Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trong mối quan hệ với chủ thể trung gian trên thị trường chứng khoán

Một phần của tài liệu tính khả thi của Luật chứng khoán trước yêu cầu bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư (Trang 27 - 33)

1. Hiệu ứng của các quy định công nhận quyền lợi của nhà đâu tư trên thị trường chứng khoán

1.2. Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trong mối quan hệ với chủ thể trung gian trên thị trường chứng khoán

1.2. Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trong mối quan hệ với chủ thể trung gian trên thị trường chứng khoán trên thị trường chứng khoán

Với nguyên tắc trung gian, hoạt động đầu tư chứng khoán được thực hiện với sự tham gia hỗ trợ của một chủ thể rất đặc trưng là các chủ thể trung gian trên thị trường chứng khoán. Các chủ thể này có vai trò vô cùng quan trọng trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường thứ cấp, nơi các giao dịch được thực hiện với khối lượng và tần suất rất cao. Các trung gian trên thị trường chứng khoán có thể đóng vai trò là người môi giới, người tư vấn, người kinh doanh hoặc người bảo lãnh phát hành chứng khoán.Khi thực hiện những nghiệp vụ kinh doanh của mình, trung gian chứng khoán có mối quan hệ chặt chẽ với nhà đầu tư, vì thế, rất nhiều quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của chủ thể này có ý nghĩa, tác dụng bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Một cách khái quát, có thể hình dung hiệu ứng của các quy định này đối với việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư được thể hiện trên những khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, hiệu ứng của các quy định về điều kiện thành lập và hoạt động của chủ thể trung gian trên thị trường chứng khoán. Các quy định hiện hành của Luật chứng khoán cho thấy rằng việc hành nghề trung gian trong hoạt động kinh doanh chứng khoán phải đáp ứng nhiều điều kiện và trình tự thủ tục chặt chẽ hơn hẳn các trung gian khác theo quy định của Luật Thương Mại. Để được cấp giấy phép kinh doanh chứng khoán, chủ thể trung gian phải tuân thủ điều kiện về vốn pháp định, về cơ sở vật chất, kỹ thuật, quy định về chứng chỉ hành nghề… Lí do của các quy định này là hoạt động kinh doanh chứng khoán có độ rủi ro quá lớn, đòi hỏi chủ thể kinh doanh chứng khoán phải có một tiềm lực tài

chính dồi dào, cơ sở vật chất đầy đủ và trình độ nghiệp vụ cần thiết để tiến hành các hoạt động trung gian mà không gây ra cản trở, nhiễu loạn cho thị trường và không gây ảnh hưởng bất lợi đến quyền lợi của nhà đầu tư. Theo quy định tại Điều 62 Luật chứng khoán năm 2006, Luật chứng khoán thắt chặt thêm điều kiện về cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập so với quy định trước đây. Cụ thể, nếu là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc trường hợp đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Toà án cấm hành nghề kinh doanh; nếu là pháp nhân phải đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn. Quy định này nhằm bảo đảm cho hoạt động của công ty chứng khoán không bị tác động bởi những chủ thể có nhiều khả năng gây ra những vi phạm trên thị trường và tổn hại cho quyền lợi của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, điều kiện về vốn pháp định không được quy định cụ thể trong luật mà được giao cho Chính phủ quy định bằng Nghị định để có thể thay đổi kịp thời và phù hợp với yêu cầu thực tế. Hiện nay, theo điều 18 Nghị định 14/2007/NĐ-CP của Chính phủ, mức vốn pháp định của tất cả các nghiệp vụ đều tăng hơn so với quy định trước đây. Điều này sẽ làm tăng thêm sự bảo đảm cho quyền lợi của nhà đầu tư [12, điều 18]. Trong nhóm quy định này còn cần phải kể đến một số quy định liên quan đến cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Theo quy định hiện hành, các cổ đông sáng lập hay thành viên sáng lập “không được chuyển nhượng cổ phần hoặc phần vốn góp của mình trong thời hạn ba năm, kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, trừ trường hợp chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập khác trong công ty”. Nếu so với quy định tại Khoản 5 Điều 84 Luật doanh nghiệp 2005 về vấn đề này thì quy định của Luật chứng khoán tỏ ra chặt chẽ hơn. Chắc chắn trong mọi trường hợp sự chuyển nhượng này chỉ diễn ra giữa các cổ đông và thành viên sáng lập. Quy định này nhằm mục đích bảo đảm hoạt động của công ty chứng khoán được ổn định trong những khoảng thời gian mới thành lập, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.

cũng cần phải đề cập đến một vấn đề đang được bàn cãi và quan tâm nhiều trong thời gian vừa qua, đó là các trung gian cá nhân. Theo quy định hiện hành của Luật chứng khoán thì môi giới chứng khoán là hoạt động của công ty chứng khoán [4, điều 6]. Điều này đồng nghĩa với việc Luật chứng khoán không cho phép cá nhân được hành nghề môi giới chứng khoán với tư cách của chính mình. Tuy nhiên, trên thực tế các hành vi môi giới của cá nhân vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là trên thị trường OTC mà không hề được kiểm soát và quản lý. Các nhà đầu tư nhỏ với trình độ hiểu biết thị trường còn kém, không quan tâm lắm đến chuyện những người môi giới cho mình có được phép tiến hành các hoạt động đó hay không, vì thế họ vẫn liều lĩnh thực hiện các giao dịch chứng khoán mà không nghi ngờ gì về rủi ro của nó. Mỗi ngày, sự phát triển của thị trường chứng khoán cũng kéo theo việc hình thành một đội ngũ các nhà môi giới cá nhân bất hợp pháp và được giới đầu tư gọi với cái tên “cò” cổ phiếu. Nếu theo cách thức hoạt động của họ như hiện nay thì bên cạnh vai trò môi giới – mua bán chứng khoán cho khách hàng, họ còn đóng vai là những người trung gian dắt mối, tìm nguồn hàng, và thậm chí là cả người tư vấn đầu tư, người được “thuê” để đầu tư chứng khoán hộ cho các nhà đầu tư. Thực tế cho thấy hoạt động của những “cò” kiểu này không hiếm, thậm chí ngày càng hoạt động một cách chuyên nghiệp hơn, có liên hệ với nhau chặt chẽ hơn để trao đổi thông tin. Theo nguồn tin từ Vnexpress, đội ngũ “cò” này luôn túc trực ở các công ty chứng khoán để tìm mối mua bán, như ở sàn SSI của công ty chứng khoán Sài Gòn, trung bình không dưới 20 “cò” mỗi ngày luôn có mặt để tìm khách [29]. Với hoạt động trung gian kiểu thời vụ như vậy, trong khi Nhà nước không cho phép mà cũng không xử lý triệt để thì nhà đầu tư là người chịu rủi ro nhiều nhất. Nhưng họ cũng không có nhiều lựa chọn vì trên thị trường hiện nay các công ty chứng khoán hầu hết đều lâm vào tình trạng quá tải dẫn đến tình trạng thanh lọc nhà đầu tư, phân biệt đối xử, thậm chí vi phạm những nguyên tắc cơ bản của thị trường (sẽ được phân tích kỹ trong phần thực trạng các hoạt động nghiệp vụ của chủ thể trung gian), thì làm sao có thể cung cấp đủ dịch vụ cho số lượng nhà đầu tư không nhỏ trên thị trường OTC – nơi vẫn được coi là phần chìm của tảng

băng thị trường chứng khoán.

Thứ hai, hiệu ứng của các quy định về hoạt động nghiệp vụ trung gian. Theo quy định của pháp luật hiện hành, chủ thể trung gian trên thị trường chứng khoán có thể thực hiện các hoạt động chính như tự doanh chứng khoán, môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp việc thực hiện nhiều nghiệp vụ sẽ phát sinh mâu thuẫn giữa lợi ích của chủ thể trung gian và chủ thể đầu tư. Ví dụ điển hình là trường hợp chủ thể trung gian vừa tiến hành hoạt động tự doanh, vừa thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán. Để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, pháp luật hiện hành không chỉ quy định rõ các nghiệp vụ của từng loại chủ thể trung gian là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ mà còn quy định cụ thể về cách thức, trình tự thực hiện các nghiệp vụ đó để nhà đầu tư có thể tự mình giám sát hoạt động của các chủ thể trung gian. Theo quy định của Luật chứng khoán năm 2006, có sự tách bạch khá rõ ràng giữa hoạt động của công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ, theo đó công ty chứng khoán chỉ được thực hiện bốn nghiệp vụ kinh doanh, gồm tự doanh, bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư chứng khoán, môi giới chứng khoán; còn hai nghiệp vụ quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư sẽ do công ty quản lý quỹ thực hiện. Với quy định này, pháp luật đã thể hiện vai trò tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, tránh khỏi các xung đột lợi ích với công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

Thực tế hiện nay cho thấy, công ty chứng khoán là chủ thể trung gian được nhắc đến nhiều nhất tại Việt Nam, không chỉ bởi khả năng tăng trưởng và phát triển nhanh chóng của nó mà còn bởi mối quan hệ với nhà đầu tư đang có rất nhiều vấn đề. Theo kiến nghị, phản hồi của nhà đầu tư trên các báo và các trang web điện tử thời gian vừa qua, các công ty chứng khoán đã thực hiện nhiều hành vi gây thiệt hại đáng kể cho quyền lợi của nhà đầu tư nhưng chưa được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý. Trên báo Đầu tư chứng khoán, trong nhiều số liền xuất hiện các bài báo về vấn đề “VIP” trên sàn đầu tư, phản ánh sự phân biệt đối xử của công ty chứng khoán giữa các chủ thể đầu tư có

tiềm lực kinh tế khác nhau trên thị trường. Trong bài viết “Hạng thương gia” của tác giả Anh Ngọc trên báo Đầu tư chứng khoán số 20 ra ngày 8/3/2007 có viết: “Lãnh đạo một CTCK lớn thừa nhận, một lệnh do khách VIP đặt có thể có giá trị lớn hơn tất cả các lệnh của đám đông nhà đầu tư cá nhân chen lấn xô đẩy hàng ngày cộng lại. Phí giao dịch lớn thu được từ khách VIP khiến CTCK không có lý do gì mà không o bế, chiều chuộng tầng lớp này”. Sự o bế, chiều chuộng này được CTCK thực hiện như thế nào, trong bài “Đằng sau cái bóng của VIP” của tác giả Bùi Sưởng và Kim Lam thực hiện phỏng vấn một nhà đầu tư cho biết: ngay tại CTCK, lợi ích của VIP được thể hiện rõ nét, không chỉ ngồi phòng riêng, máy riêng mà được tư vấn đầu tư, nhận lệnh trực tiếp với nhân viên công ty chứng khoán trong khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ chấp chới không biết “đường vào”. Trong bài “Khi thượng đế khóc ròng”, tác giả Thuỳ Vinh cho biết: “Nhà đầu tư nhỏ không thể tìm được một nhà môi giới theo đúng nghĩa, thậm chí không thể tìm được một “nhà nhập lệnh” chân chính theo đúng nghĩa. Nhiều công ty chứng khoán còn duy trì tình trạng ưu tiên đặt lệnh cho các “đại gia” trước, mặc dù họ đặt lệnh sau nhiều nhà đầu tư khác. Chính điều này tạo ra sự đối xử thiếu công bằng giữa nhà đầu tư vốn ít và vốn nhiều” [27, tr.11]. Đây mới chỉ là một vài ví dụ nhỏ cho những phản ánh của cả những người trong giới và ngoài giới đầu tư về vấn đề gây rất nhiều bức xúc đang diễn ra trên thị trường chứng khoán hiện nay. Và, một câu hỏi lớn được đưa ra là với sự phân biệt đối xử này, môi trường đầu tư chứng khoán có còn công bằng không, có minh bạch hay không và có thực sự an toàn cho các nhà đầu tư hay không. Thực chất, dành ưu tiên với những khách hàng quan trọng không phải hành vi sai, nhưng công ty chứng khoán chỉ được phép thực hiện trong khuôn khổ pháp luật và bằng những hoạt động không gây tổn hại đến thị trường cũng như các nhà đầu tư khác. Trong tương lai, cần có các quy định cụ thể điều chỉnh vấn đề này nhằm hạn chế và xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư, vi phạm nguyên tắc giao dịch đã được ghi nhận bởi Luật chứng khoán.

Thứ ba, hiệu ứng của các quy định về công bố thông tin của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Các quy định hiện hành đòi hỏi những chủ

thể trung gian có nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ, công bố thông tin theo yêu cầu của UBCK khi có thông tin liên quan đến công ty ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, hoặc có trách nhiệm thông báo cho SGDCK hoặc TTGDCK để các tổ chức này công bố thông tin. Các quy định này giúp nhà đầu tư có thể nắm bắt được tình hình hoạt động và các sự kiện liên quan đến tổ chức trung gian để lựa chọn tổ chức tin cậy làm trung gian cho mình và quản lý kịp thời nguồn vốn uỷ thác cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. So với quy định trong điều 56, 57 Nghị định 144/2003/NĐ-CP về công bố thông tin của công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ, Luật chứng khoán hiện hành quy định thống nhất chung các nghĩa vụ này trong Điều 71 và hướng tới mục tiêu cơ bản là bảo vệ tốt nhất quyền lợi của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Thứ tư, hiệu ứng của các quy định về nghĩa vụ và hạn chế của công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ. Hiện tại, Luật chứng khoán đã đặt ra những yêu cầu bắt buộc đối với một số hành vi của chủ thể này mà việc tuân thủ những yêu cầu đó có thể ngăn chặn hoặc giảm bớt khả năng xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư và chủ thể trung gian. Các yêu cầu này thực chất là những nguyên tắc pháp lý mà công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ phải tuân thủ trong quá trình giao dịch chứng khoán, trong đó phải kể đến quy định về việc ký hợp đồng bằng văn bản với khách hàng tạo ra những bằng chứng pháp lý bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư khi có tranh chấp xảy ra; quy định về ưu tiên thực lệnh của khách hàng trước lệnh của công ty chứng khoán, quy định quản lý tách biệt tài sản, tiền và chứng khoán của công ty với tài sản của khách hàng, quy định sử dụng tiền gửi trên tài khoản của khách hàng theo đúng hợp đồng với khách hàng, quy định tách biệt tài sản và chứng khoán của từng khách hàng… Hầu hết các quy định này đều có khả năng bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư một cách hiệu quả trong mối quan hệ với chủ thể trung gian. Ngoài ra, Luật chứng khoán cũng có thêm một số quy định mở rộng phạm vi bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, chẳng hạn như quy định về mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty hoặc trích lập quỹ bảo vệ nhà đầu

tư để bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty [4, điều71]. Tương tự như vậy, quy định về lưu giữ đầy đủ các chứng từ và tài khoản phản ánh chi tiết, chính xác các giao dịch của khách hàng và của công ty tại Khoản 8 Điều 71, quy định về bán khống chứng khoán tại Khoản 9 Điều 71 Luật chứng khoán cũng được xem là những quy định mới vừa có tác dụng giám sát hoạt động của công ty chứng khoán, tránh những gian lận và khi có tranh chấp, có thể đưa ra bằng chứng pháp lý để bảo vệ nhà đầu tư, vừa thỏa mãn được các nhu cầu chính đáng của nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán.

Một phần của tài liệu tính khả thi của Luật chứng khoán trước yêu cầu bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư (Trang 27 - 33)