Các hình thức giao đất.

Một phần của tài liệu hoàn thiện pháp luật về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất. (Trang 34 - 38)

Hình thức giao đất là cách thức mà Nhà nước xác định mối quan hệ của mình đối với người sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thông qua quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Theo qui định của pháp luật đất đai thì giao đất có hai hình thức giao đất có thu tiền và không thu tiền. Đây là những qui định mới được cụ thể hoá trong Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung 1998. Trước đó Luật Đất đai 1993 vấn đề giao đất không thu tiền và giao đất có thu tiền chưa được xác định rõ.

Đây là hình thức giao đất mà người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước. Hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất nhằm bảo đảm lợi ích chính đáng của người trực tiếp lao động, sản xuất bảo vệ tốt quỹ đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối đồng thời phục vụ chương trình an ninh lương thực quốc gia, hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước hoặc sử dụng đất vào lợi ích chung, lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia...

Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung 1998 qui định 5 trường hợp tương ứng với 5 đối tượng được giao đất không thu tiền sử dụng đất qui định tại điều 22:

1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối mà nguồn sống chủ yếu là thu nhập có được từ các hoạt động sản xuất đó, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối trong hạn mức được Nhà nước giao;

2. Tổ chức sử dụng đất để trồng và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;

3. Cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân để xây dựng trụ sở làm việc, sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh;

4. Cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân để xây dựng các công trình thuộc các ngành và lĩnh vực sự nghiệp về kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao;

5. Tổ chức sử dụng đất vào mục đích công cộng để xây dựng đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè, hệ thống cấp thoát nước, sông, hồ, đê, đập, trường học,bệnh viện, chợ, công viên, vườn hoa, khu vui chơi cho trẻ em, quảng trường, sân vận động, sân bay, bến cảng và các công trình công cộng khác theo qui định của Chính phủ.

So với Luật Đất đai 1993 qua hai lần sửa đổi bổ sung thì điều 33 của Luật Đất đai 2003 bổ sung một số đối tượng được giao đất không thu tiền sử dụng

đất: đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được Nhà nước giao đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối hoặc sản xuất kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; cộng đồng dân cư sử dụng đất sử dụng đất nông nghiệp và cơ sở tôn giáo sử dụng đất phi nông nghiệp có gắn với những điều kiện cụ thể. Theo điều 99 đất do cơ sở tôn giáo sử dụng gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động. Sở dĩ, Luật Đất đai 2003 qui định 2 trường hợp trên là xuất phát từ việc đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể trong việc sử dụng đất, phù hợp với chính sách tôn giáo, dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Vấn đề này ở một số nước có chế độ công hữu về đất đai cũng được qui định tương tự, chẳng hạn ở Trung Quốc. Trung Quốc thực hành chế độ đất đai công hữu, tức chính sách sở hữu toàn dân và chính sách sở hữu tập thể của nông dân về đất đai. Ở cả hai hình thức sở hữu trên đều tiến hành hai phương thức giao quyền sử dụng đất có thu tiền và không thu tiền. Đối tượng được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất không thu tiền gồm các cơ quan Nhà nước, đơn vị quốc phòng, an ninh; đất đai xây dựng hạ tầng thành phố, các công trình công ích; đất đai cho các công trình trọng điểm mà Nhà nước phải gánh vác như điện lực, giao thông, thuỷ lợi, các công trình hạ tầng khác; đất nông, lâm trường quốc doanh giao khoán cho hộ gia đình thành viên nông, lâm trường... Ngoài ra, còn có các đối tượng khác phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh; lợi ích công cộng...

1.4.2. Giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Là một hình thức giao đất mà người sử dụng đất phải trả một khoản tiền nhất định để được sử dụng đất.

Nếu như trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất là để bảo đảm lợi ích chính đáng của người trực tiếp lao động sản xuất, bảo vệ quỹ đất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối; đảm bảo hoạt động bình thường của các

cơ quan Nhà nước hoặc sử dụng đất vào lợi ích chung, lợi ích công cộng... thì việc Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất nhằm bảo đảm nguồn thu cho ngân sách để phục vụ nhu cầu của bộ máy Nhà nước, chi trả cho các hoạt động công và xây dựng hạ tầng cơ sở, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Kế thừa, phát triển các qui định của Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai 2003 đã có những sửa đổi, bổ sung một số đối tượng được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Cụ thể điều 34 qui định như sau:

1. Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở;

2. Tổ chức kinh tế được giao đất sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê;

3. Tổ chức kinh tế được giao đất sử dụng vào mục đích đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê;

4. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được giao đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh;

5. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh;

6. Tổ chức kinh tế được giao đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối;

7. Người Việt Nam ở nước ngoài được giao đất để thực hiện các dự án đầu tư. Trong đó, các khoản 4, 5, 6, 7 là những qui định mới của Luật Đất đai 2003, qui định trên xuất phát từ nhu cầu sử dụng đất ngày càng lớn của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và việc tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Nhưng bên cạnh đó, trường hợp giao đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng đã không được ghi nhận trong Luật Đất đai 2003. Đây là một vấn đề được bàn luận rất nhiều, với chính sách này nhiều tỉnh thu được kết quả khả quan như Bà Rịa - Vũng Tàu... nhưng cũng có nhiều bất cập. Theo ý kiến chung thì đây chỉ là một giải pháp tình thế trong một giai đoạn nhất định và cho đến nay thì nó không còn phù hợp.

Giao đất có thu tiền sử dụng đất và không thu tiền sử dụng đất là hai qui chế khác nhau nên quyền và nghĩa vụ áp dụng cho các đối tượng cũng khác nhau. Theo các qui định của chương IV - Luật Đất đai 2003 thì tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền và không thu tiền sử dụng đất đều có các quyền và nghĩa vụ cơ bản của người sử dụng đất tại điều 105, 107. Tuy nhiên, tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất đã trả có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước thì có quyền và nghĩa vụ như các trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền. Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì có các quyền: chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn qui định tại điều 110 - khoản 2.

Một phần của tài liệu hoàn thiện pháp luật về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất. (Trang 34 - 38)