.

1.3.7. Về lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, công bố, đăng kí ĐƯQT

Những vấn đề này mang tính thủ tục, nhằm hoàn chỉnh công tác ĐƯQT được quy định cụ thể tại các điều: Từ Điều 65 đến Điều 70 Luật 2005. Các hoạt động này chủ yếu thuộc vai trò của Bộ Ngoại giao, xác lập cơ sở sự công nhận quốc tế điều ước, những văn bản pháp lý và tạo điều kiện cho ĐƯQT đi vào thực tế.

“Điều 69: công bố ĐƯQT:

ĐƯQT có hiệu lực đối với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công bố trên công báo của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Niên giám ĐƯQT, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài hoặc có quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong trường hợp có yêu cầu không công bố ĐƯQT, cơ quan đề xuất trình Chính phủ quyết định sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan tổ chức hữu quan…”

Hoạt động công bố ĐƯQT nhằm minh bạch hóa các văn bản qui phạm pháp luật quốc gia nói riêng và pháp luật quốc tế nói chung, là một trong những yêu cầu của tiến trình hội nhập quốc tế, đưa ĐƯQT đi vào cuộc sống.

Đặc biệt hoạt động đăng kí ĐƯQT tại ban thư kí Liên hợp quốc có ý nghĩa ghi nhận sự công nhận quốc tế của ĐƯQT mà chúng ta đã tham gia. Trong các hoạt động quốc tế chúng ta chỉ có thể viện dẫn quyền và nghĩa vụ thành viên ĐƯQT của mình với các quốc gia khác trên thế giới như một chứng cứ pháp lý khi mà ĐƯQT chúng ta tham gia đã được đăng kí tại Liên hợp quốc. Điều này có nghĩa là việc đăng kí này bản thân nó không làm phát sinh hiệu lực ĐƯQT giữa các thành viên mà nó chỉ đóng vai trò là một ghi nhận quốc tế khi chúng ta cần viện dẫn.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề pháp lí cơ bản của luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (Trang 25 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(60 trang)
w