Kết hợp tuyên truyền giáo dục ý thức cộng đồng, nghĩa vụ công dân, động viên quần chúng tham gia phát hiện, tố giác tội phạm với tuyên truyền

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tội không tố giác tội phạm - một số khía cạnh pháp lý hình sự và tội phạm học pot (Trang 81 - 86)

5. Hình phạt đối với người phạm tội không tố giác tội phạm

3.2.2. Kết hợp tuyên truyền giáo dục ý thức cộng đồng, nghĩa vụ công dân, động viên quần chúng tham gia phát hiện, tố giác tội phạm với tuyên truyền

dân, động viên quần chúng tham gia phát hiện, tố giác tội phạm với tuyên truyền phổ biến, giáo dục những quy định của pháp luật có liên quan đến tố giác tội phạm

Tội phạm là một hiện tượng xã hội, đã và đang tồn tại trong xã hội, có nguyên nhân phát sinh trong lòng xã hội. Vì vậy, hoạt động phòng ngừa tội phạm, phát hiện, tố giác tội phạm phải huy động được sự tham gia đông đảo của toàn xã hội và phải trở thành nhiệm vụ của các cấp, các ngành.

Để đề cao vai trò trách nhiệm của mỗi người dân trong việc phát hiện, tố giác tội phạm, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền ý thức cộng đồng, nghĩa vụ công dân trong phát hiện, tố giác tội phạm. Thông qua giáo dục ý thức cộng đồng làm cho mỗi người dân hiểu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của mình trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng cuộc sống yên vui, lành mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:

Mọi người công dân, bất kỳ già trẻ, gái trai, bất kỳ làm việc gì, đều có nhiệm vụ giúp chính quyền giữ gìn trật tự an ninh, vì trật tự an ninh trực tiếp quan hệ đến lợi ích bản thân mọi người.

Mấy mươi vạn con mắt soi sáng, mấy mươi vạn lỗ tai nghe ngóng, thì bọn gian phi, côn đồ sẽ lòi mặt ra và sẽ phải cải tà quy chính dưới lực lượng to lớn của quần chúng [19, tr. 1397].

Khi đề cập quyền và nghĩa vụ của nhân dân là đề cập chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động, quyền và nghĩa vụ là hai mặt của chế độ làm chủ tập thể, hai mặt này không thể tách rời, không đối lập nhau. Điều 54 Hiến pháp năm 1992 quy định:

Quyền và nghĩa vụ của công dân thể hiện chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động, kết hợp hài hòa những yêu cầu của cuộc sống xã hội với tự do chân chính của cá nhân, bảo đảm sự nhất trí về lợi ích giữa Nhà nước, tập thể và cá nhân theo nguyên tắc mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người.

Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân.

Nhà nước bảo đảm các quyền của công dân; công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội.

Trách nhiệm của chính quyền các cấp là phải bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân phải được thực hiện đúng chính sách, pháp luật và làm cho chế độ làm chủ tập thể của nhân dân có nội dung thiết thực; đồng thời phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho mỗi người dân về ý thức cộng đồng, đó là mỗi người dân phải thấy rõ trách nhiệm khi thực hiện nghĩa vụ và thấy rõ vinh dự khi thực hiện quyền của công dân.

Nội dung giáo dục ý thức cộng đồng trong phòng ngừa tội phạm gồm những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, giáo dục cho mọi người ý thức "vì mọi người, vì sự bình yên của cuộc sống cộng đồng", mỗi người phải khắc phục thói ích kỷ, thờ ơ trước tình trạng kỷ cương, phép nước bị xâm phạm.

Thứ hai, giáo dục cho mọi người phải thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong phòng ngừa tội phạm trước hết từ bản thân và gia đình mình, từ đó có tinh thần cảnh giác bảo vệ lẫn nhau, mạnh dạn lên án những hành vi vi phạm pháp luật, tích cực phát hiện tố giác tội phạm. Mỗi người dân phải nhận thức được rằng, việc thực hiện nghĩa vụ phát hiện, tố giác tội phạm là trên cơ sở tự nguyện, theo tiếng gọi của lương tâm. Việc thực hiện nghĩa vụ như vậy, đem lại cho con người sự thanh thản, niềm vui về ý nghĩa đời sống của mình đối với xã hội.

Thứ ba, mọi phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân đều được thực hiện ở cơ sở và được nhân lên sức mạnh bằng ý thức tự giác, năng lực sáng tạo, sức mạnh tiềm tàng trong nhân dân, trong từng hộ gia đình. Phong trào toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm cũng phải được phát động sâu rộng ở cơ sở để nhân dân biết tự phòng, tự bảo vệ. Vì vậy, cần làm chuyển biến mạnh hơn về nhận thức và ý thức trách nhiệm, khơi dậy và phát huy tính tự giác thực hiện quyền và nghĩa vụ của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong phong trào toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, coi đó chính là sự chủ động bảo vệ mình, bảo vệ sự bình yên, an toàn của cả cộng đồng. Trên cơ sở đó, đưa công tác phát hiện, tố giác tội phạm trở thành một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và các địa phương. Đồng thời, để duy trì sự bền vững của phong trào này, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, quy định chế độ, chính sách đối với những người có công phát hiện, tố giác tội phạm; kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những gương người tốt, việc tốt trong phong trào toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm.

Thứ tư, tăng cường giáo dục ý thức cộng đồng về phòng ngừa tội phạm chính là xây dựng ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân. Các cơ quan chức năng như Cơ quan Tư pháp, Văn hóa - Thông tin cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để tham mưu với Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật các cấp xây dựng nội dung

chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm. Trong tổ chức thực hiện, cần chú trọng kết hợp hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng với các hình thức tuyên truyền, giáo dục trực tiếp, cá biệt nhằm làm cho nhân dân nâng cao nhận thức về nguy cơ gia tăng của tội phạm và tệ nạn xã hội, những phương thức, thủ đoạn của bọn phạm tội và hậu quả tác hại của nó đối với nhân dân, cộng đồng và toàn xã hội. Từ đó nhân dân sẽ có ý thức đề cao cảnh giác, phòng ngừa tội phạm ngay từ gia đình, mặt khác tự giác phát hiện và cung cấp những thông tin có liên quan đến tội phạm với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh việc giáo dục ý thức cộng đồng cần tăng cường giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ công dân trong phòng ngừa tội phạm. Nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, cần được xác định theo từng đối tượng cụ thể như sau:

Một là, đối với cán bộ công chức nhà nước, cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị lực lượng vũ trang, cần nâng cao năng lực nhận thức về áp dụng, thi hành pháp luật trên cương vị công tác và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Củng cố ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trên cơ sở tinh thần kiên quyết bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Hai là, đối với lứa tuổi thanh thiếu niên và học sinh, sinh viên cần đưa nội dung giáo dục pháp luật vào chương trình hoạt động của đoàn đội và chương trình học tập một cách thường xuyên và rộng khắp, nhằm phổ biến kiến thức pháp luật cơ bản có tính thiết thực gần gũi với hoạt động học tập vui chơi hàng ngày của các em. Coi trọng giáo dục nhân cách, truyền thống gắn với giáo dục pháp luật với trọng tâm là luật hình sự, luật phòng, chống ma túy, chương trình quốc gia phòng chống tội phạm… để các em nhận thức được tác hại của tội phạm, sự cần thiết phải đấu tranh phòng, chống tội phạm, vai trò, ý nghĩa của việc phát hiện, tố giác tội phạm. Trên cơ sở những nhận thức đúng đắn này, các em sẽ có cách tiếp cận đúng trong việc phát hiện, tố giác tội phạm, giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Ba là, đối với các tầng lớp nhân dân nói chung, nội dung phổ biến giáo dục pháp luật cần có định hướng cụ thể đảm bảo yêu cầu cơ bản và chiến lược. Trước mắt cần tập trung trang bị cho người dân những kiến thức pháp lý về những vấn đề như trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992 và chủ trương của Đảng và Nhà nước về "Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong lĩnh vực bảo vệ an ninh Tổ quốc" trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những kiến thức cơ bản về pháp luật phổ thông gắn bó thiết thân với người dân về luật dân sự, luật hôn nhân gia đình, luật phòng, chống ma túy, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, những quy định pháp luật hình sự về tội không tố giác tội phạm và và trách nhiệm tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội…

Thứ tư, để chuyển tải được các nội dung kiến thức pháp luật nêu trên đến với từng người dân cần phải tiến hành các biện pháp như:

- Tăng cường thời lượng phát thanh, phát sóng về chuyên đề "Tìm hiểu pháp luật", "Phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội" trên các phương tiện truyền thông đại chúng như vô tuyến truyền hình, đài phát thanh, xuất bản rộng rãi ấn phẩm thông tin pháp luật, mở các đợt bồi dưỡng kiến thức pháp luật, thông tin pháp luật cho cán bộ tư pháp phường, tổ trưởng dân phố, tổ hòa giải để họ tham gia có hiệu quả vào công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật ở xã, phường, vì đây là nguồn cung cấp thông tin pháp luật quan trọng cho người dân.

Ngoài ra, cần sử dụng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật linh hoạt như thông qua sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể; thông qua việc giáo dục, thuyết phục trực tiếp của cán bộ chính quyền, cán bộ đoàn thể, hòa giải viên, tổ trưởng tổ dân phố, già làng, trưởng bản và các người có uy tín trong cộng đồng dân cư, làm cho người dân nhận thức quyền và nghĩa vụ của mình trong việc tố giác tội phạm.

- Nhà nước cần quan tâm đầu tư kinh phí, điều kiện bảo đảm cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, những quy định của pháp luật liên quan đến tội không tố giác tội phạm nói riêng. Xây dựng và đưa vào sử dụng rộng rãi các cơ sở dữ liệu pháp luật điện tử để cán bộ, nhân dân dễ dàng truy cập, tìm hiểu

các văn bản pháp luật, trong đó có các văn bản pháp luật liên quan đến tội không tố giác tội phạm. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của phòng Tư pháp quận, mở rộng mạng lưới cộng tác viên tư pháp ở cơ sở phường, xã.

Thứ năm, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần lựa chọn các vụ không tố giác tội phạm phức tạp, điển hình để giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, từ đó góp phần vào phòng ngừa tội phạm.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tội không tố giác tội phạm - một số khía cạnh pháp lý hình sự và tội phạm học pot (Trang 81 - 86)