Hiệu ứng của các quy định về quản lý Nhà nước đối với thị trường chứng khoán

Một phần của tài liệu tính khả thi của Luật chứng khoán trước yêu cầu bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư (Trang 37 - 41)

khoán

2.1. Các quy định của Luật chứng khoán

Phần này tập trung vào các quy định tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động quản lý của nhà nước đối với các chủ thể trên thị trường nhằm ngăn chặn các hành vi có thể gây xâm hại đến quyền lợi nhà đầu tư. Các quy định trong nhóm

này chủ yếu đề cập đến vấn đề giám sát của Nhà nước trên thị trường chứng khoán thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra. Với nhóm các quy định đã được phân tích ở mục trước (2.1), pháp luật bảo vệ nhà đầu tư bằng cách xác lập quyền lợi mà họ có khả năng có được khi tham gia trên thị trường và thừa nhận nó thông qua các quy định, yêu cầu trong hoạt động của các chủ thể khác. Với nhóm quy định này, sự bảo vệ của pháp luật đối với quyền lợi của nhà đầu tư mang tính chủ động hơn, bằng cơ chế thanh tra, giám sát và kiểm soát từ phía Nhà nước.

Có thể nhận thấy việc triển khai hoạt động này của Nhà nước không ngoài các mục tiêu cơ bản sau đây:

(i) Kịp thời phát hiện ra những hành vi vi phạm pháp luật hoặc có nguy cơ xâm phạm đến quyền lợi nhà đầu tư;

(ii) Ngăn chặn, phòng ngừa và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường, thông qua cơ chế giám sát chặt chẽ và thường xuyên;

(iii) Tìm kiếm bằng chứng để xử lý vi phạm và giải quyết các tranh chấp xảy ra, dựa trên kết quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát.

(iv) Nắm bắt được tình hình hoạt động của thị trường để đưa ra các quy định phù hợp và các biện pháp quản lý hiệu quả.

Vì phải đảm bảo nhiều mục tiêu như vậy nên hoạt động này có thể diễn ra trong nhiều thời điểm, bằng cơ chế kiểm tra bất thường đột xuất hoặc bằng chế độ thanh tra, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch định sẵn. Trước đây, các quy định trong Nghị định số 144/2003/NĐ-CP và những văn bản liên quan chỉ có những quy định rất sơ sài về hoạt động này. Hiện nay, hầu hết những thiếu sót này đã được Luật chứng khoán khắc phục bằng nhiều quy định mới được thể hiện trong các Điều từ 108 đến 117. Tuy vậy, xét dưới góc độ lý thuyết các quy định hiện hành về thanh tra chứng khoán chưa thể thoả mãn được hết yêu cầu của thực tiễn trong hoạt động quản lý giám sát thị trường. Cụ thể là:

Thứ nhất, các quy định này chưa thể hiện được tính liên kết và xâu chuỗi giữa các yếu tố xuất hiện trên thị trường mà chủ yếu thực hiện dưới quyết định dạng chương trình kế hoạch được Chủ tịch uỷ ban chứng khoán phê duyệt.

Thông thường các chương trình kế hoạch này thường mất thời gian rất lâu mới thực hiện, khi thực hiện có thể lại mất tính bất ngờ. Như vậy chưa phải là một cơ chế linh hoạt. Ngoài ra, thanh tra được tiến hành đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng lại không có quy định thế nào được coi là “có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.

Thứ hai, vẫn còn thiếu quy định về hoạt động điều tra (tạm thời có thể hiểu hoạt động thanh tra theo các quy định LCK đã bao gồm hoạt động kiểm tra). Sẽ có người cho rằng việc điều tra, thu thập chứng cứ là hoạt động mang tính nghiệp vụ của các cơ quan bảo vệ pháp luật, diễn ra trong quá trình tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự, dân sự hoặc hành chính. Khẳng định đó là đúng nhưng nếu xét trong lĩnh vực chứng khoán, liệu có nên thiết lập các quy định về điều tra, thu thập chứng cứ một cách cụ thể và riêng biệt hay không thì vẫn còn đáng suy nghĩ. Bởi lẽ, chứng khoán là một lĩnh vực vô cùng rủi ro và nhạy cảm, các hoạt động nghiệp vụ thì yêu cầu trình độ chuyên môn cao nên rất cần tính chuyên nghiệp trong hoạt động điều tra. Mặt khác, nếu xét về bản chất, hoạt động điều tra và thanh tra cùng thực hiện một số hành vi như xem xét, kiểm tra, đối chiếu…để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ việc hoặc để đưa ra các kết luận, chúng chỉ khác nhau về thời điểm tiến hành các hoạt động. Nói tóm lại, nếu được quy định một cách cụ thể hơn trong các văn bản pháp luật về chứng khoán, các quy định này sẽ có tác động rất lớn tới vấn đề bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

2.2. Thực tiễn áp dụng

Trong thời gian vừa qua, UBCKNN đã tiến hành một số hoạt động kiểm tra, thanh tra trên thị trường. Kết quả là hầu như các công ty chứng khoán bị kiểm tra đều có những vi phạm về nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán. Đầu tiên phải nói đến những sai phạm của CTCK ngân hàng ngoại thương (VCBS) về quy trình nhận lệnh khách hàng và quy định về ưu tiên nhận lệnh khách hàng trước lệnh tự doanh khi thanh tra lần đầu. VCBS tiếp tục bị phát hiện có vi phạm trong quản lý tiền, chứng khoán của khách hàng, công ty và chế độ đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán trong lần kiểm tra sau [37]. Sau VCBS là CTCK Ngân hàng Á Châu (ACBS) và CTCK Thành phố Hồ Chí Minh (HSC).

Theo kết luận của UBCKNN, ACBS vi phạm quy định về cầm cố chứng khoán, bên cạnh đó còn có thiếu sót như chưa có đầy đủ hệ thống sổ sách phản ánh các nghiệp vụ lưu ký, cầm cố, thanh toán bù trừ, chuyển khoản chứng khoán. Một số chứng từ về lưu ký, cầm cố chứng khoán chưa được ACBS hạch toán kịp thời, dẫn đến số liệu tại ACBS bị lệch so với số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. HSC cũng có một số thiếu sót tương tự như chưa có đầy đủ hệ thống sổ sách phản ánh các nghiệp vụ lưu ký, cầm cố, thanh toán bù trừ, chuyển khoản chứng khoán; chưa xây dựng quy trình thanh toán bù trừ chứng khoán và tiền cho nhà đầu tư; quy trình tất toán tài khoản cho nhà đầu tư; một số chứng từ về lưu ký, cầm cố chứng khoán chưa được hạch toán kịp thời hoặc ngày hạch toán không trùng với ngày hạch toán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, dẫn đến số liệu tại HSC bị lệch so với số liệu của Trung tâm. [36] Bên cạnh đó, còn khá nhiều sai phạm tương tự của một số công ty chứng khoán khác. Từ kết quả thanh tra của UBCKNN, có thể thấy rằng hoạt động của các CTCK nói riêng và của thị trường chứng khoán nói chung vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề đòi hỏi sự kiểm soát của nhà nước. Một số CTCK nêu trên không phải là những CTCK không có tên tuổi hay mới thành lập, và việc UBCKNN kết luận rằng các công ty này chỉ có “thiếu sót” là không hợp lý, quá nhẹ và không thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Có thể nhận thấy rõ các hành vi nói trên là vi phạm pháp luật về chứng khoán và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi nhà đầu tư. Trong khi kết quả kiểm tra trên mới chỉ làm dịu đi nỗi bức xúc của rất nhiều nhà đầu tư vì tình trạng hoạt động của công ty chứng khoán hiện nay thì chính những vi phạm này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự kém an toàn, thiếu minh bạch của thị trường chứng khoán và sự quản lý, điều hành kém hiệu quả của các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có UBCKNN. Đặc biệt là những phản ánh về việc đặt lệnh ở CTCK không đảm bảo công bằng về thứ tự ưu tiên về thời gian, ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến quyền lợi của nhà đầu tư. Trong bài “Tìm hiểu quy trình đặt lệnh giao dịch” trên báo Đầu tư chứng khoán, tác giả Thu Hương cho biết:

Tại một số CTCK hiện nay, do quá nhiều nhà đầu tư đặt lệnh, nên nhân viên nhận lệnh không thể trực tiếp nhận lệnh của từng người một. Nhà đầu tư cứ bỏ lệnh vào khay và vì thế chẳng thể nào biết được lệnh của mình là lệnh thứ bao nhiêu. Theo các nhà đầu tư, việc chen lệnh thực hiện quá dễ dàng khi nhân viên nhận lệnh cũng sử dụng điện thoại di động hoặc thỉnh thoảng lại thấy người đến rỉ tai hoặc đưa ra những mẩu giấy có vài lời nhắn. Rõ ràng, cần phải có một quy trình chuẩn mực để giám sát việc nhận lệnh tại CTCK và nhập lệnh vào máy chủ của TTGDCK để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư khi đặt lệnh. [24, tr.11]

Những phản ánh về giám sát quy trình đặt lệnh mới chỉ là một yêu cầu cơ bản nhất, công khai nhất mà nhà đầu tư có thể nhận thấy hàng ngày. Còn với những quy trình phức tạp hơn, nhạy cảm hơn thì việc bảo vệ nhà đầu tư càng đặt ra bức thiết và sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước càng thể hiện vai trò quan trọng. Về vấn đề này, tác giả Dương Nguyễn trong bài “Rất cần những cuộc vi hành” cho biết: theo ý kiến của nhà đầu tư, UBCKNN có kế hoạch thanh tra thì cứ thế mà làm, không cần báo trước để tránh cho việc các CTCK có thời gian chuẩn bị để đối phó. Mặt khác những câu chuyện bất minh trên thị trường chứng khoán cần phải được UBCKNN làm rõ trước khi dư luận lên tiếng phản ánh [24, tr.7]. Những ý kiến này không phải không có lý, nó đặt ra những vấn đề nóng bỏng về quy trình thanh tra, kiểm tra của UBCKNN, theo đó cần có những cơ chế thanh tra theo nguồn tin từ thị trường, và rất cần có những quy trình kiểm tra thể hiện được tính độc lập, chủ động của cơ quan quản lý trong đó yếu tố đột xuất, bất ngờ sẽ phần nào quyết định tính hiệu quả cuộc thanh tra, điều tra.

Một phần của tài liệu tính khả thi của Luật chứng khoán trước yêu cầu bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư (Trang 37 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(63 trang)
w