2. Hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với một số nước lớn là thành viên APEC
2.3. Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam và Nhật Bản
Việt Nam và Nhật Bản là hai nước cùng ở khu vực Đông Á có nhiều nét tương đồng về địa lý tự nhiên và đời sống văn hoá xã hội. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 21/9/1973, song do nhiều nguyên nhân lịch sử và đương đại khác nhau cùng chi phối mà trong quan hệ hai nước đã từng trải qua những bước thăng trầm. Đến khi Việt Nam thực hiện đường lối mở cửa năm 1986, giữa hai nước đã hình thành cơ chế đối thoại thường kỳ cấp Bộ trưởng và Thứ trưởng về các vấn đề chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng. Nhật Bản là nước có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến với kinh nghiệm quản lý có hiệu quả và uy tín cao trên trường quốc tế, luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác toàn diện và tin cậy, tích cực ủng hộ công cuộc đổi mới của Việt Nam, khuyến khích Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới.
* Hợp tác thương mại
Khoảng hơn thập niên gầy đây, Nhật Bản luôn là bạn hàng, thị trường lớn của Việt Nam. Các hoạt động xuất nhập khẩu đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của cả hai nước, đặc biệt là với Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước mấy năm qua luôn ở mức 5- 7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 14- 16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đáng lưu ý, kim ngạch xuất nhập khẩu của ta sang Nhật đã luôn tăng trưởng với tốc độ cao, trung bình từ 15- 19% và là nước xuất siêu sang Nhật Bản. Năm 2004 tổng kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước đạt 7,05 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 3,79 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2003. Đến năm 2005 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng đáng kể, đạt gần 8,2 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là 4,56 tỷ USD tăng hơn 20% so với năm 2004 và chiếm khoảng 15%
tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam [18, tr. 63].
Trong quan hệ song phương, hai nước đã dành cho nhau ưu đãi MFN về thuế, tuy nhiên hàng Việt Nam vào thị trường Nhật Bản vẫn hay gặp phải khó khăn bởi hệ thống kiểm tra phi thuế chặt chẽ, đặc biệt là các quy định khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh, kiểm định. Giờ đây, Việt Nam đã trở thành
thành viên chính thức của WTO, mở ra một thời kỳ mới, tạo cơ hội và động lực cho sự phát triển quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện giữa hai nước, trong đó hợp tác thương mại chắc chắn vẫn là lĩnh vực sẽ được tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sôi động.
* Hợp tác đầu tư
Tính đến cuối tháng 5 năm 2002, Nhật Bản là nước đứng thứ ba trong số các nước và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số 386 dự án được cấp phép, vốn đăng ký đạt 4,3 tỷ USD.
Ngày14/11/2003, Đại diện Chính phủ hai nước đã ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, với sự kiện quan trọng này đã mở ra triển vọng to lớn cho hợp tác đầu tư hai nước.
Tính đến hết tháng 8/2006, Nhật Bản có 677 dự án đầu tư có hiệu quả tại Việt Nam với tổng vốn 6,8 tỷ USD, đứng thứ ba về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ [19, tr. 17].
Nhật Bản còn là nước đã tích cực hỗ trợ phát triển tài chính để góp phần khai thông mối quan hệ của Việt Nam với các tổ chức tài chính quốc tế chủ chốt vào cuối năm 1992.
Tính đến cuối năm 2005 tổng số vốn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam “đã vượt qua con số 10 tỷ USD, xấp xỉ 10,5 tỷ USD, trong đó trên 10% là viện trợ không hoàn lại, phần còn lại là các khoản tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp và thời gian tài trợ dài” [20, tr. 67].
Chương trình viện trợ dài hạn của Nhật Bản dành cho Việt Nam tập trung vào 5 lĩnh vực chính là: phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thể chế, xây dựng và cải tạo các công trình giao thông - điện lực, phát triển nông nghiệp và xây dựng hạ tầng nông thôn, phát triển giáo dục đào tạo và y tế, bảo vệ môi trường. Trong chính sách ODA mới của Nhật Bản có nêu ba mục tiêu chính là: giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện đời sống- xã hội, hoàn thiện cơ cấu kinh tế. Vấn đề quan trọng đặt ra cho Việt Nam hiện nay là phải nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng ODA, để giữ được niềm tin của người Nhật trong việc tiếp tục thực hiện chính sách ODA ưu tiên cho Việt Nam.
Hiện nay, hai nước đang ra sức phát triển mạnh mẽ quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương về đầu tư và thương mại, đẩy nhanh việc triển khai giai đoạn hai sáng kiến chung Việt - Nhật, để tiếp tục nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của quan hệ hợp tác phát triển toàn diện về nhiều lĩnh vực sao cho phù hợp với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phát triển của hai nước.
Tóm lại, thông qua các chương trình hợp tác với các nước APEC, chúng ta có cơ hội nắm bắt các thông lệ quản lý phù hợp, giúp nâng cao năng lực trong nhiều lĩnh vực, hợp tác đầu tư và thương mại phát triển, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa nước ta với các nước tiên tiến. Đồng thời chúng ta đã thu được nhiều kinh nghiệm quý báu từ các đối tác trong APEC, đặc biệt là cải thiện môi trường, thu hút FDI, cải cách cơ chế chính sách, tăng tính minh bạch của hệ thống pháp lý, tạo thêm thuận lợi cho thương mại và xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng và hỗ trợ rất lớn cho tiến trình đàm phán gia nhập WTO. Trên cơ sở kết quả đã đạt được, trong thời gian tới phải đẩy mạnh hợp tác hơn nữa để khẳng định uy tín, thiện chí và khả năng của Việt Nam sẵn sàng hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.