Mặt khách quan của tội phạm

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tội không tố giác tội phạm - một số khía cạnh pháp lý hình sự và tội phạm học pot (Trang 26 - 31)

Như các tội phạm khác, tội không tố giác tội phạm khi xảy ra, đều có những biểu hiện diễn ra hoặc tồn tại bền ngoài, mà con người có thể trực tiếp nhận biết được. Đó là:

- Hành vi khách quan nguy hiểm cho xã hội;

- Hậu quả nguy hiểm cho xã hội, cũng như mối quan hệ giữa hành vi khách quan và hậu quả.

- Các điều kiện bên ngoài của việc thực hiện hành vi phạm tội (thời gian, địa điểm phạm tội...).

Tổng hợp những biểu hiện trên đây tạo thành mặt khách quan của tội phạm. Như vậy, mặt khách quan của tội không tố giác tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan.

Hành vi khách quan của tội không tố giác tội phạm luôn luôn được thể hiện dưới hình thức không hành động, mà trong khoa học luật hình sự, không hành động phạm tội được hiểu là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm qua việc chủ thể không làm một việc mà pháp luật yêu cầu phải làm, mặc dù có đủ điều kiện để làm.

Hành động hay không hành động phạm tội đều là những biểu hiện của con người ra ngoài thế giới khách quan, được ý thức kiểm soát, ý chí điều khiển và đều có khả năng làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.

Đối với hình thức hành động phạm tội, tính trái pháp luật hình sự của hành vi được thể hiện ở chỗ, việc đã làm bị luật hình sự ngăn cấm, không kể chủ thể thực hiện là ai.

Đối với hình thức không hành động phạm tội, tính trái pháp luật hình sự của hành vi được thể hiện ở chỗ, việc phải làm mà chủ thể đã không làm (mặc dù có điều kiện để làm) là nghĩa vụ pháp lý của chủ thể. Nghĩa vụ pháp lý này có thể được phát sinh do các căn cứ: luật định, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nghề nghiệp, hợp đồng hoặc do xử sự trước đó của chủ thể. Như vậy, điều kiện có thể buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không hành động của mình là:

- Người đó phải có nghĩa vụ hành động; và

- Người đó có đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ này.

Đối với tội không tố giác tội phạm, nghĩa vụ pháp lý này phát sinh do luật định. Khiếu nại, tố cáo về tội phạm và những hành vi vi phạm pháp luật khác là quyền cơ bản của công dân. Điều 74 Hiến pháp năm 1992 quy định:

Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào.

Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan nhà nước xem xét và giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định.

Như vậy, khiếu nại và tố cáo là quyền cơ bản của công dân, nhưng công dân còn có nghĩa vụ phát hiện, tố giác tội phạm. Điều 25 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định:

1. Các tổ chức, công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội; tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

2. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện để các tổ chức và công dân tham gia tố tụng hình sự; phải trả lời kết quả giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm cho tổ chức đã báo tin, người đã tố giác tội phạm biết.

3. Các tổ chức, công dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.

Tội không tố giác tội phạm là loại tội chỉ thực hiện được bằng không hành động, tức là sự làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động chỉ có thể xảy ra khi chủ thể không tố giác tội phạm, người phạm tội với cơ quan có thẩm quyền, trong khi có đủ điều kiện để tố giác.

Người phạm tội có khả năng thực tế tố giác tội phạm là người có điều kiện về mặt thực tế như không gian, thời gian, về điều kiện vật chất, hoàn cảnh hiện tại... để tố giác, không bị các điều kiện khách quan ràng buộc. Nói cách khác, họ có đủ điều kiện để trình báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu. Nếu người đó hoàn toàn có đủ khả năng thực hiện việc tố giác tội phạm, nhưng đã không sử dụng khả năng này, thì trách nhiệm hình sự mới đặt ra.

Pháp luật không quy định cụ thể trong khoảng thời gian bao lâu, công dân phải báo cáo về tội phạm mà mình biết cho cơ quan có thẩm quyền. Việc giải quyết vấn đề này phụ thuộc vào những tình tiết cụ thể của vụ án, nhưng yêu cầu chung của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm là phải phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh và không để một tội phạm nào xảy ra mà không bị phát hiện, xử lý. Yêu cầu đó đòi hỏi mọi công dân phải tố giác ngay về tội phạm mà mình biết khi có đủ khả năng thực hiện việc tố giác đó.

Nếu một người biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện, nhưng vì những lý do nào đó, không tố giác ngay, mà qua một khoảng thời gian nhất định đấu tranh tư tưởng, mới tố giác và trên cơ sở sự tố giác đó, cơ quan có thẩm quyền đã ngăn chặn tội phạm, bắt giữ được kẻ phạm tội, thì người đó

sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp tố giác quá muộn, lại không có lý do chính đáng (như ốm đau, bệnh tật hoặc do nhưng nguyên nhân bất khả kháng khác) và cơ quan có trách nhiệm không còn khả năng để ngăn chặn, xử lý tội phạm và người phạm tội, thì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm. Ví dụ: khoảng 01 giờ sáng ngày 10-2-2002, Nguyễn Văn A có hành vi lén lút vào kho hàng của Công ty dịch vụ T.M trộm cắp 10 bộ giàn máy vi tính trị giá 15.000.000 (mười lăm triệu) đồng/bộ. A đã vận chuyển được cả 10 bộ giàn máy tính này ra đường quốc lộ cách kho hàng 150 mét. Sau đó, dùng xe đạp (loại xe đạp điện) vận chuyển được 7 bộ về gia đình cất giấu. Khi A đang vận chuyển 3 bộ còn lại thì gặp Hoàng Văn C là người cùng khu phố với A (C biết rõ 3 bộ giàn máy vi tính này là do A trộm cắp của công ty dịch vụ T.M). A có nhờ C vận chuyển giúp về gia đình nhưng C không nhận lời và bỏ đi (7 bộ giàn máy mà A đã vận chuyển về trước thì C hoàn toàn không biết). Từ khi C biết A trộm cắp tài sản cho đến khi hành vi phạm tội của A bị phát hiện, C đã không báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, mặc dù có đầy đủ điều kiện để báo cáo.

Ngày 20-9-2002, hành vi phạm tội của A bị phát hiện. Cơ quan tiến hành tố tụng đã tiến hành khởi tố, điều tra và truy tố, xét xử A về tội "Trộm cắp tài sản" theo điểm e khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự (Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng), còn Hoàng Văn C bị truy tố, xét xử về tội "Không tố giác tội phạm" theo khoản 1 Điều 314 Bộ luật hình sự năm 1999.

Tội không tố giác tội phạm là tội phạm mà pháp luật hình sự quy định có cấu thành hình thức. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ khi thực hiện hành vi không tố giác tội phạm. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội không tố giác tội phạm.

Tuy pháp luật hình sự không quy định hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội không tố giác tội phạm, nhưng điều đó không có nghĩa là tội phạm không xảy ra. Thực tế cho thấy, hành vi không tố giác tội phạm có thể gây ra thiệt hại cho hoạt động tư pháp và các thiệt hại khác, bởi lẽ hoạt động tư pháp có nhiệm vụ phải ngăn ngừa có hiệu quả và xử lý kịp thời, nghiêm minh tội phạm, đặc biệt các tội xâm phạm an ninh

quốc gia, tội phạm về tham nhũng, bảo vệ trật tự kỷ cương, bảo đảm và tôn trọng quyền dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tội không tố giác tội phạm gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, bởi lẽ nếu được công dân tố giác kịp thời, thì tội phạm sẽ sớm được phát hiện và xử lý, cơ quan có thẩm quyền sẽ không phải hao tốn sức lực và tiền của vào việc phát hiện tội phạm. Mặt khác, do công dân không tố giác tội phạm, cho nên tội phạm sẽ có thể không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, gây ra những tổn thất cho Nhà nước, tổ chức và công dân. Hậu quả không có ý nghĩa trong việc định tội, nhưng việc xác định hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không tố giác tội phạm với thiệt hại xảy ra, có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết trách nhiệm hình sự và hình phạt.

Các điều kiện bên ngoài của việc thực hiện tội phạm như: công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, thời gian, địa điểm phạm tội, không được đặt ra đối với tội không tố giác tội phạm, bởi lẽ đây là hành vi khách quan của tội không tố giác tội phạm luôn luôn được thực hiện dưới hình thức không hành động.

Cần phân biệt tội không tố giác tội phạm với tội che giấu tội phạm. Không tố giác tội phạm là hành vi luôn được thực hiện dưới hình thức không hành động, thể hiện sự thụ động của người phạm tội khác với che giấu tội phạm là hành vi được thực hiện dưới hình thức hành động, thể hiện sự chủ động của người phạm tội. Chính vì vậy, tội che giấu tội phạm có mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn so với tội không tố giác tội phạm, vì sự chủ động đó. Mặt khác, hành vi che giấu tội phạm chỉ có thể xảy ra khi tội phạm đã được thực hiện, còn hành vi không tố giác tội phạm không chỉ xảy ra khi tội phạm đã được thực hiện mà còn có thể xảy ra khi tội phạm đang được chuẩn bị hoặc đang được thực hiện.

Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy, hành vi che giấu tội phạm thường đi liền với hành vi không tố giác tội phạm, vì trong hành vi che giấu tội phạm đã bao hàm việc không tố giác tội phạm và việc không tố giác tội phạm bảo đảm cho việc che giấu tội phạm đạt kết quả. Trong trường hợp hành vi che giấu tội phạm đi liền với hành vi không tố giác tội phạm, thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự người đó

về cả hai tội hoặc chỉ xử lý về tội không tố giác tội phạm, mà phải xử lý về tội che giấu tội phạm, thì mới phù hợp với tính chất của hành vi phạm tội.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tội không tố giác tội phạm - một số khía cạnh pháp lý hình sự và tội phạm học pot (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)