Bổ sung các quy định còn thiếu và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chứng khoán

Một phần của tài liệu tính khả thi của Luật chứng khoán trước yêu cầu bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư (Trang 45 - 48)

1. Ban hành các quy định công nhận quyền của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán

1.1.Bổ sung các quy định còn thiếu và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chứng khoán

Luật chứng khoán

Để góp phần đảm bảo tính khả thi của Luật chứng khoán, điều quan trọng là cần xác định rõ những quy định còn thiếu hoặc đã có trong luật này nhưng chưa cụ thể và chưa được hướng dẫn thi hành, liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Theo ý kiến chúng tôi, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định của Luật chứng khoán nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, theo hướng dưới đây:

Thứ nhất, trong mối quan hệ giữa nhà đầu tư và chủ thể phát hành chứng khoán: Cần công nhận quyền giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp của nhà đầu tư đối với tổ chức phát hành và tạo ra được cơ chế giám sát rõ ràng hiệu quả.

Đây là một trong những quyền năng rất quan trọng nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư chứng khoán. Sở dĩ như vậy là bởi vì, khi nhà đầu tư mua chứng khoán tức là họ đã trực tiếp hoặc gián tiếp đầu tư vào tổ chức phát hành, do vậy việc công nhận quyền được giám sát nguồn vốn đầu tư của họ là hoàn toàn chính đáng. Về cơ bản, nhà đầu tư có thể thực hiện được quyền này thông qua các phương cách chủ yếu như: Nắm bắt tình hình hoạt động của công ty thông qua các thông tin được công bố, trực tiếp giám sát hoạt động của công ty hoặc thông qua các cơ chế đại diện cho mình như Ban kiểm soát, Hội đồng quản trị ... Hiện nay, các quy định về công bố thông tin và nghĩa vụ công bố thông tin đã được quy định cụ thể và rõ ràng trong Luật chứng khoán, tuy nhiên các quy định về quản trị công ty đại chúng cần được làm rõ và

được hướng dẫn cụ thể nhằm đảm bảo quyền giám sát của nhà đầu tư.

Thứ hai, trong mối quan hệ giữa nhà đầu tư và chủ thể trung gian: Cần chấp nhận quyền được tiến hành một số hoạt động trung gian của chủ thể là cá nhân (ví dụ hoạt động môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán) và bước đầu xây dựng quy chế về hoạt động trung gian của cá nhân.

Công nhận tư cách chủ thể của nhà môi giới cá nhân và quản lý hoạt động của nhóm chủ thể này đã và đang được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Để đưa ra các quy định phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam hiện nay, trước hết cần tìm hiểu về cách thức hoạt động của chủ thể này, phân tích những khả năng xâm phạm tới nhà đầu tư và thị trường từ hành vi của họ để xác định thời điểm cho phép họ được tiến hành hoạt động môi giới chứng khoán. Như vậy vừa có thể ngăn chặn những rủi ro mà cá nhân môi giới có thể gây ra, mặt khác phát huy được những lợi thế của chủ thể này, tăng thêm tính năng động cho thị trường và nhất là đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn giao dịch chứng khoán hiện nay ở nước ta.

Về vấn đề này, kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật ở Ba Lan cho thấy Luật giao dịch chứng khoán Ba Lan năm 1997 quy định rất cụ thể tại điều 21 về hoạt động trung gian môi giới của cá nhân. Một thể nhân có thể môi giới chứng khoán, được gọi là nhà môi giới hoặc tư vấn chứng khoán, được gọi là nhà tư vấn khi thoả mãn những điều kiện: (1) Có đủ năng lực thực hiện các quy định của pháp luật; (2) được hưởng các quyền công dân; (3) chưa bao giờ bị tuyên án phạm tội về tài sản hoặc tài liệu, phạm tội về kinh tế, làm giả tiền, chứng khoán hoặc con dấu, phạm tội về tài chính hoặc phạm tội đề cập tại khoản 11 hoặc phạm tội về giao dịch tại thị trường giao dịch hàng hoá được miêu tả tại các điều khoản của một luật khác; (4) ít nhất tốt nghiệp phổ thông trung học; (5) đã thi đỗ kỳ thi của Hội đồng thi cho các nhà môi giới chứng khoán hoặc Hội đồng thi cho các nhà tư vấn. Theo quy định này, một người có quyền được hành nghề môi giới khi được ghi tên vào danh sách những người môi giới, và có quyền được hành nghề tư vấn khi được ghi tên vào danh sách những nhà tư vấn [16, điều 21].

Thứ ba, trong mối quan hệ giữa các nhà đầu tư với nhau: Cần hoàn thiện các quy định về hành vi bị cấm trên thị trường chứng khoán.

Phải thừa nhận rằng việc quy định các hành vi bị cấm trên thị trường chứng khoán là một vấn đề rất phức tạp và rất nhạy cảm, vì nó liên quan đến quyền lợi của nhiều chủ thể khác nhau và rất có thể bị các chủ thể này phản ứng. Thực tế cho thấy, để kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại cho quyền lợi nhà đầu tư do việc thực hiện các hành vi này, rất cần có những quy định cụ thể, rõ ràng, chi tiết về mỗi dạng hành vi; những cách thức biểu hiện của nó qua các hành vi thương mại; các cơ chế phát hiện, ngăn chặn và các chế tài đối với mỗi hành vi đó. Đây là vấn đề tuy đã được đề cập đến trong Luật chứng khoán năm 2006 nhưng thiết nghĩ cần được quy định rõ hơn, chi tiết hơn bằng các văn bản dưới luật của các cơ quan hành pháp.

Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy pháp luật nhiều nước trên thế giới có những quy định rất cụ thể về vấn đề này. Chẳng hạn, về giao dịch nội gián, LCK Trung Quốc năm 1999 quy định: “Trong các hoạt động giao dịch chứng khoán, các thông tin chưa công khai về tình hình kinh doanh, tài chính của công ty hoặc có ảnh hưởng lớn tới giá chứng khoán trên thị trường của công ty được coi là thông tin nội bộ”. Các loại thông tin sau được coi là thông tin nội bộ: (1) các vụ việc nghiêm trọng như: thay đổi lớn về phương thức và pham vi kinh doanh của công ty; hành vi đầu tư lớn và quyết định mua tài sản lớn của công ty; (2) kế hoạch phân chia cổ tức hoặc tăng vốn của công ty; (3) thay đổi lớn về cơ cấu quyền cổ phiếu của công ty; (4) thay đổi lớn về đảm bảo nợ của công ty; (5) công ty thế chấp, bán tài sản chủ yếu hoặc báo hỏng quá 30% tài sản này trong một lần; (6) các hành vi của thành viên hội đồng quản trị, giám sát, giám đốc, phó giám đốc và các nhân viên quản lý cao cấp khác của công ty có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại lớn theo pháp luật; (7) các phương án mua lại công ty niêm yết; (8) các thông tin quan trọng khác mà cơ quan quản lý và giám sát chứng khoán của Quốc vụ viện cho rằng có thể ảnh hưởng tới giá giao dịch chứng khoán [17, điều 69]. Về hành vi thao túng thị trường, LCK Hàn Quốc có những quy định rất cụ thể, chi tiết về bốn biểu hiện của dạng hành vi

này, gồm: (1) đưa ra danh mục những hoạt động nhằm tạo biểu hiện sai hoặc lầm lẫn về giao dịch tích cực hoặc làm cho người khác có những quyết định sai về các giao dịch của các chứng khoán được niêm yết; (2) đưa ra danh mục những hoạt động nhằm dụ dỗ mua hoặc bán bất kỳ chứng khoán nào trên thị trường chứng khoán; (3) đưa ra danh mục những hoạt động nhằm mục đích gắn hoặc ổn định giá của bất kỳ chứng khoán nào, thông qua uỷ thác hay được uỷ thác cá nhân hoặc đồng uỷ thác; (4) đưa ra danh mục những hoạt động liên quan đến việc mua hoặc bán chứng khoán khác [18, điều 105].

Thứ tư, trong mối quan hệ giữa nhà đầu tư và các tổ chức khác trên thị trường: Cần nhanh chóng chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động của hai TTGDCK tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế. Các bước phát triển TTGDCK Hà Nội thành thị trường OTC cần được lập kế hoạch và đưa vào thực hiện sớm, bởi lẽ vấn đề thị trường phi tập trung và những rủi ro tiềm ẩn của thị trường này hiện đang là vấn đề đáng báo động hiện nay, ít nhất là xét từ góc độ bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Một phần của tài liệu tính khả thi của Luật chứng khoán trước yêu cầu bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư (Trang 45 - 48)