3. Đối với Viện kiểm sát nhân dân
3.2.4. Tăng cường sự phối hợp giữa Công an, Viện kiểm sát, Tòa án với các tổ chức, đoàn thể quần chúng trong trong đấu tranh phòng, chống tội không
các tổ chức, đoàn thể quần chúng trong trong đấu tranh phòng, chống tội không tố giác tội phạm
Để cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội không tố giác tội phạm nói riêng đạt được hiệu quả cao, cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án cần thực hiện một số biện pháp sau đây:
Một là, cần giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án có ý thức phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể quần chúng trong đấu tranh phòng, chống tội không tố giác tội phạm, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 08 ngày 02-01-2002 của Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới.
Hai là, phải tích cực phối hợp với các ngành hữu quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, ủy ban bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chính Minh... nắm tình hình phát hiện, tố giác tội phạm. Cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án phải tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt quy định của Thông tư liên ngành số 03/TT- LN ngày 15-05-1992 giữa Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Tổng cục Hải quan về việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, trong đó cần rút kinh nghiệm về những biểu hiện thiếu phối hợp chặt chẽ trong khâu nắm tình hình, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm; chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về công tác tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác tội phạm thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành mình.
Ba là, sự phối hợp hoạt động giữa Công an, Viện kiểm sát, Tòa án trong hoạt động điều tra, truy tố xét xử là biện pháp quan trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội không tố giác tội phạm nói riêng; sự phối hợp này còn nhằm hạn chế và khắc phục những sai lầm của mỗi cơ quan, bảo đảm tính khách quan, chính xác trong quá trình giải quyết vu án có bị can, bị cáo phạm tội không tố giác tội phạm.
Tăng cường phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án có bị can, bị cáo phạm tội không tố giác tội phạm, nhất là các vụ án trọng điểm, phức tạp, mà dư luận
quan tâm, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong sự phối hợp hoạt động, phải bảo đảm đúng nguyên tắc, kiên quyết chống các biểu hiện của chủ nghĩa quan liêu, bè phái, cục bộ.
Bốn là, Bộ Công an và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã ra Nghị quyết liên tịch số 02 ngày 01-08-1998, trên cơ sở đó, Công an các địa phương và Đoàn Thanh niên cấp tương ứng đều ký kết Chỉ thị liên tịch về "Chương trình phối hợp hành động thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu niên". Công an các địa phương và Doàn Thanh niên Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội cần sơ kết, rút kinh nghiệm về chương trình phối hợp này, có sự hướng dẫn cụ thể hơn để các cấp thực hiện chương trình này tốt hơn. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm và động viên đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm nói chung và phát hiện, tố giác tội phạm do thanh, thiếu niên thực hiện nói riêng.
Năm là, Cơ quan Công an cần phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường có kế hoạch quản lý học sinh theo chu trình khép kín: nhà trường, gia đình, xã hội, nhằm quản lý, giáo dục học sinh, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, suy thoái về đạo đức. Đoàn Thanh niên Công an các cấp cần phối hợp với tổ chức Đoàn Thanh niên của nhà trường tổ chức giáo dục truyền thống, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn học sinh vi phạm pháp luật, đồng thời động viên học sinh, sinh viên tham gia phát hiện, tố giác tội phạm.
Sáu là, Cơ quan Công an cần phối hợp với ủy ban bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em có kế hoạch với nội dung, phương pháp giáo dục cụ thể, giúp trẻ em có hành vi trái pháp luật từ bỏ con đường phạm pháp, có điều kiện vừa học, vừa làm để nuôi sống bản thân. ủy ban bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em các cấp cần chủ trì tổ chức các đợt tập huấn về phòng ngừa trẻ em vi phạm pháp luật cho cán bộ các ban, ngành; đồng thời tổ chức các buổi tọa đàm, Hội thảo về trẻ em vi phạm pháp luật và tái hòa nhập
cộng đồng để nâng cao nhận thức, phổ biến kinh nghiệm hay trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội không tố giác tội phạm nói riêng.
Bảy là, Cơ quan Công an cần phối hợp với ngành Lao động - Thương binh xã hội để giải quyết những vấn đề có liên quan đến người phạm tội, trong đó Công an sẽ lên danh sách, lập hồ sơ số người nghiện chất ma túy, hoạt động mại dâm để có biện pháp quản lý, giáo dục tại cộng đồng hoặc đưa vào các trại cai nghiện, các trại tập trung chữa bệnh, dạy nghề cho chị em hoạt động mại dâm chuyên nghiệp, tạo mọi điều kiện để số này tái hòa nhập cộng đồng.
Tám là, Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp chỉ đạo lồng ghép ba chương trình: phòng, chống tội phạm - phổ biến, giáo dục pháp luật - xây dựng gia đình văn hóa với công tác đấu tranh phòng chống tội không tố giác tội phạm. Công an phải phối hợp với Hội Phụ nữ các cấp phát động phong trào "nuôi con khỏe, dạy con ngoan", vận động chị em phụ nữ tham gia giúp đỡ những gia đình nghèo, khó khăn, đỡ đầu, nuôi dưỡng những em không còn cha mẹ, người thân, tham gia giáo dục các em thanh, thiếu niên hư ở cụm dân cư, tổ dân phố, thôn xóm của mình, tích cực tham gia phong trào đấu tranh phòng, chống tội không tố giác tội phạm.
Chín là, Công an cần phối hợp với Hội Cựu chiến binh các cấp trong việc phát huy bản chất tốt đẹp của các đồng chí cựu chiến binh để tham gia công tác giáo dục truyền thống yêu nước, đạo đức cách mạng cho lớp trẻ tại địa phương; vận động các đồng chí cựu chiến binh còn sức khỏe tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội không tố giác tội phạm nói riêng; vận động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm.
Ngoài ra, Công an cần phối hợp với Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ, các đoàn thể quần chúng khác ở địa phương để các tổ chức này giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác giữ gìn trật tự, an toàn xã hội như Hội Chữ thập đỏ tham gia giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Hội Nông dân vận động hội viên tham gia phát hiện, tố giác tội phạm; phối hợp với các Đội dân phòng, Thanh niên xung kích, xã đội, phường đội tổ chức tuần tra, canh gác ở những địa bàn trọng điểm,
phức tạp về an ninh, trật tự nhằm phát hiện, thông báo kịp thời tình hình có liên quan đến tội phạm cho các cơ quan chức năng.
Kết luận
1. Tội không tố giác tội phạm là một trong những tội phạm được quy định rất sớm trong luật hình sự Việt Nam.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông non trẻ đầu tiên ở Đông Nam á, đã tiến hành tích cực hoạt động lập pháp nói chung và hoạt động lập pháp hình sự nói riêng. Sắc lệnh số 267-SL ngày 15-06-1956 của Nhà nước ta về trừng trị những âm mưu và hành động phá hoại tài sản của Nhà nước, của Hợp tác xã, của nhân dân và cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch Nhà nước Pháp lệnh ngày 30-10-1967 trừng trị các tội phản cách mạng, Pháp lệnh ngày 21-10-1970 trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, Pháp lệnh ngày 21-10-1970 trừng trị các tội xâm phạm tài sản của công dân, đều đã đề cập vấn đề động viên nhân dân tố giác tội phạm đã đề cập vấn đề tố giác tội phạm.
Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam, Bộ luật hình sự năm 1985 đã có quy định về tội không tố giác tội phạm, đánh dấu bước tiến bộ về kỹ thuật lập pháp hình sự của Nhà nước ta. Trong Bộ luật hình sự năm 1999, tội không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 314. So với quy định tương ứng tại Điều 147 Bộ luật hình sự năm 1985, tội không tố giác tội phạm trong Bộ luật hình sự năm 1999 đã có những nội dung được sửa đổi, bổ sung bổ sung khoản mới (khoản 2) nhằm thu hẹp phạm vi trách nhiệm hình sự của ông, bà, cha, mẹ, con cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người có hành vi không tố giác, khi biết người thân của mình phạm tội. Quy định này được bổ sung trên cơ sở kế thừa những giá trị truyền thống nhân văn trong pháp luật của ông cha ta.
2. Tình hình tội không tố giác tội phạm đang diễn biến phức tạp. Thực tế cho thấy, hành vi không tố giác tội phạm có thể gây ra thiệt hại cho hoạt động tư pháp và các thiệt hại khác, bởi lẽ hoạt động tư pháp có nhiệm vụ phải ngăn ngừa có hiệu quả và xử lý kịp thời, nghiêm minh tội phạm, đặc biệt các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về tham nhũng, bảo vệ trật tự kỷ cương, bảo đảm và tôn trọng quyền dân chủ,
quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tội không tố giác tội phạm còn gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, bởi lẽ nếu được công dân tố giác kịp thời, thì tội phạm sẽ sớm được phát hiện và xử lý, cơ quan có thẩm quyền sẽ không phải hao tốn sức lực và tiền của vào việc phát hiện tội phạm. Mặt khác, do công dân không tố giác tội phạm, cho nên tội phạm sẽ có thể không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, gây ra những tổn thất cho Nhà nước, tổ chức và công dân.
3. Nguyên nhân và điều kiện chủ yếu của tình hình trên là do người dân chưa nhận thức đúng và đầy đủ về nghĩa vụ của mình trong việc phát hiện, tố giác tội phạm. Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, những quy định của pháp luật hình sự về tội không tố giác tội phạm nói riêng, còn nhiều hạn chế, kém năng động, thiếu sức thuyết phục, chưa phù hợp với từng loại đối tượng. Bên cạnh đó, những quy định của pháp luật có liên quan đến tội không tố giác tội phạm còn nhiều tồn tại, chưa đồng bộ, còn mâu thuẫn, chồng chéo, khó áp dụng thống nhất. Đáng chú ý, các cơ quan bảo vệ pháp luật còn thiếu kiên quyết, chưa nghiêm khắc trong đấu tranh phòng, chống tội không tố giác tội phạm và chưa có các biện pháp hiệu quả bảo vệ người tố giác những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng…
4. Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, tình hình tội không tố giác tội phạm trong thời gian tới sẽ còn diễn biến phức tạp, tiếp tục gây ra những thiệt hại to lớn đối với hoạt động tư pháp. Trong thời gian tới, để đấu tranh phòng, chống tội không tố giác tội phạm có hiệu quả, cần làm tốt các biện pháp cơ bản sau đây:
- Cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những quy định của pháp luật có liên quan đến tội không tố giác tội phạm cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tình hình, diễn biến của tội không tố giác tội phạm.
- Kết hợp tuyên truyền giáo dục ý thức cộng đồng, nghĩa vụ công dân, động viên quần chúng tham gia phát hiện, tố giác tội phạm với tuyên truyền phổ biến, giáo dục những quy định của pháp luật có liên quan đến tố giác tội phạm. Nội dung tuyên
truyền những quy định của pháp luật có liên quan đến tội không tố giác tội phạm phải thiết thực, dễ hiểu; hình thức tuyên truyền cần đa dạng, phong phú, phù hợp với từng loại đối tượng và địa bàn dân cư, doanh nghiệp; cách làm phải thường xuyên, liên tục.
- Đấu tranh phòng, chống tội không tố giác tội phạm là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài. Cần có kế hoạch và biện pháp cụ thể phù hợp với từng ngành, từng địa phương, từ việc bổ sung hoàn chỉnh cơ sở pháp lý của cuộc đấu tranh, đến việc tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật và giữa các cơ quan này với các tổ chức, đoàn thể quần chúng. Phải coi đây là cuộc đấu tranh của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành, đặt dưới sự lãnh đạo thường xuyên, thống nhất của các cấp ủy Đảng. Phát động phong trào quần chúng tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, đồng thời phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan chức năng như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, phải luôn luôn bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến tội không tố giác tội phạm, để có những biện pháp, chủ trương sát thực, có hiệu quả. Chỉ trên cơ sở tiến hành đồng bộ các biện pháp trên, mới có thể nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tội không tố giác tội phạm ở nước ta hiện nay.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Ban dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi (1998), "Bộ luật hình sự của Liên bang Nga",
Dân chủ và pháp luật, (4).
2. Báo pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (2005), số 089(991), ngày 12/8. 3. Báo pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (2005), số 098(1000), ngày 31/8 4. Báo pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (2005), số 101(1003), ngày 5/9.
5. Bộ Công an (2000), Tài liệu tập huấn chuyên sâu Bộ luật hình sự 1999, Công ty in Ba Đình, Hà Nội.
6. Bộ luật hình sự Việt Nam (1997), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 7. Bộ luật hình sự Việt Nam (2000), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
8. Bình luận khoa học Bộ luật hình sự (1999), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
9. Bộ luật tố tụng hình sự của Cộng hòa Pháp (1998), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 10. Bộ Tư pháp (1957), Tập luật lệ về tư pháp, Hà Nội.
11. Bộ Tư pháp (1994), Bộ luật hình sự Nhật Bản, Nguyễn Văn Hoàn (người dịch), Uông Chung Lưu (người hiệu đính), Hà Nội.
12. Bộ Tư pháp (2000), Số chuyên đề về Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
13. Bộ Tư pháp, Bộ luật hình sự Thụy Điển, Hà Nội.
14. Lê Cảm (1999), Các nghiên cứu chuyên khảo về phần chung Luật hình sự, tập 1, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
15. Lê Cảm (1999), Hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
16. Lê Cảm (2000), "Luật hình sự Việt Nam thế kỷ XV- cuối thế kỷ XVIII", Dân chủ và pháp luật.
17. Lê Cảm (Chủ biên) (2001), Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb Đại